
Từ lâu, chữ nổi được biết đến là công cụ hỗ trợ cho những người khiếm thị trong việc đọc sách, được người khiếm thị trên toàn thế giới sử dụng rộng rãi. Đó là hệ thống chữ với bảng chữ cái từ sáu chấm nổi, vừa vặn với đầu ngón tay, giúp người khiếm thị có thể đọc sách một cách dễ dàng. Tuy nhiên, không phải tất cả trong chúng ta đều biết chữ nổi ra đời từ khi nào và ai là người phát minh ra chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng người phát minh ra chữ nổi là một cậu bé 15 tuổi bị mù cả hai mắt Louis Braille. Vậy Louis Braille là ai? Hành trình phát minh ra chữ nổi của Louis Braille như thế nào? Cuốn sách “Louis Braille - Cậu bé phát minh ra sách dành cho người mù” của tác giả Margaret Davidson sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này nhé! Sách được nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2021.
Cuốn sách chỉ dày 84 trang nhưng cuộc đời của Louis Braille được tác giả Margaret Davidson kể lại như một bộ phim tư liệu chân thực, sống động.
Louis Braille được sinh ra vào đầu những năm 1800 tại Pháp, là con trai của một gia đình có cha làm công cụ và đồ da. Vào năm ba tuổi, khi đang nghịch chiếc dùi của bố, Louis đã vô tình khiến mắt bị thương và sau đó là bị mù. Bằng nghị lực của mình và sự quan tâm của gia đình, Louis vẫn có thể tự làm những việc bình thường và được đi học. Louis luôn khát khao tìm hiểu về thế giới, mong muốn được đọc sách, Louis đã quyết tâm tìm ra cách để những người mù như cậu cũng có thể đọc sách. Kết quả, cậu bé 15 tuổi đã thực hiện được mong muốn, cậu phát minh ra chữ nổi, giúp người mù trên toàn thế giới có thể đọc được sách. Đây thật sự là một phép màu có thực đối với những người không may mất đi ánh sáng.
Lật giở từng trang của cuốn sách, người đọc như chìm vào thế giới bóng tối của nhân vật với cuộc sống không còn ánh sáng, không còn màu sắc và không còn những khung hình sinh động. Quả thật, mỗi trang sách đều chứa đựng những chi tiết khiến người đọc lặng người và nhớ mãi.
Ngay ở những dòng đầu tiên, cuốn sách đưa người đọc đến khung cảnh bình yên, xinh đẹp: “Louis Braille ngồi trên bậc thềm trước cửa nhà mình. Đó là một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp, tất cả mọi thứ xung quanh cậu vẫn đang diễn ra. Những đám mây bồng bềnh lững lờ trôi trên bầu trời trong xanh. Một con chim đang xây tổ trên cái cây gần đó. Một con bò đang gặm cỏ trên cánh đồng kế bên. Một con thỏ vừa nhảy ngang qua. Một con bọ chầm chậm bò trên chiếc lá”. Thế nhưng, trái ngược với khung cảnh đó, tác giả tiết lộ cho bạn đọc một chi tiết thật buồn về cậu bé Louis Braille: “Mọi thứ xung quanh đều đang diễn ra, nhưng Louis không nhìn thấy gì. Cậu bé Louis Braille năm tuổi bị mù cả hai mắt”. Đọc đến đây, bạn đọc có cảm giác nghèn nghẹn, lặng người trước hoàn cảnh của cậu bé Louis Braille. Không thấy ánh sáng từ khi mới 3 tuổi, lúc này Louis Braille còn quá nhỏ để có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình. Có những lúc cậu liên tục hỏi cha mẹ: “Khi nào trời sẽ sáng?”. Rồi cậu nhận ra mình khác biệt với mọi người. “Có nhiều việc cậu chẳng thể làm được. Cậu không thể chơi đuổi bắt, cũng chẳng thể chơi chốn tìm. Cậu chẳng thể chạy dọc con đường để đến chơi nhà một người bạn. Và cậu cũng không thể cùng đám con trai luồn lách qua khu rừng để đến nơi ẩn náu bí mật”
Thế nhưng thật kỳ lạ, với Louis Braille đó hoàn toàn không phải là một hành trình chìm trong bóng tối mà đó là một hành trình đầy ắp âm thanh của hy vọng và niềm tin. Người đọc cảm nhận rõ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một cậu bé khuyết tật. Khi đi học cậu cố gắng ngồi yên và chăm chú lắng nghe trong khi các bạn trong lớp liên tục cựa quậy, thì thầm nói chuyện. Cậu phải làm như vậy vì cậu không thể đọc sách. Cậu phải lắng nghe và ghi nhớ, đó là cách duy nhất cậu có thể học được.
Với niềm đam mê với tri thức, đam mê đọc sách, cậu khao khát được hiểu biết thế giới, 12 tuổi Louis quyết tâm phải tìm ra cách để người mù như cậu có thể đọc sách một cách dễ dàng. Và từ đó, hành trình gian nan để tìm ra bảng chữ cái bằng các chấm nổi dành cho người mù bắt đầu. Cậu đã cố gắng bằng toàn bộ trái tim và trí óc của mình. Cho dù đi bất cứ đâu, cậu cũng luôn mang theo một tập giấy dày và cái dùi viết để đục lỗ. Louis Braille cố gắng không lãng phí giây phút nào, trong kỳ nghỉ cậu vẫn miệt mài với những chấm nổi. Cậu làm việc mọi lúc mọi nơi, trước lúc ăn sáng, trong khoảng thời gian nghỉ giữa các tiết học. Cậu làm việc sau giờ ăn tối và cả lúc đêm khuya, thậm chí làm việc thâu đêm. Đôi khi cậu mệt mỏi tới mức gần như không thể nhấc nổi tay mình… Và sau ba năm miệt mài cố gắng, Louis Braille đã làm được. 15 tuổi, cậu đã đem đến cho người mù trên khắp thế giới một món quà vĩ đại nhất- chính là bảng chữ cái mang tên Braille. Thật tuyệt vời!
Khép lại cuốn sách “Louis Braille - Cậu bé phát minh ra sách dành cho người mù”, tác giả mang đến cho chúng ta những rung động sâu sắc, sự khâm phục một con người vĩ đại. Những suy nghĩ, trăn trở và niềm khát khao mãnh liệt của Louis Braille khi đi tìm con chữ chắc chắn sẽ chạm đến trái tim của mỗi người đọc. Cuốn sách này sẽ thôi thúc mỗi người chúng ta cố gắng hơn, kiên trì hơn, vững vàng hơn trên những con đường đầy khó khăn phía trước, giống như cậu bé Louis Braille đã luôn kiên định và miệt mài trong hành trình tìm ra chữ nổi và phát minh ra sách dành cho người mù.
Cuốn sách “Louis Braille - Cậu bé phát minh ra sách dành cho người mù” hiện đang được phục vụ tại phòng Thiếu nhi của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Sách của tác giả Margaret Davidson, minh họa bởi Janet Compere, Trịnh Thị Thu Thanh dịch. Sách gồm 84 trang, khổ sách 22 cm, nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2021. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hải Hà