Ngày đăng: 14/05/2020 09:49
Lượt xem: 44055
Quốc hội thông qua Luật Thư viện
Chiều 21-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Luật Thư viện gồm sáu Chương và 52 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2020.

Luật Thư viện có các quy định cụ thể về liên thông thư viện trong hoạt động thư viện. Theo đó, Điều 5 quy định trách nhiệm Nhà nước đầu tư cho hoạt động liên thông; khoản 4, Điều 24 quy định thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập; Chương III Luật quy định về xây dựng tài nguyên thông tin, phát triển thư viện số làm cơ sở cho việc liên thông; khoản 3, Điều 29 quy định về cơ chế liên thông, trong đó điểm a và c, khoản 3, Điều 29 nhấn mạnh, tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện; quy định thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong hoạt động liên thông. Điểm c, khoản 2, Điều 48 Luật quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện; khoản 5, Điều 46 Luật quy định trách nhiệm tổ chức liên thông thư viện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện.

Luật Thư viện cũng quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện. Theo đó, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập các nội dung sau: ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số, tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở; liên thông thư viện trong nước và nước ngoài; sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực thư viện; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện. 

Luật cũng quy định Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau: cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; hợp tác quốc tế về thư viện.

Về quản lý nhà nước về thư viện, Luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thư viện…

                                                                                                                        Theo http://baochinhphu.vn/