Ngày đăng: 26/07/2022 09:42
Lượt xem: 32695
“Nguyễn Viết Xuân sống mãi” cuốn sách hay viết về người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân

Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu "nhằm thẳng quân thù, bắn” đã đi vào lịch sử như một huyền thoại về tinh thần dũng cảm, kiên quyết chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947-027/7-07/2022), Thư viên tỉnh Vĩnh Phúc xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách có nội dung viết về người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, cuốn sách có tựa đề  Nguyễn Viết Xuân sống mãi” của các tác giả: Nguyễn Quang Hà, Duy Đức, Ngọc Bằng và Trần Công Mân.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1967, như vậy đến nay tác phẩm này đã tròn 55 tuổi.  Chỉ với 72 trang, khổ sách 9x13cm, cuốn sách “Nguyễn Viết Xuân sống mãi ” mang đến cho người đọc những câu chuyện chân thật và những bài học giá trị về cuộc sống, về nhân cách, sự chiến đấu hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân.

Cuốn sách là tập hợp 3 bài viết của nhiều tác giả:

Bài viết “Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân”  của tác giả Nguyễn Quang Hà đã tái hiện toàn bộ cuộc đời của anh hùng Nguyễn Viết Xuân từ khi còn nhỏ đến khi nhập ngũ, những chiến công và cả thời khắc anh bị thương, hy sinh cùng khẩu hiệu “nhằm thẳng quân thù, bắn” là lời hiệu triệu cho biết bao thế hệ cầm súng.

  Bài viết miêu tả khá chi tiết trận địch ngày 18.11.1964, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng Chalo thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình. Cả trận địa nổ súng giòn giã, ta đánh trả quyết liệt, máy bay địch phóng hàng loạt tên lửa về phía khẩu đội 3. Trong giờ phút gay go, quyết liệt nhất của trận đấu, Nguyễn Viết Xuân lao tới các khẩu đội pháo, kịp thời động viên và biểu dương tinh thần các chiến sĩ giúp họ bình tĩnh, vững vàng trên mâm pháo. Máy bay địch vẫn ầm ầm lao tới , bất chấp hiểm nguy, anh đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc tỏ rõ khí phách và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”  Giữa làn bom đạn địch, tiếng hô dõng dạc của anh vang trên trận địa đã cổ vũ tinh thần và tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ khẩu đội pháo bắn trúng mục tiêu.

Trong trận đánh này, Nguyễn Viết Xuân bị thương, một chân anh bị dập nát, gần gãy rời, chỉ dính lại một phần thịt da, máu chảy xối xả. Anh đề nghị y tá cắt chiếc chân của anh cho khỏi vướng và giấu ở chỗ kín để anh em không nom thấy. Khi ngớt tiếng súng, anh em nâng đồng chí Xuân nằm lên cáng để đưa đi trạm cấp cứu. Anh bảo lấy tấm chăn che kín cái chân cụt để anh em chiến sĩ khỏi nhìn thấy. Khi đi qua các khẩu đội, mặc dù vô cùng đau đớn, anh vẫn đưa tay vẫy vẫy anh em.

Anh mê man bất tỉnh nhưng mỗi khi tỉnh lại, anh vẫn không quên động viên chiến sĩ, anh chỉ định người thay thế, phân công người chăm sóc các đồng đội bị thương, anh bình tĩnh bàn giao công việc rất tỉ mỉ, rõ ràng, nhắc nhở ghi chép những việc làm khen thưởng của các chiến sĩ mà anh chưa kịp ghi sổ…

Tuy nhiên, qua những đợt chống cự với những cơn đau khủng khiếp, qua những giờ phút vật lộn gan góc quật cường với cái chết, hơi thở của anh trở nên mong manh. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 19/11/1964 đồng chí Xuân đã chút hơi thở cuối cùng.

Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân đã hy sinh, nhưng hình ảnh người bí thư chi bộ tận tụy gương mẫu trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu thương đồng đội và nhân dân sâu sắc vẫn hiện rõ trong tâm trí cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.

 

Bài viết tiếp theo “ Nguyễn Viết Xuân trong lòng chiến sĩ đại đội 3” của các tác giả Duy Đức và Ngọc Bằng. Tác giả đã dùng ngòi bút của mình ghi lại chân thực lời kể của các chiến sĩ đại đội 3, đồng đội cùng đơn vị với Nguyễn Viết Xuân khi các đồng chí ấy đi dự Đại hội tổng kết thi đua Quân khu 4 năm 1964. Bằng cách hỏi và trả lời, các tác giả đã khéo léo phác họa chân dung Nguyễn Viết Xuân đời thường, chân thực nhất trong cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu…nhưng lại đầy đủ, trọn vẹn và cao đẹp nhất.

Đồng chí Nguyễn Duy Dĩnh nói: “Đồng chí hỏi về Nguyễn Viết Xuân của chúng tôi ư? Vâng, tôi biết về đồng chí ấy như thế nào, xin kể như thế. Nhưng điều tôi muốn nói trước tiên là đồng chí đã sống và làm việc theo tinh thần mình vì mọi người. Đồng chí ăn ở với anh em như bát nước đầy, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của chiến sĩ với một lòng kiên nhẫn chân thành rất cao”.

Với đồng chí Mai Thái Nguyên: “ Đồng chí Xuân là người nói ít, làm nhiều và rất khiêm tốn. Anh sống cần kiệm, giản dị lắm. Tiền lương hàng tháng anh chi tiêu tiết kiệm, quần áo anh không may mặc gì cho mình, phần còn lại anh gửi cho gia đình và giúp đỡ những chiến sĩ gặp khó khăn khác.  Có dạo, chính gia đình anh cũng gặp khó khăn, cấp trên quyết định trợ cấp cho anh một khoản tiền, anh cảm ơn và nhất quyết không nhận, anh đề nghị cấp trên giữ lại  để giúp đỡ cho các đồng chí khác”.

Còn đồng chí Lang Minh Ngọc kể: “ Đồng chí Xuân đã tiếp cho tôi một sức mạnh, một ý chí nhằm thẳng quân thù bắn. Trong trận đánh ngày 18/1/1964 ngay đợt đầu chúng tôi đã quật ngã một phản lực F100 khi đồng chí Xuân bị thương, thấy anh em cáng đồng chí đi qua, tôi ngẩn ngơ nhìn. Từ trên cáng, toàn thân được phủ lên một chiếc khăn, đồng chí vẫn cố giơ tay vẫy vẫy chúng tôi. Tôi thương đồng chí ấy quá. Chắc hẳn là chẳng bao giờ đồng chí ấy quên nghĩ đến chúng tôi, ngay cả lúc bị thương này!”

Chỉ cần trích lại nguyên văn câu nói ấy thôi, bài viết cho người đọc thấy được tình cảm rất đặc biệt mà các chiến sĩ đại đội 3 dành cho người chính trị viên đại đội của mình. Và cứ tự nhiên như thế, những câu chuyện về Nguyễn Viết Xuân được đồng đội anh kể ra bằng cảm xúc chân thành, cảm phục và biết ơn.

Bài viết thứ ba mang tên “Bài học thành công của Nguyễn Viết Xuân là con đường để trở thành một chính trị viên tốt” của tác giả Trần Công Mân.

Trong bài viết này, tác giả Trần Công Mân đã đưa những dẫn chứng cụ thể từ những việc làm của Nguyễn Viết Xuân, đưa ra những lý luận sâu sắc và chỉ ra những bài học thành công của chính trị viên Nguyễn Viết Xuân. Đó là:

 Mọi việc làm đều xuất phát từ lòng trung thành vô hạn đối với lợi ích của Đảng, của Nhân dân.

Tin quần chúng, dựa vào sức mạnh của quần chúng

Là hạt nhân đoàn kết của đơn vị

Nắm vững những vấn đề cơ bản của công tác chính trị

Đó là những bài học vô giá mà Nguyễn Viết Xuân đã để lại cho người ở lại. Anh là một đảng viên, một chiễn sĩ cách mạng, một bí thư Chi bộ, một chính trị viên mẫu mực… luôn là tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân noi theo. “Nhằm thẳng quân thù bắn”, khẩu lệnh ấy của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành bất diệt. Khẩu lệnh tấn công ấy từng làm bạt vía kinh hồn lũ giặc Mỹ lái máy bay. Đó là khẩu lệnh mang tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của Đảng, của quân đội và nhân dân ta. Nguyễn Viết Xuân  đã trở thành người con bất tử, sống mãi trong trái tim  dân tộc Việt Nam.

Mỗi bài viết trong cuốn sách được các tác giả viết bằng nhiều phong cách khác nhau, đó là những những câu chuyện, những hồi tưởng, những lời kể và cả những bài học thành công... Từng nét chữ hiện lên trên trang sách sẽ đưa người đọc sống lại thời kỳ chiến tranh gian khổ, thấy được sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, thấy được tình cảm thiêng liêng đối với tổ quốc, thấy được lý tưởng, ý chí chiến đấu, sự hy sinh dũng cảm của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân và những người con đất Việt.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, nỗi đau của chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Nhưng tên của các bậc cha anh như Nguyễn Viết Xuân và hàng triệu người con khác vẫn mãi được nhắc đến như một bản trường ca bất diệt. Anh là tấm gương sáng ngời cho chúng ta những bài học vô giá, sống có lý tưởng, không chùn bước khi gặp khó khăn, nguy nan, sống cuộc đời đáng sống, sống có ích, sống xứng đáng với những gì mà cha ông ta đã phải hy sinh xương máu để đem lại hòa bình, no ấm hôm nay.

Để hiểu rõ hơn về chính trị viên Nguyễn Viết Xuân,  người anh hùng liệt sĩ bất khuất của dân tộc ta, bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách này “Nguyễn Viết Xuân sống mãi”.   Đây là tư liệu vô cùng quý giá hiện đang có tại kho Tư liệu Địa Chí  đồng thời  đã được số hóa và lưu giữ trên Cơ sở dữ liệu sách của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, trân trọng giới thiệu cùng người đọc.

 

Hải Hà