Ngày đăng: 25/01/2016 14:01
Lượt xem: 5481
Bác Hồ về thăm đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

 

Được đăng ngày Thứ sáu, 06 Tháng 2 2015 14:00

Ngày 2/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc.

Năm 1963 Bác Hồ hai lần về thăm tỉnh Vĩnh Phúc. Lần thứ nhất vào ngày 2/3/1963,  Bác về biểu dương tinh thần chống hạn của quân và dân Vĩnh Phúc. Nói chuyện với 16.000 cán bộ, Đảng viên, nhân dân và bộ đội trong cuộc mít tinh chào mừng Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên, Người nói “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Lần thứ hai Bác về thăm tỉnh trong khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III diễn ra từ ngày 13/7 đến ngày 20/7/1963, ngày 16/7/1963 Bác về thăm, nói chuyện với Đại hội. Bác nói “Bác chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”.

Sau 3 năm tiến hành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, Vĩnh Phúc đã thu được thắng lợi khá toàn diện. Riêng đối với nông nghiệp, đến cuối năm 1960, toàn tỉnh có 107.944 hộ nông dân (đạt 92,68% tổng số hộ nông dân) đã vào làm ăn tập thể trong 1.350 HTX nông nghiệp (trong đó có 32 HTX bậc cao, 100 HTX liên thôn và toàn xã).

Với thành tích đạt được, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là tỉnh thuộc loại khá của miền Bắc về cải tạo XHCN.       

Phát huy những thành tựu đạt được trong những năm cải tạo XHCN, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh những thuận lợi, Vĩnh Phúc cũng gặp những khó khăn lớn. Là tỉnh nông nghiệp, lại thuộc vùng trung du, địa hình phức tạp, dễ bị hạn, úng... nên kết quả sản xuất còn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là những năm đầu thập niên 60, hạn hán kéo dài và trên diện rộng đã gây tổn thất khá lớn cho sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh nhà. Trong 5 tháng trời bị hạn, làm cho hơn 10.600 ha lúa và 30.000 ha đất trồng màu bị thiếu nước trầm trọng. Để đối phó với giặc hạn, Tỉnh ủy, HĐND và UBHC tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp, động viên mọi lực lượng, với tất cả những phương tiện hiện có để quyết tâm thắng giặc hạn, bảo vệ và đẩy mạnh sản xuất.

Với nỗ lực phi thường của toàn quân, toàn dân, đến cuối tháng 2/1963, về cơ bản Vĩnh Phúc đã khắc phục được hạn hán. Toàn tỉnh đã có nước để gieo cấy được 27.392ha trên tổng số 31.000ha đất lúa; trồng được 6.500 ha trên tổng số 8.500 ha khoai các loại; 6.800 ha trên tổng số 7.000 ha ngô... Đó là thắng lợi có ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân trong tỉnh thời kỳ này.

Phấn khởi vì đã cơ bản giải quyết được hạn hán để bảo đảm sản xuất; vào thời điểm lịch sử này, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc lại có niềm vui to lớn, đó là được Bác Hồ về thăm ngày 2/3/1963.

Ngày ấy thật đẹp trời, cả thị xã Vĩnh Yên rực rỡ cờ và hoa đón Bác. Hơn 16.000 người gồm cán bộ, đảng viên, nhân dân đại diện cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà tập trung tại công viên thị xã (nay là Bảo tàng Tỉnh) đón Bác.

Bác cùng đồng chí Dương Quốc Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp thăm nơi làm việc và gặp gỡ cán bộ chủ chốt của tỉnh tập trung đón Bác tại trụ sở (khu Đồi Cao, nay là trụ sở Tỉnh ủy). Sau khi ân cần hỏi thăm lãnh đạo Tỉnh, Bác ký bức chân dung của Người tặng Đảng bộ và nhân dân (trước cuộc mít tinh đón Bác, Người giơ bức chân dung căn dặn: Đơn vị nào có thành tích cao trong thi đua, Bác sẽ tặng một bức chân dung của Bác như thế này).

Sau khi gặp gỡ lãnh đạo Tỉnh, Bác chụp ảnh với các đồng chí trong Tỉnh ủy, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cả các cháu (con cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy). Bác còn chụp ảnh với một đơn vị bộ đội đạt thành tích xuất sắc trong phong trào 3 nhất.

Ra cuộc mít tinh nói chuyện với hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội trong cuộc mít tinh chào mừng Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên, Người nói: “Bác và đồng chí Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng. Đồng thời khen ngợi xã viên HTX, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá.....

Nói chuyện với nhân dân về chống hạn, Bác căn dặn, tuy hạn đã cơ bản bị đẩy lùi, nhưng có thể bị hạn lại; bởi vậy, luôn sẵn sàng chống hạn. Bác gợi ý: Nước chống hạn có 3 nguồn: Trời mưa, nước sông ngòi và nước dưới đất. Bác yêu cầu: “Chúng ta phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất...”

Đối với sản xuất nông nghiệp, Bác nhấn mạnh 4 yếu tố: Nước, phân, cần, giống; nhưng Bác phân tích nước là quan trọng hàng đầu, thiếu hoặc không có nước, không thể sản xuất được.

Như một nhà nông thực thụ, Bác nói: “Chống hạn, phân bón, chọn giống, trồng trọt, chăn nuôi, cải tiến công cụ, phát triển hoa màu... đều là những khâu quan trọng trong sợi dây chuyền nông nghiệp, một khâu nào yếu cũng không được...”

Căn dặn cán bộ, đảng viên, Bác nói: “Muốn làm tốt công việc thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy đến Chi bộ”. Theo Bác: “Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân và cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... và phải đi sâu vào cơ sở, đi sát HTX. Phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng HTX, xây dựng nước nhà. Bác còn biểu dương nhân dân Vĩnh Phúc Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào tỉnh ta đã có truyền thống oanh liệt đánh Nhật, đuổi Tây. Ngày nay Vĩnh Phúc oanh liệt lại kết nghĩa với Bến Tre anh hùng. Như thế là rất vẻ vang. Để phát huy truyền thống cách mạng vào sản xuất, Bác nhắc nhở: “Đồng bào tỉnh ta phải ra sức phấn đấu, đánh thắng giặc hạn, quyết giành vụ đông xuân thắng lợi. Như vậy là góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà. Như vậy là thiết thực ủng hộ đồng bào Bến Tre ruột thịt...”

Cuối cùng, Người chúc đồng thời cũng là lời căn dặn và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta...”

Sau khi Bác nói chuyện xong, đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hứa với Bác quyết tâm thi đua chống hạn, đẩy mạnh sản xuất và mọi mặt công tác khác, thực hiện đúng lời dạy của Bác.... Tiếp đó, đồng chí Trần Quốc Phi, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã phổ biến Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong vụ đông xuân này để kính dâng thành tích lên Bác Hồ kính yêu./.

Theo http://tet.vinhphuc.gov.vn/