Ngày đăng: 26/01/2016 15:28
Lượt xem: 10115
Khu lưu niệm Bác Hồ tại thành phố Vĩnh Yên

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước, Người luôn luôn bám sát cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Vĩnh Phúc may mắn có vinh dự là tỉnh ở miền Bắc được Bác Hồ về thăm và làm việc nhiều lần: Lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và trao phần thưởng cho các chiến sỹ tự vệ thị xã Vĩnh Yên có thành tích xuất sắc trong việc đắp đê chống lụt vào tháng 4/1946; lần thứ 2, Bác thăm công trường Khu nghỉ mát Tam Đảo ngày 19/5/1955; lần thứ 3, Bác thăm công trường xây dựng cầu Việt Trì và thôn Yên Định xã Tân Phong huyện Bình Xuyên ngày 12/02/1956; lần thứ 4, Bác thăm thôn Lai Sơn, xã Cộng Hoà (nay thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) ngày 30/03/1958; lần thứ 5, Bác về làm việc với Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, thăm một đơn vị bộ đội và lớp bồi dưỡng chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ngày 24/12/1958; lần thứ 6, Bác về làm việc với Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và Hợp tác xã thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường ngày 25/01/1961; lần thứ 7, Bác về thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc ngày 02/03/1963; lần thứ 8, Bác về dự Đại hội Đảng bộ Vĩnh Phúc lần thứ 3 ngày 16/7/1963; lần cuối cùng, Bác lên dự cuộc họp của Quân uỷ Trung ương ngày 27/7/1968 tại Khu nghỉ mát Tam Đảo.

 

 

http://vinhphuc.tourism.vn/uploads/images/2012/nhaluuniemhcm02.jpg

Để tưởng nhớ công lao của Bác và kỷ niệm những lần Người về thăm Vĩnh Phúc; Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã xây dựng Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vĩnh Yên và hoàn thành ngày 31/8/2003. Công trình được xây dựng trên nền chùa Ngũ Phúc trước đây (nay chùa chuyển về phường Tích Sơn, Vĩnh Yên và thường hay gọi là chùa Tích Sơn. Năm 1890, thực dân Pháp đến chiếm đóng tại chùa, lấy đất chùa xây dựng tòa nhà quan Chánh xứ và thành lập tỉnh lỵ Vĩnh Yên nên chùa phải di chuyển về vị trí hiện nay). Năm 1984, nơi đây được dùng làm Khu Điều dưỡng Trung ương thuộc Ban Tài chính Quản trị Trung ương Đảng. Từ sau khi tách tỉnh, nơi này thuộc sự quản lý của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. 

 

http://vinhphuc.tourism.vn/uploads/images/2012/nhaluuniemhcm01.jpg

 

Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh nằm trên khu Đồi Cao, thuộc phường Ngô Quyền, Vĩnh Yên. ở vị trí yếu địa, đất cao, tươi nhuận, có thể lưu giữ được khí thiêng của trời đất; xung quang cây cối um tùm. Bước từ cổng vào là những cây cổ thụ, nổi bật là cây mít có từ trước Cách mạng tháng Tám, hàng năm vẫn ra trái xum xuê. ở đây cũng có nhiều cây do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các nước bạn trồng lưu niệm mỗi khi về thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc. Phía sau chếch về bên trái là một cây lim già đã trải qua hàng trăm năm tuổi, nơi Bác ngồi căn dặn các đồng chí đảng viên năm 1963. Vào mùa hè từng đàn cò, đàn vạc chiều đến đậu trắng trên những ngọn cây trong khuôn viên Nhà lưu niệm.

Nhà lưu niệm là công trình kiên cố, rộng 3 gian, mái lợp ngói mũi hài. Phía trước có lư hương lớn bằng đá được chế tác từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề đá Hải Lựu. Gian chính giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. ở vị trí cao nhất trên ban thờ là bức tượng đồng chân dung Bác nặng 600kg cùng một số lư hương, án thờ do các cán bộ trong Tỉnh uỷ quyên góp. Hai bên tượng Bác là 2 đoạn trích dẫn những lời căn dặn trong những lần Người về thăm Vĩnh Phúc: Một bên là lời Bác căn dặn toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta...” trong lần về thăm ngày 02/03/1963. Một bên trích lời Hồ Chủ Tịch tại Đại hội Đảng bộ Vĩnh Phúc lần thứ III ngày 16/7/1963 “Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà…”. Gian bên phải Nhà lưu niệm trưng bày những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc làm theo lời Bác. Gian bên trái ghi dấu những kỷ niệm những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc, trong đó có một cây bút máy Hồng Hà Người dùng ký lên bức chân dung của mình tặng Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc ngày 02/03/1963. Trong cuộc mít tinh đón Bác, Người giơ bức chân dung căn dặn: Đơn vị nào có thành tích cao trong thi đua, Bác sẽ tặng một bức chân dung của Bác như thế này”. Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đã có những bước tiến dài, Vĩnh Phúc đã toả sáng, đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: Trở thành một trong những tỉnh phát triển phồn vinh nhất miền Bắc. 

 

http://vinhphuc.tourism.vn/uploads/images/2012/nhaluuniemhcm03.jpg

 

Hiện nay, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vĩnh Yên thường xuyên được đón tiếp các đoàn khách trong nước, nước ngoài đến dâng hương, trồng cây lưu niệm. Đây cũng là địa chỉ đỏ, nơi tham quan và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, học tập nhân cách Hồ Chí Minh./.

 

 

Nguyễn Dũng – XTDL

http://vinhphuc.tourism.vn/