Ngày đăng: 22/03/2023 16:16
Lượt xem: 8991
Truyền Kỳ Mạn Lục

Description: https://f5-zpc.zdn.vn/8739756441388262057/d9bae98eb1ca6a9433db.jpg

Truyền Kỳ Mạn Lục là trước tác của Nguyễn Dữ, người Gia Phúc, Hồng Châu nay là xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là con trưởng vị Tiến sĩ triều trước Nguyễn Tường Phiêu. Khi còn nhỏ ông rất chăm học,  đọc rộng, nhớ nhiều. Sau khi đậu Hương tiến, nhiều lần thi Hội đỗ trúng trường, từng được bổ nhiệm làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là huyện Bình Xuyên, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Được 1 năm ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu. Mấy năm Ông không đặt chân đến chốn thị thành, ông miệt mài ghi chép, viết ra tập lục này để gửi gắm ý tưởng của mình và đã hoàn thành tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục. Ông xem văn từ thì không vượt ra ngoài phên giậu của Tông Cát (Cù Tông Cát, tên là Cù Hựu, tác giả Tiễn đăng tân thoại), nhưng có ý khuyên răn, có ý nêu quy củ khuôn phép, đối với việc giáo hoá ở đời.

Cuốn sách là tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ, đã được nhiều nhà xuất bản ấn hành. Tuy nhiên lần này nhà xuất bản Kim Đồng mang đến cho bạn đọc một ấn phẩm “Truyền kỳ mạn lục” hết sức đặc biệt - với lần đầu tiên các câu truyện được minh hoạ màu, qua nét vẽ tài hoa, bay bổng của hoạ sĩ Nguyễn Công Hoan. Xuất bản năm 2022, gồm 211 trang, khổ 24 x 32cm, được in bằng bìa cứng, do Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Trần Thị Băng Thanh giới thiệu và chỉnh lý.

Tác phẩm gồm 20 câu truyện được viết theo thể loại truyền kỳ. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu truyện lưu truyền trong dân gian, nhiều trường hợp xuất phát từ truyền thuyết về các vị thần mà đền thờ vẫn còn (đền thờ Vũ Thị Thiết ở Hà Nam, đền thờ Nhị Khanh ở Hưng Yên và đền thờ Văn Dĩ Thành ở làng Gối Hà Nội). Truyện được viết bằng văn xuôi Hán có xen những bài thơ, ca, từ, biền văn, cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 Kim Hoa thi thoại ký) đều có lời bình thể hiện rõ chính kiến của tác giả. Hầu hết các truyện đều lấy bối cảnh ở các thời Lý, Trần, Hồ, thuộc Minh, Lê sơ và trên địa bàn từ Nghệ An trở ra Bắc. Thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ…, tác phẩm muốn gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương trật tự vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian hiểm nịnh hót đầy triều đình; những kẻ quan cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành, thậm chí đến chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người. Trong một xã hội rối ren như thế, nhiều tệ nạn tất sẽ nảy sinh. Cờ bạc, trộm cắp, tật dịch, ma quỷ hoành hành, đến Hộ Pháp, Long Thần cũng trở thành yêu quái, sư sãi, học trò, thương nhân, nhiều kẻ đắm chìm trong sắc dục. Kết quả là người dân lương thiện, đặc biệt là phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ. Nguyễn Dữ dành nhiều ưu ái cho những nhân vật này. Dưới ngòi bút của ông họ đều là những thiếu phụ xinh đẹp, chuyên nhất, tảo tần, giàu lòng vị tha nhưng luôn luôn phải chịu số phận bi thảm như nàng Nhị Khanh (con quan Từ Đạt ở Khoái Châu) trong “Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu”, nàng kết duyên cùng Trọng Quỳ con quan Thiêm Thư. Tuy nhiên do tính ham chơi, quen thân phóng đãng, cờ bạc nên đã đến nước phải gán cả vợ. Đến cả những nhân vật “phản diện” như nàng Hà Than (trong truyện: Đào thị nghiệp oan ký), nàng Nhị Khanh (Mộc miên thụ truyện), các hồn hoa (Tây viên kỳ ngộ ký) và “Yêu quái ở Xương Giang” cũng đều vì số phận đưa đẩy, đều vì “nghiệp oan” mà đến nỗi trở thành ma quỷ. Họ đáng bị trách phạt nhưng cũng đáng thương.

Dường như Nguyễn Dữ không tìm được lối thoát trên con đường hành đạo, ông quay về cuộc sống ẩn dật, đôi lúc thả hồn mơ màng cõi tiên, song cơ bản ông vẫn gắn bó với cõi đời. Ông trân trọng và ca ngợi những nhân cách thanh cao, cứng cỏi, những anh hùng cứu nước, giúp dân, không kể họ ở địa vị cao hay thấp.

Ngay từ khi mới hoàn thành tác phẩm đã được đón nhận và đã được dịch ra văn nôm, được nhiều học giả có tên tuổi: Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Bùi Huy Bích đều ghi chép và định giá tác phẩm, họ đã khẳng định giá trị nhân đạo và ý nghĩa giáo dục của tác phẩm. Các nhà nghiên cứu hiện đại phát hiện thêm giá trị hiện thực đồng thời khai thác tinh thần “táo bạo, phóng túng” khi ông miêu tả những cuộc tình si mê. Tác phẩm được đánh giá là đỉnh cao của truyện truyền kỳ Việt Nam. Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng của Cù Hựu nhưng tác phẩm vẫn là “áng văn hay của bậc đại gia”, là sáng tạo riêng của Nguyễn Dữ cũng như thể loại truyện truyền kỳ Việt Nam. Cuốn sách là bức tranh phản ánh cuộc sống, xã hội ước đoán vào thập kỷ 20-30 của thế kỷ XVI. Mời các bạn tìm đọc tại Phòng Thiếu nhi Thư Viện tỉnh Vĩnh Phúc.