Ngày đăng: 05/06/2023 10:20
Lượt xem: 3883
Kỳ Quan thiên nhiên”
 
 

 

Thiên nhiên có bao điều kỳ thú, có bao giờ bạn tự hỏi vũ trụ và các hành tinh được hình thành như thế nào? Có hay không tồn tại một loài hoa 2000 năm tuổi? Vì sao chúng ta có thể nổi trên biển Chết? Tại sao khi ta chạm tay vào cỏ trinh nữ, lá cây lại khép lại?... Mọi giải đáp cho những câu hỏi trên và rất nhiều câu khác nữa liên quan tới thế giới tự nhiên kỳ diệu xung quanh ta sẽ được tìm thấy trong cuốn sách “Kỳ quan thiên nhiên” của tác giả Chiristine Lazier, Phan Quế Dung dịch, Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ 5. Sách dày 125 trang gồm tranh vẽ minh họa, khổ 24cm. Ngoài ra sách có phần phụ lục tra cứu được sắp xếp theo vần chữ cái ABC rất dễ dàng cho độc giả tra cứu những nội dung mình yêu thích.

Mở đầu cuốn sách tác giả cung cấp thông tin về sự hình thành vũ trụ qua tiêu đề “Vụ nổ lớn”. Theo các nhà khoa học, Vũ trụ của chúng ta được sinh ra bởi một vụ nổ khổng lồ gọi là Big Bang vào khoảng 15 đến 20 tỷ năm về trước. Có một giả thuyết phổ biến rằng: Lúc ban đầu, mọi năng lượng và vật chất đều được nén lại, cô đặc trong một “viên bi” nhỏ xíu mà nhiệt độ của nó cao hơn nhiệt độ của mặt trời hàng tỉ tỉ lần. Sau cú nổ, trong nháy mắt, mọi thành phần vật chất được giải phóng và Vũ trụ bắt đầu được mở rộng. Nhiệt độ giảm xuống khoảng 1 tỷ độ. Những hạt bụi vật chất bắt đầu được kết dính với nhau, và khoảng 1 tỷ năm sau đó, những ngôi sao bắt đầu hình thành. Từ sự vận động này, những hành tinh, trong đó có trái đất của chúng ta, bắt đầu được tạo nên cách đây khoảng 4,5 tỉ năm.

Bạn có biết Sao Mộc là một hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời: đường kính của nó lớn gấp 11 lần đường kính của trái đất. Nó chính là một khối khí khổng lồ với độ dày 20.000km. Sao Mộc được  mệnh danh là một hành tinh lạnh với nhiệt độ vào khoảng âm 1500C và nhiệt độ ở tâm của nó có thể lên tới hàng ngàn độ C. Hãy đọc sách để tìm hiểu những thông tin thú vị về Sao Mộc và các Ngôi sao nhé.

Bạn có bao giờ nghe thấy “cái chết của một ngôi sao” chưa? Ưm, ngôi sao mà cũng chết hả? Theo các nhà thiên văn học, các ngôi sao là các khối cầu khí lớn. Khi một ngôi sao (có kích thước bé hơn Mặt Trời một chút) đã đốt hết lượng khí dự trữ của mình thì nó sẽ chết. Ngôi sao đó sẽ tự co rút lại, nóng lên và biến thành màu trắng: lúc đó ta gọi nó là “sao lùn trắng”. Lõi của nó lúc đó sẽ cô đặc lại. Sau khoảng vài tỉ năm, sao lùn trắng sẽ nguội đi, sau đó biến thành “sao lùn đen” và không ai có thể nhìn thấy nó nữa. Đó là cái chết của những ngôi sao có kích thước nhỏ hơn Mặt Trời, vậy những ngôi sao có kích cỡ lớn hơn Mặt Trời thì sao, nó có bị chết không? Và nó sẽ chết như thế nào? Mời các bạn đọc trang 12 của cuốn sách.

Các hành tinh và các ngôi sao ngoài vũ trụ như thế, vậy các hiện tượng thiên nhiên trong trái đất của chúng ta thì như thế nào? Hãy cùng nhau tìm hiểu thế giới thực vật để khám phá ra nhiều điều mới mẻ các bạn nhé.

Khi bạn chạm tay vào những chiếc lá cây trinh nữ, hoặc vỗ mạnh tay gần  lá cây và quan sát hiện tượng xảy ra. Những lá cây sẽ lập tức khép lại và rủ xuống. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự khi có một chiếc xe tải chạy qua đường. Lý giải về điều này, mời các bạn tìm đọc trang 122 của cuốn sách trong bài viết có nhan đề “Một loài cây nhút nhát”. Chính vì sự nhút nhát đó mà dân gian ta gọi đó là loài hoa “xấu hổ” đấy các bạn ạ.

Có loài cây thì nhút nhát vậy, nhưng cũng có những loài cây là những “kẻ ngốn côn trùng” như cây bắt ruồi, cây nắp ấm… Những loài cây này có đặc điểm rất hấp dẫn côn trùng. Cây bắt ruồi có những sợi lông trên lá và sẽ sáng lên bởi những giọt nước li ti lấp lánh giống như những viên ngọc từ sương sớm. Khi một con côn trùng bị vẻ long lanh kia hấp dẫn bay tới gần, nó lập tức bị dính chặt. Còn cây nắp ấm có lá hình một chiếc tù và nhỏ, quanh miệng tiết ra một thứ chất lỏng thơm ngọt để hấp dẫn con mồi. Một khi những con côn trùng bị thu hút bởi thứ mật này đậu xuống miệng ống lẽ rơi ngay xuống đáy “ấm”. Các loài cây này tiêu hóa các con mồi không may mắn như thế nào, mời các bạn đọc trang 106, 107 của cuốn sách.

Còn rất nhiều những thông tin thú vị về các hiện tượng tự nhiên khác như những con sông dài thật dài; những thác nước đặc biệt; một vũ trụ dưới lòng đất… được tác giả ghi chép và mô tả trong cuốn sách. Quý độc giả hãy tìm đọc để thỏa mãn niềm đam mê khám phá thế giới tự nhiên của mình. Sách hiện đang được phục vụ tại kho Lưu động và phòng đọc thiếu nhi Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Trân trọng phục vụ quý bạn đọc!

 

Hoàng Thị Thanh Bình