Ngày đăng: 09/02/2023 15:11
Lượt xem: 5225
Từng Bước Thực hiện chuyển đổi số tại thư viện tỉnh Vĩnh Phúc

Trong thời đại hiện nay “Chuyển đổi số” không còn là xa lạ đối với tất cả chúng ta. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề trong đó có hoạt động thư viện. Nhờ công nghệ thông tin mà công tác tổ chức, quản lý, khai thác nguồn lực thông tin trong thư viện có những thay đổi lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của đông đảo người bạn đọc. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cách tiếp cận thông tin của người đọc thay đổi rõ rệt, từ đó đòi hỏi việc phục vụ bạn đọc của thư viện cũng thay đổi theo hướng hiện đại. Người dân không chỉ tiếp cận thông tin qua các xuất bản phẩm dạng giấy mà có thể tiếp cận các dạng thức thông tin điện tử. Chính vì vậy, thư viện điện tử, thư viện số xuất hiện, đó chính là kênh thông tin hữu hiệu của thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu tin của đông đảo người dùng.

Thư viện số là xu thế phát triển tất yếu hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Khi xây dựng một thư viện số, tức là xây dựng thư viện có các bộ sưu tập được lưu giữ dưới dạng số và người dùng có thể truy cập thông qua các thiết bị kết nối mạng Internet. Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, các bộ sưu tập tài liệu số được tạo ra có thể sử dụng mãi mãi, khắc phục hạn chế của tài liệu giấy dễ bị rách nát, hư hỏng do tác động của thời gian, môi trường, khí hậu và tần xuất sử dụng. Sản phẩm của thư viện số còn cho phép các thư viện liên kết với nhau, chia sẻ nguồn lực thông tin, bạn đọc có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế bởi thời gian hay khoảng cách địa lý.

Vậy Chuyển đổi số là gì và vì sao phải chuyển đổi số? (Theo báo điện tử tỉnh Lai Châu)

“Chuyển đổi số là: Quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. 

Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có”.

Và chuyển đổi số thư viện là: quá trình thực hiện áp dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số đối với các thư viện truyền thống hoặc những thư viện được thành lập mới trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Việc chuyển đổi này sẽ xây dựng, kết nối liên thông các thư viện nhằm chia sẻ dữ liệu mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi số trong thư viện còn hướng đến xây dựng nền tảng mở để cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia. Từ đó tạo ra một hệ sinh thái thư viên thông tin Quốc gia góp phần trong tiến trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0.

Hiện nay, tại các thư viện, việc số hóa tài liệu đang là việc làm rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin. Số hóa tài liệu là một hình thức hiện đại trong việc chuyển đổi và lưu trữ thông tin của thư viện. Cụ thể và dễ hình dung nhất đó là số hóa tài liệu dạng giấy với nhiều khổ cỡ khác nhau xuất ra nhiều dạng tập tin khác nhau như PDF, BMP, JPG,… hoặc số hóa hình ảnh, hiện vật sang các file lưu trữ phần mềm như đĩa, ổ cứng,… Vậy ta có thể hiểu đơn giản Số hóa tài liệu trong thư viện là hình thức chuyển đổi các dạng tài liệu của thư viện từ truyền thống (sách, báo, tạp chí, truyện tranh,…) và các loại tài liệu khác như ( tranh, ảnh, bản đồ, hình vẽ,..) sang chuẩn dữ liệu trên các thiết bị số và các dữ liệu có thể sử dụng phục vụ cho người đọc và dễ quản lý cho cán bộ thư viện.

Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư cơ sở hạ trang thiết bị, đầy đủ tiện lợi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong việc tra tìm tài liệu, mượn trả và liên thông giữa các thư viện trong nước và quốc tế, ngay từ những năm đầu tái lập, thư viện tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, sử dụng phần mềm quản lý thư viện từ CDS/ISIS chuyển sang ILIB và hiện nay là KIPOS… quản lý cơ sở dữ liệu và mượn trả tài liệu qua hệ thống điện tử. Chuẩn hoá các khâu công tác như: Ứng dụng khung phân loại thập phân DEWAY (DDC) ấn bản 14, khổ mẫu biên mục đọc máy MARK 21, quy tắc mô tả AACR2…

Năm 2014 Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư dự án Đầu tư nâng cấp thư viện tỉnh Vĩnh Phúc thành thư viện điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa địa phương”. Thông qua dự án, Thư viện tỉnh được đầu tư 02 máy chủ (được đặt và bảo quản lưu trữ dữ liệu tại Sở Thông tin và truyền thông) , 30 máy trạm, 01 máy scan, 01 cổng từ, chỉ từ, 01 máy chiếu, 01 màn chiếu, thiết bị lưu trữ, máy quét mã vạch, camera, máy khử từ, thiết bị thống kê tài liệu …. Các phần mềm nghiệp vụ như: phần mềm KIPOS, phần mềm xử lý ảnh ABYY, phần mềm tối ưu hoá dung lượng hình ảnh Caesium, phần mềm tối ưu hoá file PDF ORPALIS PDF Reducer và trang website với địa chỉ: thuvien.vinhphuc.gov.vn.

Đây là bước đột phá mới của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc nhằm thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ.

 Hiện nay toàn bộ CSDL sách, báo của Thư viện đã được đưa lên website, bạn đọc có thể tra tìm cuốn sách mình cần tại địa chỉ website của thư viện ở bất cứ đâu mà không cần đến thư viện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đặc biệt nhận thức được tầm quan trọng và tiện ích của thư viện điện tử, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành số hóa tài liệu từ năm 2015, bước đầu Thư viện thực hiện số hóa những tài liệu tại kho sách Địa chí. Đây là những tư liệu cổ, có giá trị như hương ước, thần tích, thần sắc… và những tài liệu có nội dung phản ánh về Vĩnh Phúc trong suốt quá trình lịch sử. Những tài liệu ở đây được trình bày bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung và cả những bản chữ Nôm... Những tài liệu này phần nhiều là những bản in sao, phô tô nên trong quá trình sử dụng và lưu trữ trong thời gian dài dẫn đến tài liệu này thường bị hư hỏng, phai mực, mờ chữ, mờ hình ảnh tư liệu… Vì vậy, việc số hóa tài liệu là rất cần thiết và tất yếu để có thể bảo quản được những trang tư liệu quý và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin của bạn đọc.

          Quy trình số hóa tài liệu được áp dụng tại thư viện gồm có các bước: lựa chọn tài liệu, scan tài liệu, tối ưu hóa dung lượng, chỉnh sửa, biên mục và đưa lên phục vụ bạn đọc tại website: thuvien.vinhphuc.gov.vn.

Thời gian đầu thực hiện, những cán bộ thư viện được tập huấn về số hóa tài liệu nhưng khi tiến hành thực tế vẫn còn bỡ ngỡ, công việc chưa thuần thục và việc thực hiện số hóa tài liệu còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Công đoạn xử lý hình ảnh scan, chỉnh sửa trang tài liệu để số hóa chưa được trú trọng. Kho địa chí có nhiều tài liệu cổ, quý… tuy nhiên nhiều trang tài liệu bị rách, bị côn trùng cắn, mờ chữ, mất chữ, bẩn, tài liệu bị gạch xóa, trang tài liệu khi scan bị lệch, méo mó, trang bị ngược  … phần lớn chưa được chỉnh sửa, vẫn giữ nguyên hiện trạng và đưa lên kho tư liệu số. Tình trạng này gây khó khăn cho việc khai thác thông tin của bạn đọc, đặc biệt khi đọc tài liệu trên các thiết bị số thì lại càng khó khăn hơn, rất khó nhìn, gây hại cho mắt, không thẩm mỹ… Chính vì vậy, việc tìm tòi và ứng dụng những phần mềm chỉnh sửa hình ảnh tài liệu là rất cần thiết nhằm đưa lên những hình ảnh tài liệu tốt nhất cho người sử dụng.

Sau đây là một số hình ảnh minh hoạ cho công tác số hoá tại thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

    

    (Các trang tài liệu địa chí bị mờ, bị bẩn do phô tô lại, do thời gian bị bay mực)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Các Trang tài liệu trước và sau khi tẩy bẩn và cắt khung)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Một trang tài liệu trước và sau khi được chỉnh sửa qua chức năng chuyển ảnh sang Word)

 

https://f18-zpc.zdn.vn/6899993204351397806/ebf2d48eec2f2b71723e.jpg

 

Các sản phẩm được đưa lên trang web của thư viện tỉnh gồm:

- CSDL sách có: 85.546 biểu ghi

- CSDL báo tạp chí: 150 loại báo tạp chí

- CSDL tài liệu số hoá: 993 đầu tài liệu (khoảng trên 10.000 trang tư liệu địa chí gồm: Hương ước, thần tích, thần sắc, bia khắc Hán Nôm, thác bản Triều Nguyễn… các tài liệu quý hiếm).

- Các thư mục: Thư mục địa chí, thư mục sách mới, sách hay nên đọc…

          - Số lượt bạn đọc truy cập website tính đến hôm nay (9/2/2023)  là : 4.382.498 lượt.

Để đẩy mạnh việc chuyển đổi số Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh ban hành:

1. Kế hoạch số 147/ KH-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh về Triển khai thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai dự án “xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu số, số hóa tài liệu của thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

2. Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án “Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán- Nôm tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc”. Nhiệm vụ của Đề án bao gồm phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy các tài liệu Hán Nôm sang tiếng Việt và chữ quốc ngữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, gồm 1.765 tài liệu. Trong đó, số hóa nguồn tài liệu Hán Nôm tại Thư viện tỉnh tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, phục vụ bạn đọc, cụ thể:

- Số hóa nguồn tài liệu Hán Nôm để phục vụ bạn đọc qua đĩa CD rom đơn lẻ trên máy tính cá nhân, tiếp theo tích hợp dữ liệu và xây dựng chương trình đọc duyệt tra cứu thư tịch trên mạng LAN, sử dụng nguồn dữ liệu số hóa đã đủ lớn để phục vụ bạn đọc dưới một phương thức mới thuận lợi, nhanh chóng.

- Xây dựng kho cơ sở dữ liệu Hán Nôm hoàn chỉnh tích hợp đa ngôn ngữ theo thứ tự Thần tích, thần sắc, hương ước, thác bản văn khắc, châu bản triều Nguyễn, kinh lược Bắc Kỳ. 

Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới tỉnh nhà, sự nhiệt tình, lòng yêu nghề của đội ngũ những người làm công tác thư viện, hy vọng trong thời gian không xa Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện thành công công tác chuyển đổi số xứng tầm với các thư viện tỉnh trong cả nước. Và trang thông tin điện tử thuvien.vinhphuc.gov.vn sẽ là địa chỉ thường xuyên và hữu ích dành cho tất cả độc giả có nhu cầu sử dụng tài liệu tại thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

                                                          Người viết: Bùi Thị Liên