Ngày đăng: 25/01/2016 15:52
Lượt xem: 5415
Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

 

Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước cứu dân, ngày 28/1/1941, qua mốc biên giới 108 (mốc cũ) Việt Nam - Trung Quốc, thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Những ngày đầu tiên, Người ở hang Cốc Bó.

http://img.baocaobang.vn/Uploaded/hangntt/2015_01_23/bac%20ho%20ve%20nuoc_copy.jpg

Ngày 28/1/1941 Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 

Sau một thời gian chuẩn bị, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pác Bó từ ngày 10 - 19/5/1941. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục thực hiện chủ trương gác khẩu hiệu ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất, tiến tới thực hiện người cày có ruộng. Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hội nghị quyết định thay tên các hội phản đế thành Hội Cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương và giúp đỡ việc lập mặt trận các các nước Lào, Campuchia.

Hội nghị xác định hình thái cuộc khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và kết luận: Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn hiện tại. Hội nghị chính thức bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược được đề ra từ Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo thực hiện mục tiêu.

Ngày 19/5/1941, Việt Minh ra đời. 5 tháng sau, Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ Việt Minh được công bố chính thức. Chương trình cứu nước của Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Đảng, ta đã đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó xây dựng lực lượng chính trị là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong lúc này. Cao Bằng là nơi thí điểm cuộc vận động xây dựng các Hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1942, khắp các châu ở Cao Bằng đều có Hội cứu quốc, trong đó, có 3 châu “hoàn toàn”. Tiếp đó, Uỷ ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Uỷ ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng được thành lập.

Ở nhiều tỉnh miền Bắc, một số tỉnh miền Trung, ở Hà Nội, Hải Phòng, hầu hết các “Hội phản đế” (thời kỳ Mặt trận phản đế Đông Dương từ tháng 11/1939 - 5/1941) chuyển thành các “Hội cứu quốc” (thời kỳ Mặt trận Việt Minh tháng 5/1941), đồng thời nhiều Hội cứu quốc mới được thành lập.

Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng đặc biệt coi trọng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, một bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa chuyển sang xây dựng thành những đội du kích, hoạt động ở căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Bước sang năm 1941, những đội du kích ở khu căn cứ này lớn mạnh lên và thống nhất lại thành Trung đội Cứu quốc quân I ( ngày 14/2/1941). Cứu quốc quân phát động chiến tranh du kích trong 8 tháng (7/1941 - 2/1942) để đối phó với sự vây quét của địch, sau đó phân tán thành nhiều bộ phận để chấn chỉnh lực lượng, gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng tại các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Ngày 19/5/1941, Trung đội Cứu quốc quân II ra đời.

Cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập Đội tự vệ vũ trang Pác Bó để chuẩn bị cho xây lực lượng vũ trang nhân dân và thúc đẩy cơ sở chính trị phát triển. Người còn tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, biên soạn các tài liệu về đánh du kích, kinh nghiệm du kích Nga, kinh nghiệm du kích Tàu… Công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng quan tâm. Vùng Bắc Sơn, Võ Nhai được xây dựng thành căn cứ địa. Năm 1941, sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa dựa trên cơ sở lực lượng chính trị được tổ chức và phát triển. Đó là hai căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta. Trong những vùng căn cứ cách mạng, hàng ngày diễn ra hoạt động sản xuất, xây dựng, chiến đấu, hoạt động của các đoàn thể cứu quốc, lực lượng vũ trang.

Từ đầu năm 1943, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai chuyển hướng có lợi cho cách mạng nước ta. Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công quân Đức, sự thất bại của phe phát xít đã rõ ràng. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta đẩy mạnh hơn nữa công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 25 - 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Hội nghị đã vạch ra một kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị toàn diện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Đặc biệt, ở các căn cứ địa, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra khẩn trương. Ở căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, Cứu quốc quân hoạt động mạnh, tuyên truyền vũ trang, gây dựng cơ sở chính trị, mở rộng căn cứ. Trong quá trình đó, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời (5/2/1944). Ở căn cứ địa Cao Bằng, những đội tự vệ vũ trang, đội du kích được thành lập. Năm 1943, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng lập ra 19 ban “xung phong Nam tiến” đến liên lạc với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai và phát triển lực lượng xuống các tỉnh miền xuôi.

Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa” và Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc xã Tam Kim, Nguyên Bình). Sau khi ra đời, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Căn cứ Cao - Bắc - Lạng được củng cố và mở rộng.

Công cuộc chuẩn bị vẫn tiếp tục cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hoà, đưa dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân tự do làm chủ nước nhà; mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trịnh Phương - http://baocaobang.vn/