Ngày đăng: 06/06/2023 15:20
Lượt xem: 5299
Vĩnh Phúc thời Tiền sử - Sơ sử

                                                          

   

  “Ai lên miền ngược, ai về miền xuôi

    Nhớ ghé về thăm quê em Vĩnh Phúc

     Mảnh đất linh thiêng của người Việt cổ

     Nơi khởi nguồn văn hóa PhùngNguyên”

                  (Vĩnh Phúc quê em)

Vĩnh Phúc - một vùng bán sơn địa, trong tiến trình lịch sử đấu tranh chống chọi với thiên nhiên và giặc ngoại xâm, phát triển đất nước, con người nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, sở Văn hóa Thông tin Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất bản cuốn sách “Vĩnh Phúc thời Tiền sử - Sơ sử” do giáo sư Hoàng Xuân Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam biên soạn. Sách dày 191 trang, khổ 20,5cm. Năm xuất bản 2000.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu, biên soạn công phu dựa trên kết quả nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học từ văn hóa Sơn Vi đến văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc mà tác giả đã trực tiếp tham gia các mùa khai quật khảo cổ, bước đầu làm sáng tỏ những thành tựu quan trọng nơi sinh tụ đầu tiên của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước trên mảnh đất này. Sách chia thành 4 chương.

Chương I: Vĩnh Phúc - Đôi nét về thiên nhiên đất nước.

Ở chương này, tác giả nêu một số thông tin về thiên nhiên ở Vĩnh Phúc như: Cấu tạo địa chất; cảnh quan địa hình; khí hậu; tiềm năng về đất đai, khoáng sản, nguồn động thực vật, hệ thống sông ngòi. Với những điều kiện thiên nhiên thuận lợi, cư dân nguyên thủy từ rất sớm đã tìm đến đây và cho đến nay, con người Vĩnh Phúc luôn không ngừng khai phá, xây dựng Vĩnh Phúc thành một vùng đất giàu đẹp, văn minh.

Chương II: Văn hóa Sơn Vi - Lớp người tiên phong mở đất Vĩnh Phúc.

Con người có mặt trên đất nước ta nói chung và trên đất Vĩnh Phúc nói riêng  từ bao giờ? Thông qua các tài liệu khảo cổ đã khai quật, nghiên cứu những di tích, di vật của người tiền sử, qua các cuộc điền dã và qua các hiện vật do Bảo Tàng tỉnh cung cấp, các nhà khoa học đã phát hiện ra các công cụ được xếp vào Văn hóa Sơn Vi được tìm thấy trên đất Vĩnh Phúc mà các nhà nghiên cứu đều xác định là thuộc hậu kỳ thời đại đá cũ, có tuổi 19.000 năm đến 12.000 năm cách ngày nay. Đây là cơ sở cho các nhà khoa học khẳng định vào khoảng 2 vạn năm trước, cư dân Sơn Vi là những người đầu tiên tới khai phá đất Vĩnh Phúc. Những phát hiện về con người, cuộc sống lao động và tổ chức xã hội của cư dân Sơn Vi dần được khám phá trong chương sách này.

Chương III: Vĩnh Phúc trước buổi bình minh của dân tộc - thời tiền Hùng Vương.

Tác giả chỉ ra 3 giai đoạn phát triển văn hóa của quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà nước thời các vua Hùng trên đất Vĩnh Phúc. Đó là giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (mở đầu khoảng 4000 năm trước), giai đoạn văn hóa Đồng Đậu (có niên đại vào khoảng 3300 đến 3000 năm cách ngày nay), giai đoạn Gò Mun (có niên đại vào khoảng 3000 đến 2700 năm trước). Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu một vài phát hiện “lẻ tẻ” mà ông có dịp tiếp xúc.

Chương IV: Vĩnh Phúc thời các vua Hùng dựng nước.

“Người dân Vĩnh Phúc luôn tự nhận mình là cháu con vùng đất Tổ. Và quan trọng hơn là cả trong lòng đất Vĩnh Phúc còn ẩn dấu nhiều di tích di vật thời đại các vua Hùng để lại”. Các nhà sử học và khảo cổ học đã thống nhất coi văn hóa Đông Sơn là văn hóa vật chất thời các vua Hùng dựng nước. Ở chương này, độc giả sẽ được tìm hiểu một số di tích, cuộc sống gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, đời sống tinh thần, nền kinh tế, tổ chức xã hội… của cư dân Đông Sơn thời bấy giờ.

Ngoài ra, phần cuối cuốn sách còn cung cấp một số sử liệu hình ảnh, bản vẽ minh họa công cụ, dụng cụ,  hoa văn trên các công cụ dụng cụ, tượng bằng đất nung, nghệ thuật tạo hình… ở một số di chỉ, di tích, di vật của các giai đoạn văn hóa trên đất Vĩnh Phúc.

Với lối viết chân thực, dễ hiểu, có sử liệu gốc minh họa rõ ràng, giáo sư Hoàng Xuân Chinh đã khái quát diễn trình lịch sử của người Việt cổ đã đến khai phá vùng đất Vĩnh Phúc và cư trú liên tục ở nơi đây, tạo dựng nên đồng bằng Bắc Bộ và một nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Trân trọng giới thiệu cuốn sách “Vĩnh Phúc thời tiền sử - sơ sử” cùng bạn đọc!

Sách hiện đang được phục vụ tại  phòng Địa chí Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Hoàng Thị Thanh Bình.