Trong mỗi chúng ta, ai cũng từng là một cô bé, cậu bé, ai cũng từng trải qua quãng đời cắp sách đến trường. Được đi học, được trải qua tuổi học trò hồn nhiên luôn là điều đáng nhớ trong cuộc đời. Những ai từng là học sinh những năm 2000, giờ này chắc hẳn đã là những ông bố, bà mẹ của những đứa con tuổi ẩm ương. Bạn có muốn ngược dòng thời gian hơn 20 năm về trước để trở về với tuổi thơ của mình? Tác giả Trang Neko sẽ giúp bạn ngược dòng về quá khứ bằng cuốn sách “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy”. Cuốn sách sẽ tái hiện lại những kỷ niệm thời học sinh đáng nhớ của thập niên 2000 với những câu chuyện vui buồn không thể nào quên.
Cuốn sách được thiết kế với màu giấy vô cùng đặc biệt, không phải màu trắng như những cuốn sách thông thường mà là màu nâu ngả vàng giống như màu giấy của những cuốn sách cổ cũ kỹ. Đồng thời, màu của những bức tranh minh họa trong sách được họa sĩ sử dụng cũng là những gam màu trầm trên nền giấy ngả vàng. Bởi vậy, ngay từ khi cầm cuốn sách trên tay, bạn đã cảm nhận được sự hoài cổ ở trong cuốn sách này. Thực sự vô cùng cảm xúc!
Nội dung cuốn sách bao gồm 19 câu chuyện kể về những kỷ niệm của thế hệ học trò thập kỷ 2000, cách đây hơn 20 năm. Những câu chuyện được minh họa bằng những bức tranh vô cùng dễ thương phù hợp với lứa tuổi học trò. Tác giả chia nội dung sách thành 3 phần như sau: Phần I – Lớn rồi; Phần II – Những trò hay ho, thời xưa khắc có; Phần III – Ngày xưa ra sao, ngày nay vẫn vậy.
Đến với phần Phần 1 “Lớn rồi”, bạn sẽ được nghe kể những câu chuyện ở giai đoạn chuyển cấp từ cấp một lên cấp hai của những cô cậu học trò. Những câu chuyện trong phần này là: Tự đi học; Học thêm; Thuê truyện, Hàng net.
Trong chuyện “Tự đi học” bạn sẽ được chứng kiến những khoảnh khắc thú vị xung quanh việc tự đi học của các cô bé, cậu bé lớp 6 bắt đầu tự đạp xe đến trường như: bố bí mật đi xe máy theo sau, con đường đến trường toàn gạch đá, đi xe đạp dàn hàng hai hàng ba để buôn chuyện, ngôi trường cạnh nghĩa trang… Đặc biệt là trải nghiệm “mặn mòi” trên con đường đến trường khi đi qua cánh đồng rau mỗi khi bác nông dân bón phân tươi vào ruộng. Mùi hương nồng đặc của phân tươi ám cả vào quần áo bọn trẻ, chúng mang theo mùi hương khó chịu ấy đến lớp và mang cả về nhà. Quả là những kỷ niệm và trải nghiệm vô cùng đáng nhớ của học trò thời ấy.
Chuyện “Hàng Net” với câu chuyện truy cập Internet thời bấy giờ. Bất cứ ai vào hàng net chắc chắn phải đăng nhập Yahoo để chat. Trào lưu lớn nhất từ Yahoo chính là việc phải làm sao có một cái nick thật kêu, thế là có những nick chat bất hủ còn lưu truyền đến cả hai chục năm sau như: “Boy toc dai dep trai” hay “Ngoitrongtoalet-gaothettenem” chẳng hạn…. Chắc hẳn những ai trải qua thời đó vẫn còn nhớ tên nick yahoo của mình. Thế còn bạn, nick yahoo của bạn hồi đó là gì? Hãy cùng đọc câu chuyện “hàng net” trang 22 để sống lại những kỷ niệm “chat yahoo” một thời nhé! Các bạn nhỏ ngày nay chắc sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trào lưu đáng yêu một thời của giới trẻ.
Sang đến Phần II “Những trò hay ho, thời xưa khắc có”, tác giả kể lại cho chúng ta những kỷ niệm mà có lẽ chỉ những ai đi học thời xưa mới trải qua, như: tranh nhau đọc báo, chép lời bài hát vào sổ, viết thư ngăn bàn, viết nhật ký chuyền tay, những trò bói toán, dán ảnh thần tượng đầy phòng, pha màu son thâm để trang điểm cho giống diễn viên trong phim Hàn Quốc…
Với câu chuyện “Tờ báo Quốc dân” trang 28, chúng ta bắt gặp cảnh tranh nhau đọc báo của đám học trò. Có thể nói ngày ấy, kênh cập nhật thông tin kịp thời và phong phú nhất là những tờ báo như Hoa học trò, Mực tím, Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong… Bọn trẻ thích nhất là mấy tấm poster ca sĩ được in tráng màu đẹp long lanh tặng kèm ở giữa trang báo. Có đứa chỉ hâm mộ anh Chánh Văn, ko mua báo mà mượn báo đọc mỗi mục anh Chánh Văn rồi trả.
Còn trong chuyện “Sổ bài hát” chúng ta cùng sống lại thời mà còn dùng đài cassette với những chiếc băng cassette có dây cuốn. Bọn trẻ rất thích nghe chương trình âm nhạc theo thư yêu cầu có anh Quick và chị Show dẫn siêu dễ thương. Muốn nghe lại bài hát thì phải ghi âm vào băng. Và muốn chép lời bài hát từ đài cassette phải ấn play (phát) rồi lại pause (tạm dừng), rồi tua đi tua lại khiến dây băng rối bung bét… Những bạn nhỏ thời nay chắc hẳn không thể hình dung nổi cách nghe đài và chép lời bài hát hồi ấy. Quả là những kỷ niệm không thể nào quên!
Cuối cùng là Phần III “Ngày xưa ra sao, ngày nay vẫn vậy”, tác giả kể về những điều mà có lẽ học sinh thời nào cũng trải qua, đó là: giờ kiểm tra miệng, gặp đội sao đỏ, nội dung trong cuốn sổ ghi đầu bài, những buổi họp phụ huynh…. Cuối cuốn sách là câu chuyện “Những nỗi sợ vô hình”, kể về nỗi sợ chung của học sinh mà thời nào cũng giống nhau như: đi học quên sách vở, hôm nào có môn học mà mình sợ thì đến lớp với tâm trạng nặng nề, bị điểm kém không dám về nhà… Tác giả viết “Có lẽ những nỗi sợ vô hình ấy được hình thành từ mong muốn đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Đáng tiếc, nhiều bố mẹ bây giờ dường như quên mất việc mình từng là trẻ con, để rồi khi trở thành người lớn, lại vô tình gây áp lực lên những đứa trẻ của mình”.
Có thể nói, bằng lời kể dí dỏm, hài hước nhưng cũng vô cùng chân thật, cảm xúc, tác giả Trang Neko đã giúp bạn đọc sống lại những kỷ niệm thời học sinh không thể nào quên những năm 2000 hồi ấy. Thế hệ trước hoặc sau đó một chút cũng sẽ tìm thấy chính mình trong đó. Những bạn nhỏ, dù không biết những trải nghiệm đời học trò những năm 2000 thì sẽ ngạc nhiên và thích thú khi được nghe "truyện cổ tích" thời bố mẹ mình.
Thông qua cuốn sách “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy”, bạn đọc được quay trở lại tuổi học trò một thủa, được sống lại những kỷ niệm mà mỗi người lớn đều từng là học sinh, từng vui đùa, từng ẩm ương, từng ngẩn ngơ, từng sợ hãi... Chúng ta nhớ lại mình đã từng có những niềm vui như thế, cả những nỗi lo lắng như thế và nhớ ra mình cũng từng là một đứa trẻ, như con mình bây giờ. Để từ đó, chúng ta có thể bao dung, thấu hiểu hơn với những đứa con đang ở độ tuổi học trò và trở thành một người bạn thực sự với các con của mình.
Mời các bạn tìm đọc cuốn sách “Học sinh chúng mình 2000 hồi ấy” của tác giả Trang Neko, tranh minh họa của họa sĩ X.Lan. Sách gồm 108 trang, khổ 20cm, nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2024. Cuốn sách thú vị này hiện đang được phục vụ tại phòng Thiếu nhi của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, ký hiệu kho 102034104. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hải Hà