Ngày đăng: 22/02/2024 09:47
Lượt xem: 2505
Định cư trên mặt trăng

          Mặt trăng là thiên thể gần trái đất nhất và cũng dễ dàng quan sát nhất, vì vậy mặt trăng là đối tượng nghiên cứu chính của những nhà thiên văn học đầu tiên. Bạn có biết vào thế kỷ 19, nhà văn Jules Verne đã dự đoán rằng con người sẽ lên mặt trăng? Năm 1974, nhà du hành vũ trụ Alan Shepard đã chơi golf tại một hố thiên thạch trên mặt trăng? Rồi năm 2019, Trung Quốc là nước đầu tiên đặt một cỗ máy lên mặt tối của mặt trăng? Từ đây, rất nhiều nước đang nhắm tới việc xây dựng một ngôi làng trên mặt trăng?

Cuốn sách “Định cư trên mặt trăng” sẽ cho chúng ta biết những bước tiến vĩ đại trong việc khám phá mặt trăng của con người, đưa ra và giải thích những vấn đề lớn có thể thực hiện trong tương lai. Sách của tác giả Julie Lardon nằm trong bộ sách “Thế giới tương lai” do Thanh Vân dịch. Sách in màu, dày 84 trang, khổ rộng 24cm. Mỗi trang sách đều được minh họa bằng những bức tranh được vẽ rất công phu, trực quan, sinh động và đẹp mắt cuả họa sĩ Sylvie Serprix.

Nội dung cuốn sách Định Cư Trên Mặt Trăng được chia làm 3 phần: Phần I là “Những nghiên cứu khoa học đầu tiên”; Phần II là “Bước chân nhỏ của một con người”; Phần III có chủ đề “Một lục địa mới để chinh phục”. Đó là cuộc hành trình khám phá và nghiên cứu Mặt Trăng của con người trong suốt hàng nghìn năm qua, từ những quan sát của người cổ đại cho đến dấu chân lịch sử lưu lại trên Mặt Trăng. Bằng trí tuệ và quan sát của mình, con người đã tích lũy những kiến thức nào về “lục địa” mới này? Liệu trong tương lai, có phải con người sẽ rời Trái Đất để di cư tới những hành tinh khác? Cuốn sách Định Cư Trên Mặt Trăng  sẽ phần nào giải đáp những băn khoăn ấy của chúng ta.

Ở phần đầu tiên của cuốn sách, chúng ta được đến với những nghiên cứu khoa học ban đầu của con người về mặt trăng. Ngay từ những quan sát ban đầu, con người đã hiểu rằng mặt trăng quay quanh trái đất và chuyển động lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Chu kỳ này được gọi là “tuần trăng”. Cũng từ đây, cách đây hơn 4000 năm con người đã phát minh ra một loại lịch, dựa trên sự chuyển động của mặt trăng và mặt trời. Vào thế kỷ 16, con người đã sáng chế ra kính thiên văn, nhờ vậy nhà bác học người Ý Galilei đã quan sát được các địa hình nổi trên mặt trăng.

Cuốn sách giải thích về sự “Ảnh hưởng của mặt trăng đối với trái đất”. Từ lâu, con người đã nghiên cứu được: Mặt trăng là vệ tinh duy nhất của trái đất. Nó quay một vòng quanh trái đất trung bình trong 27 ngày, 7 giờ và 43 phút với vận tốc khoảng 1.000 mét trên giây. Mặt trăng có lực hấp dẫn, nghĩa là có một lực hút về phía mình. Trong đó có nước biển và đại dương. Nước biển đi theo chuyển động của mặt trăng, vì vậy đã hình thành nên thủy triều.

Về “sự ra đời của mặt trăng”, cuốn sách cho chúng ta biết: Đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết về một vụ va chạm lớn. Giả thuyết cho rằng, cách đây 4,4 tỷ năm trái đất và một hành tinh khác xảy ra va chạm lớn khiến phần vỏ trái đất bị văng ra. Các mảnh vụn của 2 hành tinh bắt đầu quay xung quanh trái đất và kết lại với nhau hình thành nên mặt trăng.

Đến với phần I “Bước chân nhỏ của một con người”, cuốn sách cho chúng ta biết: Sau nhiều thế kỷ quan sát từ trái đất, con người ngày càng muốn tiến đến gần mặt trăng hơn. Và đã có nhiều cuộc thử nghiệm của Liên Xô và Mỹ. Cuối cùng chuyến du hành lên mặt trăng đã thực hiện thành công, cụ thể như sau:

Ngày 16/7/1969, tên lửa khổng lồ Saturn V đã cất cánh, cùng với 3 phi hành gia trên tàu: Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins. Ngày 21/7/1969, Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Khi đó, ông đã nói một câu nổi tiếng: “Chỉ là một bước chân nhỏ của một con người nhưng lại là một bước nhảy vọt của nhân loại”. Ngay lập tức, Armstrong bắt đầu nghiên cứu môi trường xung quanh, chụp ảnh, thu thập các mẫu đá trên mặt trăng. 15 phút sau, đồng đội của ông là Buzz Aldrin bước xuống, trở thành người thứ hai đặt chân lên mặt trăng. Hai nhà du hành vũ trụ đã cắm một tấm biển để lưu giữ lại kỷ niệm “Nơi đây, những người từ hành tinh trái đất đã đặt chân lần đầu tiên lên mặt trăng, tháng 7 năm 1969 sau công nguyên. Chúng tôi đến đây nhân danh nhân loại với tinh thần hòa bình”. Sau 2h31 phút, các nhà du hành vũ trụ trở lại khoang mặt trăng mang theo 21,5kg mẫu vật để phân tích khi quay trở về trái đất.

Sau này, nhiều cuộc khám phá lên mặt trăng đã thành công như: Appolo 11đánh dấu khởi đầu cho những tiến bộ kỹ thuật trong nhiều năm của Mỹ. Apollo 15 cất cánh với một chiếc xe tự hành Mặt trăng, trở được cả người và thiết bị…Trong phần I, tác giả còn đưa ra “Bảng tổng kết các chuyến đi lên mặt trăng” như sau: 12 người đã đặt chân lên mặt trăng, họ đều là người Mỹ. Họ đã đi được gần 100km trên mặt trăng. Hơn 382kg đá đã được đem về trái đất được lấy từ 6 vùng khác nhau trên mặt trăng.

Phần II “Một lục địa mới để chinh phục”, chúng ta thấy rằng: Năm 2007, Trung Quốc đã bước vào cuộc chạy đua vũ trụ, trở thành cường quốc thứ ba (sau Liên Xô và Mỹ) hạ cánh một phi thuyền lên mặt trăng. Với chương trình Hằng Nga, Trung Quốc chuẩn bị cho việc đưa người lên mặt trăng vào năm 2030. Một ý tưởng xây dựng một ngôi làng trên mặt trăng, là nơi ở cho các phi hành gia được hình thành. Có vẻ như là khoa học viễn tưởng nhưng ý tưởng thiết lập một ngôi làng, một căn cứ thường trú trên mặt trăng càng trở nên khả quan vì các nhà khoa học cho rằng có thể khai thác tài nguyên trên mặt trăng để cung cấp cho các phi hành gia, giúp họ có thể sống ở đó thường xuyên. Bởi nước trên mặt trăng cũng có nước. Nước được phát hiện vào tháng 8/2018, NASA đã xác nhận rằng có nước dưới dạng băng trên mặt trăng. Nước này có khả năng bắt nguồn từ các sao chổi từng va đập vào mặt trăng từ vài triệu năm trước.

Bạn có biết đến “Luật Vũ Trụ”? Phần cuối cuốn sách cũng cho bạn đọc thấy tại sao chúng ta cần phải có luật vũ trụ? Bởi từ những năm 1960 được ghi dấu bằng cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô. Để tránh việc hai cường quốc đòi hỏi quyền sở hữu mặt trăng hay các hành tinh khác mà họ đến được đầu tiên, Liên Hợp Quốc đã quyết định thiết lập Luật vũ trụ. Không một quốc gia nào được đòi quyền  lãnh thổ trên vũ trụ hay bất kể thiên thể nào. Mặt trăng là “di sản chung của nhân loại” nó thuộc về tất cả mọi người. Vì vậy, không cá nhân hay đất nước nào có quyền được sở hữu.

Như vậy, chỉ với 84 trang, cuốn sách “Định cư trên mặt trăng” đã giúp bạn đọc khám quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và chinh phục mặt trăng của con người. Từ đó giúp các em nhỏ hiểu được thế giới mình đang sống, nắm bắt được những cơ hội và thách thức trong tương lai. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cho chúng ta biết định hướng tương lai của con người là muốn chinh phục mặt trăng, biến mặt trăng thành điểm đến của con người con trong vũ trụ. Vô cùng thú vị phải không các bạn?

Mời các bạn nhỏ tìm đọc cuốn sách “Định cư trên mặt trăng” để biết thêm chi tiết nhé! Sách hiện đang được phục vụ tại phòng Thiếu nhi của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hải Hà