Cuối thế kỷ 19, sau khi hoàn thành xâm chiếm Đông Dương, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện cái gọi là “sứ mệnh khai hóa” để biện minh cho hành động xâm lược của mình. Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã tiến hành lần lượt các cuộc cải cách giáo dục và bước đầu thiết lập hệ thống giáo dục thuộc địa trên toàn xứ Đông Dương. Tuy nhiên, giáo dục lại là “con dao hai lưỡi” đẩy chính quyền thuộc địa và người Pháp vào những mâu thuẫn trong chính nội tại của họ và với cả các thuộc địa.
Là người dành nhiều năm nghiên cứu về giáo dục thời thuộc địa và hậu thực dân, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương (trường đại học Paris Descartes) mong muốn giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – huyền thoại đỏ và huyền thoại đen”. Trong đó, “Huyền thoại đỏ” và “Huyền thoại đen” là hai cụm từ được tác giả mượn của sử gia Marc Ferro để đánh giá về những thành tựu và hạn chế của Di sản giáo dục thực dân. Dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác được từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.
Những nội dung trong cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – huyền thoại đỏ và huyền thoại đen” được tác giả chia thành 6 chương như sau:
Chương 1: Sứ mạng khai hóa và tư tưởng giáo dục
Chương 2: Đi tìm mô hình trường học cho nền thuộc địa 1860-1916
Chương 3: Thành quả của nhà trường thuộc địa 1917- 1930
Chương 4: Khủng hoảng nhà trường thuộc địa 1930-1939
Chương 5: Cách mạng quốc gia và giáo dục thuộc địa 1940-1942
Chương 6: Di sản giáo dục của chế độ thực dân
Mỗi chương trong cuốn sách là những nghiên cứu, phân tích, đánh giá, lập luận có hệ thống cùng những dẫn chứng xác thực sẽ mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu rộng về di sản giáo dục thực dân tại Việt Nam và Đông Dương thời kỳ Pháp thuộc.
Với chương 1 “Sứ mạng khai hóa và tư tưởng giáo dục”, tác giả đề cập đến nguồn gốc của sứ mạng khai hóa, sự hợp tác và đồng hóa trong giáo dục, giáo dục dân bản xứ… Tác giả cho độc giả biết “sứ mạng khai hóa” là gì? Khái niệm “sứ mạng khai hóa” được phát triển vào thế kỷ 19, thực chất là để biện minh cho hành động thực dân. Nó dựa trên thuyết cứu thế của Pháp với niềm tin rằng Pháp quốc có sứ mạng truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và có nghĩa vụ giải thoát các tộc người khỏi những bạo ngược của thiên tai, bệnh tật, dốt nát và khỏi sự chuyên chế bằng cách đem lại cho họ kỹ thuật và y tế, giáo dục và một nền quản trị trong sạch. Cuốn sách bắt đầu với những khảo sát về một bối cảnh nền giáo dục thực dụng, phục vụ trực tiếp cho nền cai trị thực dân trên toàn cõi Đông Dương, với những số liệu công phu về sự phát triển của số lượng người học, của trường sở, kèm theo đó là phân tích đánh giá về tỷ lệ ít ỏi của số người dân thuộc địa được hưởng nền giáo dục này.
Chương 2 “Đi tìm mô hình trường học cho nền thuộc địa 1860-1916”, tác giả đề cập đến những vấn đề về thiết lập nền giáo dục Pháp- bản xứ, sự cạnh tranh của các phong trào canh tân và một nền giáo dục thuộc địa chưa hoàn chỉnh. Chúng ta thấy rằng, nước Pháp khi đó đang khó nhọc thiết lập một hệ thống giáo dục tại Đông Dương. Quá trình này cũng có những điểm tích cực sau: Duy trì trường dạy chữ Hán tránh được xung đột tư tưởng với giới tinh hoa Hán học. Trường Pháp- bản xứ phổ cập chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Chương trình học được hiện đại hóa và được quần chúng tiếp nhận tích cực. Giáo dục cho nữ sinh được chào đón tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu thốn về phương tiện tài chính cộng với sự chậm chạp về hành chính dẫn đến nhiều học sinh bỏ trường. Đội ngũ giáo viên chất lượng ngày càng kém dẫn đến trình độ của học sinh giảm dần. Như vậy, mục đích giáo dục thuộc địa – đào tạo ra đội ngũ phụ tá bản xứ để phát triển thuộc địa và những nhà Nho thân Pháp dùng làm trung gian- đã không đạt kết quả.
Chương 3 “Thành quả của nhà trường thuộc địa 1917- 1930” đề cập đến những cải cách trong giáo dục, độc quyền và những giới hạn của nền giáo dục thuộc địa, giáo dục bằng mọi giá, khuấy động trong giới sinh viên. Cuốn sách cho bạn đọc thấy rằng: Kể từ năm 1917, trường học tiếp nhận các nữ sinh. Các nữ sinh ở thuộc địa Đông Dương không những được học chung với nam sinh ở trường trung học mà còn có thể được dự thi Tú tài. Mô hình nam nữ đồng giáo này sớm được áp dụng bởi lý do thiếu thốn phương tiện và tài chính để mở ra hai hệ cho riêng nam và riêng nữ. Tuy nhiên, các sinh viên Đông Dương tại Pháp trở thành mối lo cho chính quyền. Chống đối mang tính chính trị của giới học sinh, sinh viên bắt đầu diễn ra qua sự kiện đầu tiên vào dịp đám tang Phan Châu Trinh. Đây là cái cớ cho một làn sóng bãi khóa và biểu tình, kết thúc bằng việc gần 1000 học sinh bị đuổi học.
Chương 4 “Khủng hoảng nhà trường thuộc địa 1930-1939”, tác giả đề cập đến các cuộc khủng hoảng trong các nhà trường thuộc địa. Nền giáo dục sơ học và tiểu học phát triển, bậc trung học lại không thể cải thiện được. Việc gỡ bỏ và tái thiết giáo dục đại học, nỗi ám ảnh về trí thức thất nghiệp và những đòi hỏi của giới tinh hoa Đông Dương cũng sẽ được trình bày rõ nét tại chương này.
Với chương 6, chương cuối cùng của cuốn sách “Di sản giáo dục của chế độ thực dân”, tác giả chỉ ra “huyền thoại đỏ” và “huyền thoại đen” của nền giáo dục thời Pháp thuộc. Không thể phủ nhận “Huyền thoại đỏ” của nền giáo dục của Pháp tại Việt Nam dưới thời thuộc địa đã để lại những di sản nhất định cho xã hội Việt Nam như: Đặt “nền móng cho một hệ thống hợp lý và hiện đại”; Giáo dục cho nữ sinh góp phần thay đổi xã hội; Giáo dục cho con em dân tộc thiểu số, hiện đại hóa trường học; Giới tinh hoa bản địa Pháp học được hình thành… Hệ thống giáo dục thuộc địa Đông Dương được coi là một trong những hệ thống hoàn chỉnh và hoàn thiện nhất trong tất cả thuộc địa Pháp với gần 1 triệu học sinh vào năm 1945 và một hệ thống trường lớp từ trường làng cho đến đại học tại thủ đô. Chính phủ Việt Nam độc lập ngay sau năm 1945 đã tiếp nhận và thừa hưởng hệ thống này trên phương diện phương pháp, kết cấu, thiết chế, bằng cấp (như bằng tú tài) và chỉ “quốc dân hóa” nội dung chương trình. Tuy nhiên giáo dục thuộc địa cũng chứa đầy những bất cập, “huyền thoại đen” của nền giáo dục thuộc địa được nêu lên bởi những người chống thực dân Pháp như: Hạn chế số lượng, kiềm tỏa chất lượng, trình độ để nhằm đào tạo người thừa hành và phụ tá; Sau 80 năm vẫn còn hơn 90% dân số mù chữ; Tỷ lệ học sinh thấp (8% tại Việt Nam so với 17% tại Pháp), tỷ lệ tốt nghiệp càng thấp hơn. Tại Đại hội Tours năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo trên diễn đàn đại hội chính sách “làm cho dân ngu để dễ trị” của Pháp.
Có thể nói, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là một ca đặc biệt trong Đế chế Pháp. Việt Nam tiền thuộc địa đã có sẵn một hệ thống đào tạo quan bảng, khoa cử lấy khuôn mẫu từ chế độ khoa bảng Nho giáo. Cuối thế kỷ 19, chế độ khoa bảng này mất dần vị trí độc tôn vì khả năng kém thích nghi trước thời cuộc. Chỉ còn tinh thần hiếu học vốn là bản sắc văn hóa Việt vẫn được coi trọng.
Với tác phẩm Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa– huyền thoại đỏ và huyền thoại đen, tác giả không chỉ làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử mà còn đưa ra những thông tin và luận điểm về giáo dục để chia sẻ với bạn đọc về một thời kỳ tưởng chừng như rơi và quên lãng. Cuốn sách đem lại cho độc giả những khám phá về giai đoạn thuộc địa, đặc biệt trên phương diện giáo dục. Qua cuốn sách, độc giả có những cái nhìn và đánh giá khách quan về thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa, mà thời bấy giờ cũng được coi là một công cụ để thực hiện mục đích chính trị của chủ nghĩa thực dân.
Cuốn sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa– huyền thoại đỏ và huyền thoại đen của tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Sách được in rõ nét, bìa cứng, dày 164 trang, khổ 24cm được nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2020. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Ký hiệu sách: 201004290; 202006478-9.
Hải Hà