Ngày đăng: 14/03/2019 14:32
Lượt xem: 16236
Dự án Luật Thư viện: Đích đến là người đọc

Nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong phiên họp sáng 13.3, các Ủy viên UBTVQH đều nhất trí về việc cần thiết ban hành Luật Thư viện. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu trên, dự thảo Luật cần được dày công nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, hướng đến người đọc chứ không chỉ phục vụ quản lý.

 “Dù cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì thư viện vẫn phải tồn tại. Đó là nơi đọc sách, tra cứu thông tin, nơi nghiên cứu tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu và nâng cao tri thức... Do đó, nhu cầu văn hóa đọc cần phải tiếp tục, phải có trách nhiệm để làm sao cho dân Việt Nam nâng cao văn hóa đọc của mình”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chưa đánh giá số lượng người đọc

“Đi các nước, kể cả các nước rất giàu, người ta không khoe GDP bình quân đầu người bao nhiêu, hay chúng tôi giàu có như thế nào, mà đầu tiên là mời đến tham quan thư viện Quốc hội. Đến các trường đại học cũng thế, họ khoe thư viện. Qua thư viện để nói về nền văn hóa, trình độ dân trí”. Vì thế, “với tư cách của một người quan tâm đến thư viện, đến đọc sách”, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự án Luật Thư viện rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và cả tương lai sau này. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng cho rằng: “Sách là tri thức, có tri thức mới có phát triển, vì vậy cần có định chế để phát triển là vô cùng quan trọng”.

Quan điểm chung là vậy, nhưng cụ thể hóa nó như thế nào để đạt mục tiêu đặt ra không phải nhiệm vụ dễ dàng. Với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ số, đặc biệt là chủ trương của Chính phủ là số hóa, Chính phủ thông minh, Chính phủ điện tử... Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải mong muốn những điều đó được thể hiện đầy đủ trong Luật Thư viện; đồng thời kỳ vọng khi Luật ra đời, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ do các thư viện cung cấp sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tìm ở phần đánh giá tác động, không thấy đánh giá số lượng người sử dụng dịch vụ thư viện cung cấp là bao nhiêu và sau khi Luật ra đời tỷ lệ này là bao nhiêu. Trong khi, “Luật ra đời có thành công hay không là ở điểm đó” - Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng băn khoăn: “Trong dự thảo Luật hiện nay nguyên tắc hoạt động thư viện là lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm, tạo lập môi trường khai thác, sử dụng vốn tài liệu, tiện ích thân thiện, nhưng lại không có số liệu về thực trạng số người đọc sách và các loại hình thư viện như thế nào”.

Chỉ ra thực trạng nhiều tủ sách pháp luật để trong phòng Chủ tịch UBND xã hoặc Văn phòng UBND xã, dân không tiếp cận được, có những cuốn sách vẫn bọc giấy bóng kính, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, Luật Thư viện ra đời phải phát huy được hiệu quả đầu tư. “Rất nhiều tỉnh xây dựng thư viện rất đẹp, huyện cũng dành những vị trí rất trang trọng cho thư viện, nhưng đích đến của thư viện là người đọc; tư liệu, tài liệu phải phát huy tác dụng”. Trong khi đó, dự thảo Luật Thư viện hiện được viết theo hướng tập trung để quản lý, không thấy nhiều hành lang pháp lý để thư viện hoạt động cũng như huy động nguồn lực xã hội. Cũng mới chỉ lấy thư viện làm trung tâm mà chưa thấy lấy người đọc là đối tượng phục vụ, là trung tâm cho hoạt động thư viện.

“Điều nào cũng có vấn đề về pháp lý”

Đánh giá cao cố gắng của Ban soạn thảo, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, điều nào trong dự thảo Luật Thư viện “cũng có vấn đề về pháp lý”. Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định dẫn chứng, Điểm d, Khoản 3, Điều 5: Thư viện có yếu tố nước ngoài bao gồm thư viện được thành lập theo điều ước quốc tế và thư viện được thành lập không theo điều ước quốc tế. “Đây là ngôn ngữ của các nhà khoa học thư viện, còn ngôn ngữ pháp lý, yếu tố nước ngoài là tài sản ở nước ngoài, chủ thể ở nước ngoài, quan hệ ở nước ngoài hoặc có giao dịch liên quan đến người nước ngoài”.

Hay Điều 7, bổ sung quy định và trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thư viện góp phần tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với quy định pháp luật về thư viện. “Cái này không đúng. Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thì Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc mới tiến hành giám sát, phản biện xã hội để góp phần xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, không phải tổ chức xã hội nào cũng phản biện, giám sát” - Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định góp ý. Đặc biệt, Điều 9 Thành lập, xác nhận, hợp nhất, chia tách, giải thể thư viện, đề nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 số 19 ngày 25.10.2017, trong đó chỉ rõ việc thành lập các đơn vị sự nghiệp ở những nơi mới phải là nơi thực sự có nhu cầu và điều kiện cho phép, trong khi dự thảo Luật hiện nay, “thấy chỗ nào cũng có thể thành lập được thư viện”.


Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đều băn khoăn thư viện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hay loại hình gì? Bởi Điều 8 dự thảo Luật về điều kiện thành lập thư viện liên quan trực tiếp đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Điều 13 hoạt động thư viện không vì mục tiêu lợi nhuận, liên quan trực tiếp tới Luật Doanh nghiệp. “Nếu là doanh nghiệp thì nên quy định cho đúng theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đọc ở đây mơ hồ không rõ là loại hình gì” - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị.

Việc có đến 12 ý kiến phát biểu trong phiên họp sáng qua, cho thấy sự quan tâm của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực tư tưởng, văn hóa này, song cũng đặt ra yêu cầu rất lớn đối với Ban soạn thảo dự án Luật Thư viện. Bởi như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận, “nó là một trong những nội dung rất quan trọng, góp phần xây dựng và hoàn thiện nền tảng đạo đức xã hội”.

Theo daibieunhandan