Ngày đăng: 26/01/2016 15:18
Lượt xem: 5678
Lễ hội truyền thống ở Vĩnh Phúc


1. Lễ hội đền Ngô Tướng Công

Đền thờ của một danh tướng của dân tộc chống giặc Minh thời nhà Hồ. Bị giặc bắt, ông đã tuẫn tiết ở cửa biển. Sinh thời ông xuất thân trí thức nho học, giúp dân nghèo về ruộng đất, đưa dân xuống Xuân Thủy (Nam Định) khai hoang. Ông sống rất công bằng, khiêm tốn, hiếu thảo với tổ tiên và dân làng Phúc Thắng (Phúc Yên quê ông). Dân 4 làng Phúc Thắng và dân Tân Ấp (Xuân Thủy) đều lập đền thờ ông và thường xuyên qua lại giúp nhau khi giặc giã, thiên tai... Tưởng nhớ ông, dân 4 làng Phúc Thắng đã sáng tạo ra một hình thức lễ hội độc đáo: Rước đêm rất công phu, hoành tráng với một kịch bản lớp lang hấp dẫn ít nơi có được.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/denngotuongcong.jpg
 

Gần đây, lễ hội được khôi phục, đáp ứng ý nguyện của nhân dân Phúc Thắng. Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng giêng thật hào hùng, trang nghiêm với phần lễ vẫn duy trì được lễ thức xưa, phần hội thật vui với các trò: đấu vật, đánh đu chọi gà, hát chèo... Thật cảm động, nhân dân Tân Ấp từ biển đã về cố hương dự hội. Đây là một trong những di sản văn hóa phi vât thể quý báu của Phúc Yên.

2. Lễ hội kéo Song

Lễ hội kéo Song (kéo co) bên sông Cánh – một cách mô phỏng cảnh kéo thuyền trên sông (nên không tổ chức ở Đình), gần với quốc lộ 2 thuận lợi cho du khách thập phương. Lễ hội tổ chức từ ngày mồng 3 đến 5 tháng Giêng.


             Trong khuôn khổ lễ hội còn có: bơi chải trên sông Cánh, đấu vật, nấu cơm thi…Thật thú vị khi chỉ cách đó 200m đến 500m là cụm 3 đình Hương Canh. Du                    khách  được chiêm ngưỡng những di sản kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc cùng tài hoa của nghệ nhận Hương Canh từ thế kỷ XVII, tham quan làng nghề Hương Canh nổi tiếng.

3. Lễ hội Đúc Bụt

Bắt nguồn từ Ngọc Kinh công chúa chiêu tập quân sỹ, rèn đúc vũ khí tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng…Nữ tướng ẩn mình là nhà sư tu luyện tại chùa Phù Liễn, có công dạy dân biết các nghề tứ dân…Vào ngày 8 tháng giêng hàng năm nhân dân xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) tiến hành lễ hội đúc Bụt.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/cuopchieu01.jpg
 

Trò diễn ra thật náo nhiệt ở sân đình, diễn ra cảnh nấu đồng (bà Ngọc Kinh cho đúc một pho tượng thời bấy giờ…), dân quen gọi là: “đúc Bụt”. Đồng thời diễn ra trò trình nghề Sỹ - Nông – Công – Cổ ở vòng ngoài chuyển động vòng tròn cùng đúc Bụt bên trong…Kết thúc bằng trò cướp chiếu của Bụt quyết liệt – biểu tượng sinh con trai – một nghi thức phồn thực…

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/lehoiducbut033.jpg
 

Ngoài ra còn có trò đấu vật, chọi gà…Hàng trăm người sắm các vai khác nhau, diễn ra theo lớp lang rất nhanh, mạnh, với nhiều động tác nhưng không hề lúng túng, lộn xộn, bởi một kịch bản chi tiết được điều hành thuần thục, chứng tỏ xưa kia, cư dân ở đây đã có trình độ tổ chức sự kiện và một trí tưởng tượng cao.

 4. Lễ hội Khai xuân Khánh Hạ

Trong không khí vui mừng đón xuân (khai xuân Khánh Hạ) cư dân nông nghiệp xã Khai Quang (nay là phường, thuộc thành phố Vĩnh Yên) tưng bừng tổ chức lễ hội vào ngày 8 tháng giêng.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/khaixuankhanhha.jpg
 

Đoàn rước kiệu từ làng Mậu Thông lên điện Linh Tiêu (sau đổi là chùa Phú Cung), quen gọi chùa Phú. Phần hội thật độc đáo, hiếm có, đó là màn trình diễn tích trò Tứ dân (Sỹ, Nông, Công, Cổ) hay gọi là Tứ phú nhân lương – một trò diễn dân gian lý thú, thể hiện mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một năm mới nhiều may mắn, an lành…

Người xem sẽ rất bất ngờ khi thấy các vai diễn (26 người) gồm các thành phần: sư, vãi, thầy đồ, học trò, người nông dân đều đeo mặt nạ (trâu, bò chỉ có đầu), nam đóng giả nữ, các dụng cụ đều cầm ngược…tạo ra cảnh thật ngộ nghĩnh, gây cười…Đằng sau đó tái hiện một cuộc sống sinh hoạt khá toàn diện, phát triển ở một cộng đồng hài hòa, nhân ái…

5. Lễ hội Đả cầu cướp phết

Tên của lễ hội đã thể hiện không khí sôi động của lễ hội, thật độc đáo, đặc sắc của cư dân Lập Thạch bên bờ sông Phó Đáy…Lễ hội diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng tại đền Đông Lai xã Bàn Giản, nhằm tưởng nhớ về một thời Vua Hùng, nhân dân đã giữ đất, trấn ải, luyện quân đánh giặc giữ nước như thế nào.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/IMG_2885%20copy.jpg
 

Đả cầu (cướp cầu), các trai đinh cởi trần cướp cầu bằng tay (cầu bằng gỗ tốt, đường kính 35cm)- biểu tượng bộ binh. Cướp phết (phết được làm bằng tre dài 1,3m, phần gốc cong, đẽo gọt phần đầu ngựa, long mã)- biểu tượng kỵ binh…đuổi theo bổ và ngoặc lại quả cầu.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/IMG_2543%20copy.jpg
 

Lễ hội diễn ra quyết liệt thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông xưa, chứng tỏ tính sáng tạo có giá trị nghệ thuật của cư dân vùng này.

6. Lễ hội bơi chải

Lễ hội bơi chải diễn ra vào 2 ngày 25, 26 tháng 5 âm lịch, là một hình thức khai hạ, mừng nước của cư dân lúa nước ven sông Lô…Còn có ý nghĩa thượng võ trong truyền thống đoàn kết đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương…là một hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân và hào khí chiến trận trên sông nước của cha ông xưa cách đây 1500 năm. Đó là hào khí oanh liệt của nghĩa quân do Hoàng Đế đầu tiên của Dân tộc Lý Bí chỉ huy từng chọn đầm Điển Triệt làm thủy trại, để lại một trang sử oai hùng mà nhân dân Tứ Yên mãi tự hào. Cư dân Tứ Yên xưa đã sáng tạo một hình twhcs đặc sắc để tưởng nhớ oai linh Tiên Đế. Do vậy, hội bơi chải Tứ Yên mang ý nghĩa tâm linh hơn là mục đích thể thao, giải trí.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/boichaituyen.jpg
 

Người dự hội được cuốn vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của tiếng hò reo trên bờ trước tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đầy tài trí của các chàng trai trên những chiếc thuyền như con chim Phượng, đầu Rồng, đuôi Tôm cong vút lao đi ào như tên trên sông nước, vốn xưa là thuyền độc mộc mà Vua Lý đã dùng để đánh giặc.

Từ năm 2010, hội bơi chải được khôi phục sau 60 năm gián đoạn, đã đáp ứng ý nguyện của nhân dân Tứ Yên và Vĩnh Phúc cùng du khách xa gần. Cùng với Điển Triệt, khu du lịch Sơn Đông, Triệu Đề, hát trống quân Đức Bác, sẽ thành một khu du lịch tổng hợp (tâm linh, sinh thái, làng nghề…) nam Lập Thạch, Sông Lô, hấp dẫn nhiều du khách thập phương…

7. Lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của đồng bào Cao Lan xã Quang Yên (huyện Sông Lô) được diễn ra vào mùa Xuân với ý nguyện cầu mưa: cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau nghi thức lễ cúng trang nghiêm là các trò diễn, trước hết là tiết mục cấy lúa, tiếp theo là thi ném còn rất vui vẻ, hồ hởi, rồi các màn dân ca, dân vũ nhịp nhàng, uyển chuyển, say mê của các đôi nam, nữ các bản đua tài. Đây là một trong nhiều di sản quý của đồng bào Cao Lan góp vào kho di sản văn hóa phong phú của Vĩnh Phúc.

http://www.vinhphuc.gov.vn/PublishingImages/ATGT/hopnh/le%20hoi/lehoilongtong.jpg
 

Du khách cũng có dịp tìm hiểu kho dân ca, dân vũ đồ sộ của đồng bào Cao Lan – một tộc người có thần ca hát: Nàng lau Slam đã sáng tạo toàn bộ lời hát truyền lại, hát 36 đêm không hết…

8. Lễ hội chọi trâu

Là một lễ hội cổ nhất ở Vĩnh Phúc, được tổ chức ở xã Hải Lựu (huyện Sông Lô) vào ngày 16 – 17 tháng Giêng.

Bắt nguồn từ tục hiến tế thần linh của sư dân lúa nước trong đời sống tâm linh, cùng với truyền thống giữ nước gắn liền với tên tuổi Thừa tướng Lữ Gia đánh quân nhà Triệu, cư dân nơi đây đã sáng tạo một hình thức độc đáo lưu giữ tình cảm thiêng liêng đối với tướng quân.

Lễ hội được bắt đầu từ lễ trình trâu tháng 8 năm trước và lần 2 vào 15 tháng giêng năm sau. Xã cử một đoàn lên Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ kính cáo. Đến ngày 16-17 thì tổ chức nghi thức chọi trâu. Luật đấu thật khắt khe. Ông Cầu được cả một tập thể chăm sóc. Người trực tiếp chăm sóc phải là gia đình có văn hóa. Ông Cầu đương nhiên là khỏe mạnh, đạt các tiêu chuẩn cao về vóc dáng, thần thái…Đặc biệt, khi vào trận phải đấu trực diện, nhưng không được tàn sát khi đối phương thua. Trâu thắng được giải, sau đó mổ “khao quân” như thời Lữ Gia…Nay du khách có thể mua về làm quà may mắn…Đây là lễ hội giữ được bản sắc truyền thống, độc đáo của Vĩnh Phúc nên hàng vạn du khách đã về với sự ngưỡng mộ sâu sắc. Ra về lòng dặn lòng:

“Dù ai đi đâu ở đâu…

Nhớ ngày 17 chọi trâu thì về…”

Nguồn Cổng TT-GTĐT vĩnh phúc