Ngày đăng: 24/06/2022 16:08
Lượt xem: 12965
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện
 
Trên cơ sở hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại, những năm qua, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác nghiệp vụ, từ đó, phát triển nền tảng thư viện số, mở rộng khả năng chia sẻ nguồn tư liệu, thông tin, giúp bạn đọc dễ dàng tìm kiếm và sử dụng các tư liệu, góp phần phát huy hiệu quả của thư viện trong xây dựng xã hội học tập.

Cán bộ Thư viện tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn. Ảnh: Dương Chung

   Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù nhiều lần Thư viện tỉnh phải tạm dừng phục vụ bạn đọc trực tiếp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhưng độc giả của thư viện vẫn không bị gián đoạn việc mượn, đọc sách.

   Em Đỗ Duy Công ở huyện Vĩnh Tường - sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Đầu năm vừa qua, tôi làm khóa luận tốt nghiệp đại học, phạm vi nghiên cứu đề tài ở Vĩnh Phúc nên tôi cần tìm hiểu và sử dụng các tài liệu văn hóa, lịch sử… về Vĩnh Phúc. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không trực tiếp đến Thư viện tỉnh, nhưng tôi vẫn truy cập và xem được các tài liệu cần thiết thông qua website của thư viện. Tôi thấy hình thức đọc này khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian”.

   Để bạn đọc có thể tìm kiếm, đọc tài liệu mọi lúc, mọi nơi, Thư viện tỉnh đã có một quá trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong các hoạt động nghiệp vụ. Từ năm 2014, triển khai thực hiện Dự án xây dựng Thư viện điện tử, Thư viện tỉnh được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy scan, máy tính, máy quét mã vạch tài liệu, camera, cổng từ, thiết bị thống kê, phần mềm nghiệp vụ KIPOS

   Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, Thư viện tỉnh đã đưa các hoạt động nghiệp vụ vào thực hiện bằng máy tính, hạn chế các thao tác thủ công, từ đó nâng cao hiệu quả công việc. Từ năm 2015, thư viện bắt đầu số hóa tài liệu, bước đầu thực hiện số hóa những tài liệu tại kho sách Địa chí (bao gồm những tài liệu lịch sử, văn hóa, khoa học… và các tài liệu mang tính tư liệu về tỉnh).

   Các tài liệu được scan và đưa lên kho tư liệu số, sau đó được phân loại, sắp xếp và đưa lên website thuvien.vinhphuc.gov.vn. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa được hơn 900 đầu tài liệu để phục vụ bạn đọc. Thời gian tới, Thư viện tỉnh đã có kế hoạch số hóa toàn bộ tài liệu của thư viện để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

   Trên nền tảng phần mềm KIPOS, các thao tác nghiệp vụ như nhập dữ liệu, quản lý tài liệu thông qua mã vạch; quản lý hoạt động cho mượn, trả, gia hạn mượn tài liệu trên hệ thống; tra cứu tài liệu; quản lý người đọc… đều được xử lý kỹ thuật nhanh gọn, đúng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ quốc tế.

   Mỗi độc giả khi đăng ký thành viên của thư viện sẽ được cấp tài khoản để đăng nhập trên website của thư viện với chức năng như một “Thẻ bạn đọc số” và sử dụng đầy đủ các dịch vụ thông qua tài khoản này: Đọc tại chỗ, mượn về nhà; đăng ký mượn, gia hạn mượn tài liệu trực tuyến; tra cứu, khai thác thông tin mới nhất, cũng như tài liệu quan trọng được lưu trữ do thư viện quản lý và kết nối với hệ thống các thư viện trong và ngoài nước thông qua mạng internet như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Mạng thông tin và khoa học Việt Nam, Thư viện Quốc hội Mỹ…

   Không ngừng nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, phục vụ bạn đọc, những năm qua, Thư viện tỉnh ngày càng thu hút nhiều bạn đọc tới nghiên cứu, sử dụng sách, báo, tạp chí, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhân dân.

   Năm 2021, Thư viện tỉnh phục vụ hơn 35 nghìn lượt bạn đọc đến tìm hiểu, đọc các tài liệu; hơn 654 nghìn lượt bạn đọc số; cấp thẻ cho 512 bạn đọc mới; lưu thông hơn 107 nghìn lượt tài liệu sách, báo.

   Thời gian tới, thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thư viện tỉnh tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện CNTT, nhất là công nghệ số trong công tác nghiệp vụ; đảm bảo cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Thùy Linh