Ngày đăng: 13/01/2025 15:58
Lượt xem: 725
NGÀY XUÂN TÌM HIỂU HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở VĨNH PHÚC

Tín ngưỡng thờ thần rắn đã xuất hiện từ lâu trong đời sống văn hóa tâm linh ở vùng Vĩnh Phúc nói riêng và của người Việt nói chung; bởi xét trên bình diện vị trí địa, Vĩnh Phúc là điểm chuyển tiếp giữa trung du với đồng bằng châu thổ sông Hồng, gắn với môi trường tự nhiên sông nước nên hình tượng rắn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm thức cộng đồng cư dân, được đồng hóa với tín ngưỡng vị thủy thần, thờ bên cạnh chúa sơn lâm (Quan Ngũ Hổ) và các vị thần chủ tự nhiên: Trời (Thiên phủ), Đất (Địa phủ), Rừng (Thượng ngàn), Nước (Thoải phủ). Đây là những thành tố cấu thành thế giới quan nguyên thủy về thiên nhiên của người xưa được tích hợp dưới dạng thức văn hóa tâm linh trong hệ thống điện thờ như: Điện Mẫu làng Hạ, Hợp Thịnh (Tam Dương), Điện Mẫu làng Đại Đề, xã Triệu Đề (Lập Thạch), Điện Mẫu làng Gốm, Điện Mẫu trong Chùa Vĩnh Phúc, Sơn Đông (Lập Thạch), Đền Chân Suối, hệ thống thờ tự Quốc Mẫu Tây Thiên, xã Đại Đình (Tam Đảo), cùng một số điện phủ thờ trong các tư gia ở vùng Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên lạc,..

Qua nghiên cứu không gian thờ tự Mẫu Tam tòa, Tứ Phủ; điều đặc biệt chung nhất là hình tượng cặp đôi thần rắn được dân gian sùng bái là Ông Lố thay Quan Xà Thần. Đây là hai vị thần rắn có tên Thanh Xà Đại Tướng Quân và Bạch Xà Đại Tướng Quân, thuộc hàng cuối trong hệ thống thần linh Tam tòa, Tứ Phủ. Bởi theo Đạo Mẫu, rắn vừa có thể trườn dưới mặt đất, vừa có thể ở được trên cao, tức là vừa có tính âm vừa có tính dương nên rắn là linh vật có thể giao hòa giữa trời và đất; chính từ quan niệm này, nên hai vị thần xà thường được thờ trên tầng không linh vắt ngang phía bên trên ban Công Đồng hoặc xà nhà của điện thờ hoặc có nơi lại thờ chung ban Ngũ Hổ ở hạ ban hay trong toà động Sơn Trang như điện Mẫu ở làng Hạ (Tam Dương). Quan sát chung, việc bài trí thờ thần rắn trong các điện tuy không có quy ước thống nhất; nhưng điểm chung rõ nét là vai trò thần rắn trong việc phụng sự Thánh Mẫu và ban công đồng, chịu trách nhiệm canh gác điện phủ, trấn giữ đường âm, đường sông nước, trừ ma diệt quỷ, bảo vệ con người và mùa màng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Mai“Cặp rắn xuất hiện ở điện thần thờ Mẫu không phải là với tư cách một vị thần đơn lẻ, hay đại diện cho tư duy thần của miền rừng núi tích hợp vào như nhiều cách giải thích hiện nay mà Rắn ở đây chính là sự biểu hiện của khía cạnh thứ hai, khía cạnh cốt lõi và là bản thể, bản nguyên sơ khởi, bản nguyên gốc của vị thần được thờ. Là chúa tể của phụ nữ, và biểu tượng của sự sinh sản, cũng là biểu tượng cho sự vượt dậy của bản năng được kích thích và phát triển thành trí tuệ siêu việt, một lần nữa bản thể của rắn vũ trụ lại được khẳng định và chuyển hóa thành những mẫu thần dung dị trong đời sống tâm linh Việt Nam”(1).Còn TS Trần Trọng Dương cho rằng“Thứ  nhất: thần rắn đồng thời là vị thần cai quản các miền thiên giới cùng với các vị mẫu. Thứ hai: thần rắn đồng thời là sự hiện diện chức năng và thiên chức của các vị mẫu này là sinh tạo ra thế giới và cai quản thế giới, là nguồn tài lộc ban phát cho muôn loài, dân sinh. Bởi vậy, hình tượng rắn và mẫu ở đây được lồng ghép với nhau và có chức năng đa tầng như vậy”(2).

Về tạo hình nghệ thuật, qua khảo sát cho thấy: người họa công dân gian xưa thể hiện nhị vị thần rắn theo khuôn thước khối tròn, dài mang tính ước lệ của dáng hình con trăn, chiều dài trung bình từ 1,5 đến 3m. Việc tạo hình thần rắn được sử dụng kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật đan khung tre, mây với kỹ thuật bồi đắp giấy bản hoặc ở đôi nơi người ta bọc lớp vải lụa cho sinh động. Dù là cách thể hiện nguyên liệu nào (giấy dó bồi hay vải lụa) đi chăng nữa, thì điểm chung nhất của hai vị thần rắn đều được sơn phủ lớp màu riêng. Vị thần rắn được sơn màu xanh - gọi là Thanh Xà Đại Tướng Quân, vị thần rắn màu trắng - là Bạch Xà Đại Tướng Quân.

Điều thú vị nếu đem quy chiếu màu sắc (xanh, trắng) của hai vị thần rắn trên phương diện sắc màu ngũ hành (Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen), phương vị (Đông, Tây, Nam, Bắc) và Tứ quý (Xuân, Hạ, Thu, Đông) thì cho thấy thông điệp: vị thần rắn màu xanh ứng với hành mộc tượng trưng cho mùa Xuân, thuộc phương Đông là vị trí của Thanh Long; cònvị thần rắn màu trắng ứng với hành kim, tương ứng  mùa Thu đại diện cho hướng Tây, vị trí của Bạch Hổ. Nếu hiểu theo ý niệm sâu xa này, đây là cặp thần đối xứng phong thủy trong điện thờ mẫu, tạo nên một sức mạnh phi thường của tả Thanh Long hữu Bạch Hổ mà người xưa muốn ẩn ý chuyển tải qua biểu tượng.

Dù tiếp cận tín ngưỡng hình tượng thần rắn ở góc độ nào đi chăng nữa; chúng ta vẫn thấy biểu tượng khái quát về đặc điểm di chuyển của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn - vị thủy thần với những con sông, nguồn nước; cùng tính cặp đôi (âm - dương) của thần rắn là nét đặc trưng và cũng là một mật mã văn hóa trong tín ngưỡng Đạo Mẫu, để từ đó có thể suy diễn “mật mã” ở đây phải chăng là biểu tượng kép giữa Mẫu - Rắn? những vị thần theo tín ngưỡng không chỉ ban phát sự phì nhiêu, sung túc, may mắn trong cầu tài, cầu lộc, cầu tự; cùng những  khả năng chữa bệnh vốn dĩ là đặc tính của Rắn mà còn là vấn đề hai mặt của một bản thể thống nhất kỳ diệu giữa dục năng và trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày; mà trong đó hình tượng thần rắn là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong hệ phức hợp tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ngày xuân năm Ất Tỵ, mạn đàm đôi nét về hình tượng thần Rắn -trong tín ngưỡng thờ Mẫu trên vùng đất Vĩnh Phúc; âu cũng là dịp chuyển tải ý niệm về “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tới mọi người; nhằm qua đó giúp chúng ta hiểu và tự hào hơn về loại hình tín ngưỡng đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.     

 

Nguyễn Anh Ngọc

 

 

 

Ghi chú:

(1)https://khaitue.edu.vn/index.php/bai-viet-chuyen-mon/bieu-tuong-ran-trong-dien-than-tho-mau-44.html

(2)https://phapluatplus.baophapluat.vn/giai-ma-bieu-tuong-van-hoa-phan-8-hinh-tuong-ran-trong-tin-nguong-nguoi-viet-178968.html

 

Description: quan xà thần

Thần rắn - Quan Xà Thần trong đền, điện phủ thờ Mẫu (nguồn: Internet)