Ngày đăng: 25/10/2024 14:03
Lượt xem: 3287
Sáu phát minh làm nên thời đại

Thế giới hiện đại được hình thành thế nào?

Trong cuộc sống hàng ngày có bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Làm thế nào ra thủy tinh, làm lạnh, âm thanh, làm sạch, thời gian, ánh sáng đưa chúng ta đến ngày nay? Mỗi câu hỏi đều liên quan đến những khía cạnh khác nhau của cuộc sống và công nghệ. Để trả lời các câu hỏi này tác giả Steven Johnson đã cho ra đời cuốn sách “6 phát minh làm nên thời đại - Thế giới hiện đại được hình thành thế nào?”. Với lối văn phong uyên bác và tao nhã, Steven Johnson kể cho chúng ta câu chuyện về cách những ý tưởng vĩ đại đã đến và đưa nhân loại bước đi, cách chúng liên kết với nhau thành một mạng lưới tinh tế và hoàn hảo. Tác phẩm này nói về tương lai và lịch sử đã qua. Nó cần thiết cho kinh doanh, sáng chế, công nghệ, lịch sử và đọc giả đọc sách khoa học. Và hơn hết, đó là bản tụng ca về trí tuệ loài người.

Steven Johnson tác giả cuốn sách “6 phát minh làm nên thời đại - Thế giới hiện đại được hình thành thế nào?” cũng là tà giả của bảy cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất New York Times về chủ đề lịch sử ý tưởng. Ông là nhà đồng sáng lập kiêm Tổng biên tập của FEED, trang báo mạng về công nghệ, khoa học và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là nhà báo, nhà khoa học xuất sắc của các tờ New York Times,… Tạp chí Newseek đã đưa Steven Johnson vào danh sách “50 người có ảnh hưởng nhất trên Internet”. Năm 2010, ông còn được tờ Prospect bình chọn vào “Top Ten Brain of Digital Future” (10 bộ óc vĩ đại của Tương lai Kỹ thuật số).

Cuốn sách “6 phát minh làm nên thời đại - Thế giới hiện đại được hình thành thế nào?” có thể đem đến cho độc giả nhiều hiểu biết sâu sắc về những phát minh quan trọng đã định hình cuộc sống hiện đại. Nội dung của cuốn sách gồm có 6 chương như sau:

Chương I: Thủy tinh: Trong chương này tác giả đã khám phá sự phát triển và tầm quan trọng của thủy tinh trong lịch sử nhân loại:

Tác giả bắt đầu với lịch sử của thủy tinh, từ những mảnh thủy tinh đầu tiên được phát hiện ở các nền văn minh cổ đại cho đến quá trình sản xuất và chế tác tinh xảo hơn qua các thời kỳ; Ứng dụng trong đời sống hàng ngày, tác giả mô tả sự đa dạng của ứng dụng thủy tinh, từ đồ dùng hàng ngày như chai lọ đến các thiết bị khoa học như kính thiên văn. Thủy tinh đã đóng vai trò thiết yếu trong việc mở rộng hiểu biết về vũ trụ; Tác động đến nghệ thuật đặc biệt là trong kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật như kính màu, thể hiện sự sáng tạo và văn hóa của con người. Chương này giúp độc giả nhận ra rằng thủy tinh không chỉ là một phát minh mà còn là một phần thiết yếu trong việc hình thành và phát triển thế giới hiện đại.

Chương II. Làm lạnh: Tác giả bắt đầu bằng cách liên tưởng đến đá, một yếu tố tự nhiên đã được con người sử dụng từ rất lâu để bảo quản thực phẩm và làm mát.

Lịch sử sử dụng đá: tác giả mở đầu bằng việc mô tả cách mà các nền văn minh cổ đại đã tận dụng đá và tuyết để làm lạnh thực phẩm, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo quản thực phẩm trong đời sống hàng ngày.

Phát minh của công nghệ làm lạnh: tác giả tiếp tục trình bày về sự phát triển của các công nghệ làm lạnh, từ các hệ thống đơn giản như hầm đá đến những máy lạnh hiện đại. Ông đề cập đến những nhà phát minh và kỹ sư đã đóng góp vào sự phát triển này. Khi nghĩ về các ý tưởng đột phá, chúng ta có xu hướng bị giới hạn bởi quy mô của phát minh ban đầu. Khi nhận thức về cách làm ra cái lạnh nhân tạo, chúng ta nghĩ, nó đồng nghĩa với việc phòng ngủ mát hơn, chúng ta ngủ ngon hơn vào những đêm oi bức, hay những viên đá lạnh tốt lành để pha soda. Chỉ chừng đó sẽ dễ hiểu hơn. Song nếu bạn chỉ kể câu chuyện về cái lạnh như thế bạn đã bỏ qua tầm vóc sử thi của nó. Chỉ hai thế kỷ sau khi Frederic Tudor mang ý tưởng mang nước đá đến Savannah, khả năng làm chủ cái lạnh nay đã giúp con người cả tổ mô hình định cư trên khắp hành tinh và mang hàng triệu đứa trẻ đến với nhân gian. Nhìn thoáng qua, nước đá có vẻ là tiến bộ khá tầm thường: một mặt hàng đắt tiền, phù phiếm. Thế nhưng, trải qua hơn hai thế kỷ, ảnh hưởng của nó bắt đầu gây choáng váng, khi chúng ta sử dụng góc nhìn toàn cảnh từ sự biến chuyển của Đại Bình nguyên Bắc Mỹ đến thổi sự sống vào phôi trữ lạnh; rồi sự bung tỏa của các thành phố mênh mông trên sa mạc cát. Trong chương này tác giả không chỉ làm nổi bật sự quan trọng của làm lạnh trong cuộc sống hiện đại mà còn chỉ ra rằng những phát minh trong lĩnh vực này đã có tác động sâu rộng đến sức khỏe, kinh tế và lối sống của con người.

Chương III: Âm thanh.Tác giả nhấn mạnh rằng âm thanh không chỉ đơn thuần là sóng vật lý, mà còn là một yếu tố quyết định trong việc hình thành các mối quan hệ xã hội, văn hóa và nghệ thuật. Âm thanh đã kết nối con người, thúc đẩy sự giao tiếp và truyền tải ý tưởng, từ đó tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội. Nội dung của chương III chủ yếu nói về: Cách âm thanh ảnh hưởng đến giao tiếp,tác giả nói về việc âm thanh đã thay đổi cách con người tương tác và giao tiếp với nhau, từ việc truyền tải thông điệp qua giọng nói đến việc sử dụng công nghệ. Phát minh quan trọng, tác giả nhấn mạnh đến các phát minh như điện thoại, radio và âm nhạc điện tử đã mở ra những cách mới để con người kết nối và chia sẻ thông tin. Tác động văn hóa, Âm thanh không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn hình thành văn hóa, nghệ thuật và giải trí. Tác giả phân tích cách âm nhạc và âm thanh đã tạo ra những phong trào xã hội và chính trị.

Chương IV. Làm sạch. Tác giả khám phá sự phát triển của các công nghệ và phương pháp làm sạch, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe và đời sống con người. Nội dung trong chương này gồm các vấn đề chủ yếu sau: Ông đề cập đến các phát minh như hệ thống cấp nước, nước sạch và các chất tẩy rửa, cho thấy cách những công nghệ này đã thay đổi thói quen hàng ngày và cách sống.

Như Semmelweis được xem là "người sáng lập" ý tưởng về vệ sinh trong y học, và những đóng góp của ông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của các thực hành làm sạch trong bệnh viện và chăm sóc sức khỏe. Trong những năm 1840, ông nhận thấy rằng tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản ở phụ nữ sinh con tại bệnh viện nơi ông làm việc cao hơn nhiều so với ở những nơi khác. Phát hiện của ông đã mở ra một kỷ nguyên mới trong y tế, nhấn mạnh rằng vệ sinh và các biện pháp phòng ngừa có thể cứu sống con người… Ngoài Semmelweis còn có Leal là một nhà phát minh nổi bật trong lĩnh vực vệ sinh và làm sạch. Ông được biết đến với việc phát triển các sản phẩm và công nghệ để cải thiện vệ sinh trong các cơ sở y tế và không gian công cộng….

Chương này khẳng định rằng việc làm sạch không chỉ là một vấn đề cá nhân, mà còn là một yếu tố quan trọng trong sự tiến bộ của xã hội và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Chương V. Thời gian: Tác giả khám phá cách con người đã đo lường và quản lý thời gian, cũng như tác động của các công nghệ này đến cuộc sống và xã hội. Ngay từ đầu chương tác giả đã nói về lịch sử của việc đo lường thời gian ngày được tính dựa trên chu kỳ mặt trời mọc và mặt trời lặn, tháng dựa trên chu kỳ mặt trăng và năm dựa trên nhịp điệu chậm rãi nhưng dự đoán được của các mùa. Dần dần chúng ta xây dựng các công cụ đo đạc thời gian dễ dự toán hơn: sử dụng đồng hồ mặt trời để theo dõi các khoảng thời gian trong một ngày… từ đồng hồ mặt trời, đến đồng hồ cơ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một hệ thống thời gian chính xác trong cuộc sống hàng ngày.Trong chương này khẳng định rằng thời gian không chỉ là một khái niệm vật lý, mà còn là một yếu tố quan trọng trong cách con người tổ chức và trải nghiệm cuộc sống.

Chương VI. Ánh sáng: Tác giả khám phá vai trò và tầm quan trọng của ánh sáng trong sự phát triển của xã hội và công nghệ.

Vào cuối thế kỷ 19, ánh sáng đến từ sợi đốt của bóng đèn điện. Nhưng bước tiến lớn đầu tiên của thế kỷ ánh sáng lại đến từ một nguồn có vẻ khôi hài với chúng ta ngày nay: hộp sọ của một động vật biển hữu nhũ nặng 50 tấn. Câu chuyện bắt đầu từ một cơn bão. Truyền thuyết kể lại rằng khoảng năm 1712, một cơn bão phía tây bắc bờ biển Nantucket đã cuốn thuyền trưởng Hussey ra xa. Ở vùng nước sâu của Bắc Đại Tây Dương, ông gặp một sinh vật kỳ lạ và đáng sợ nhất của mẹ thiên nhiên: cá nhà táng. Hussey đã phóng lao giết con quái vật – dù nhiều người vẫn hoài nghi rằng nó chỉ bị cơn bão cuốn vào bờ. Nhưng dù sao, khi dân địa phương mổ nội tạng của con quái vật, họ cũng phát hiện thứ hết sức kỳ lạ: trong chiếc đầu khổng lồ của nó, họ tìm thấy một cái hốc nằm phía trên não, chứa đầy một thứ chất nhờn màu trắng. Vì trông nó giống tinh dịch, dầu cá nhà táng được gọi là “spermaceti”. Người ta đã phát hiện ra một công dụng khác của dầu cá nhà táng:: nến làm từ chất lỏng này cho thứ ánh sáng màu sáng, mạnh hơn nhiều so với nến mõ và không tạo khói khó chịu… Nói về ánh sáng ta không thể không nhắc đến Thomas Edison với việc phát minh ra bóng đèn điện, với thiết kế có thể sử dụng trong gia đình.

Trong chương này khẳng định rằng ánh sáng không chỉ là một yếu tố vật lý mà còn là một phần quan trọng trong sự tiến bộ của xã hội, ảnh hưởng đến cách con người trải nghiệm thế giới xung quanh.

Cuốn sách “6 phát minh làm nên thời đại - thế giới hiện đại được hình thành thế nào?được nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2024, khổ 16x24cm, sách dày 298 trang.Cuốn sách sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về sự tiến bộ của nhân loại thông qua các phát minh, giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của thế giới hiện đại. Hiện nay cuốn sách đang được phục vụ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Trân trọng mời độc giả đón đọc.

                                                                                                                                   Bùi Nga