Ngày đăng: 07/06/2023 10:31
Lượt xem: 4805
Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

Giáo dục trong gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của trẻ. Người mẹ là người gần gũi nhất, có mối liên hệ gắn kết nhất với trẻ sẽ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời con. Cách giáo dục quá nuông chiều con hay quá nghiêm khắc đều để lại những chấn thương trong nhân cách trẻ. Vậy làm thế nào để có thể trở thành một người mẹ tốt, một người thầy tốt. Câu trả lời sẽ có trong cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” của tác giả Doãn Kiến Lợi. Sách do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2019, dày 596 trang, khổ 24cm.

Tác giả là một chuyên gia giáo dục người Trung Quốc. Bà có nhiều năm làm công tác giảng dạy, tư vấn và nghiên cứu về giáo dục gia đình. Vì thế, bà hiểu rất rõ những hoạt động giáo dục trong nhà trường, đồng thời cũng nghiên cứu rất kỹ về giáo dục gia đình. Bà cũng là mẹ của một cô con gái tên là Viên Viên. Dưới sự giáo dục của Bà, Viên Viên từ nhỏ đã rất thông minh, hiểu chuyện, được mọi người yêu mến. Khi trưởng thành, Viên Viên  luôn xuất sắc về mọi mặt, trong học tập, đạo đức và cả lối sống. Có thể nói Doãn Kiến Lợi vừa là một người mẹt tốt vừa là một người thầy tốt. Cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” từ khi ra đời đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất Trung Quốc. Cuốn sách không hề phủ nhận vai trò giáo dục trong nhà trường mà chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục trong gia đình. Đây là cuốn sách dũng cảm, có tư tưởng đầy trí tuệ, là cuốn sách giáo khoa về giáo dục gia đình hiếm có, dám nhìn thẳng vào vấn đề giáo dục, đào sâu suy nghĩ, có quan niệm giáo dục độc đáo, có trí tuệ giáo dục và quan trọng hơn cả là tràn đầy tình yêu thương. Sách không chỉ dành cho những người làm mẹ mà còn dành cho các thầy cô giáo, và cho cả những người quan tâm đến giáo dục gia đình.

Nội dung cuốn sách được chia thành 7 chương, tương ứng với đó là những chủ đề về giáo dục con trẻ như bồi dưỡng tư tưởng, phẩm chất đạo đức hay bồi dưỡng trí tuệ năng lực học tập.

Chương 1: Làm thế nào để nâng cao chất lượng trong tình yêu

Chương 2: Biến học tập thành chuyện nhẹ nhàng

Chương 3: Giáo dục phẩm chất đạo đức cần thiết cho cả cuộc đời

Chương 4: Tạo thói quen học tập tốt

Chương 5: Vốn trí tuệ cần phải có ở những người làm bố mẹ

Chương 6: Chuyện nhỏ chính là chuyện lớn

Chương 7: Hãy thoát ra khỏi những ngộ nhận trong giáo dục

Bảy chương trong cuốn sách chủ yếu tập trung vào ba vấn đề: Bồi dưỡng thói quen, giáo dục phẩm chất và phương pháp học tập. Tác giả chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình nuôi dạy con gái. Những kinh nghiệm này rất thích hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Cuốn sách vừa có lý luận vừa liên hệ với thực tế, dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tiễn.

Tác giả nhấn mạnh chuyện bố mẹ cần thấu hiểu con và đừng bao giờ nghĩ trẻ nhỏ không biết gì. Ví dụ như tác giả luôn giải thích cho con gái Viên Viên về cảm giác đau khi phải tiêm, vì sao phải tiêm, thay vì đánh lừa hoặc nói dối con gái rằng tiêm không đau. Bà cũng cực lực phản đối kiểu giáo dục đổ lỗi và trả thù. Điều này rất nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam mắc phải ví dụ như: Khi trẻ em vui chơi bất cẩn va vào đồ vật nào đó hay sẩy chân ngã, các bậc cha mẹ thường chạy tới dỗ dành con và “đánh chừa” những vật mà con vừa va vào hay mặt đất nơi ngã xuống. Từ góc độ lý luận bà cho rằng cách làm như vậy sẽ khiến trẻ có thói quen đổ lỗi và trả thù. Trong trường hợp đó thay vì “đánh chừa”, bà đã “xoa chỗ đau” của chiếc ghế mà con gái Viên Viên va vào đồng thời giải thích cho con lần sau phải cẩn thận hơn. Trong con mắt của trẻ thơ thì mọi đồ vật hay con người cũng đều như nhau, việc “xoa chỗ đau” của chiếc ghế sẽ khiến cho con thấu hiểu nỗi đau của người khác, trong mọi sự va chạm thì cả hai đều bị đau chứ không phải riêng mình.

Trong cuốn sách Doãn Kiến Lợi đã cho người đọc thấy cách thức bà hướng dẫn con học theo quan điểm mở rộng và hiện đại. Theo đó việc học có thể diễn ra ở bất cứ đâu, ngoài phố, trên tàu xe, ở nhà ông bà…Việc học không đơn giản là chỉ ngồi vào bàn giải bài tập, đọc sách giáo khoa, nghe giảng và ghi chép. Nó còn là các hoạt động quan sát, trải nghiệm cuộc sống, suy nghĩ và thể hiện suy nghĩ bằng ngôn từ của bản thân. Bà khẳng định tác dụng to lớn của việc đọc sách đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em và chứng minh rằng điều này không hề mâu thuẫn với thành tích học tập ở trường như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ. Việc học tập phải được tiến hành thông qua đọc sách, bà dành khá nhiều trang trong cuốn sách để nói về việc đọc sách và chia sẻ về trải nghiệm đọc sách thực tế của bà và Viên Viên. Bà cũng chỉ ra cho bạn đọc thấy tác hại của việc trẻ em không đọc sách gì ngoài sách giáo khoa: “Người không đọc sách là người mông muội, một gia đình không đọc sách là một gia đình vô vị, một dân tộc không đọc sách là một dân tộc nông cạn”

Phần cuối sách còn có phụ lục từng trang rõ ràng cho từng vấn đề, giúp cha mẹ có thể dễ dàng tra lại khi cần đọc lại một vấn đề gì đó. Ngoài ra ở mỗi phần nội dung đều có phần tổng kết ở cuối cùng giúp cha mẹ dễ dàng ghi nhớ được nội dung chính của vấn đề.

Sách đưa ra những nguyên tắc giáo dục gia đình hoàn toàn mới mẻ, giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình trưởng thành của trẻ. Đưa ra nhiều cách đơn giản mà hữu dụng, lý luận và thực tiễn kết hợp hoàn hảo với nhau, giúp các bậc phụ huynh có thể áp dụng và đem lại hiệu quả ngay lập tức. Sách chỉ cho các bậc cha mẹ cách để giúp con yêu thích sự học, nâng cao thành tích, dạy trẻ làm người, luôn tự lập, tự cường, sống có trách nhiệm.

Cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” rất xứng đáng để các bậc phụ huynh Việt Nam tìm đọc vì những vấn đề mà nó nêu ra cũng như những thông tin cụ thể mà nó cung cấp. Cha mẹ có thể áp dụng phương pháp giáo dục trong sách vào việc giáo dục con cái mình giúp chúng trở thành con ngoan, trò giỏi và những công dân có ích cho xã hội. Sách hiện đang có tại phòng Luân chuyển của Thư viện tỉnh phục vụ tại các cơ sở xã/phường. Mời các bạn tìm đọc!

Nguyễn Thị Hồng Nhung.