Ngày đăng: 16/06/2023 09:46
Lượt xem: 12595
Đọc sách – Con đường đi đến thành công

          Nói đến văn hóa đọc là người ta nói đến vai trò của sách. Sách báo là kho tàng tri thức nhân loại, giữ vai trò to lớn trong sự phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, nhân loại đang được thừa hưởng những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, nhiều loại hình thông tin ra đời đem lại nhiều tiện ích cho con người như báo điện tử, báo hình,… Tuy nhiên, sách báo vẫn là kênh thông tin không thể thay thế.

          Sách báo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Sách báo góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân.

          Nhờ có sách mà con người trên toàn thế giới đều có thể biết được lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và quá trình phát triển của các dân tộc, các quốc gia khác nhau từ cổ đại, cận đại cho tới ngày nay. Không có trường lớp, Viện nghiên cứu nào dạy cho chúng ta có đầy đủ kiến thức mọi ngành nghề. Trái lại, mỗi người phải tự hoàn thiện tri thức thông qua sách. Bác Hồ đã dạy: “Học ở trường, học trong sách vở, học ở nhân dân”.

          Một số người tuy học vị không cao nhưng nhờ học qua sách mà trở thành học giả danh tiếng như cụ Đào Duy Anh. Cụ mới học xong tú tài(tương đương lớp 12 ngày nay). Cụ học tiếng Pháp và tự học thêm chữ Hán. Các công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, văn học, dịch thuật từ tiếng Pháp, chữ Hán, chữ Nôm của cụ tới nay vẫn là mẫu mực về nghề viết sách, soạn sách và dịch thuật. Đặc biệt các cuốn từ điển Hán – Việt, Pháp – Việt do cụ biên soạn đến nay vẫn là loại từ điển tốt nhất, vừa phong phú về chủng loại, vừa dễ hiểu về cách diễn dịch, diễn giải. Hay đó là cố giáo sư Tạ Quang Bửu. Bằng cấp chính thức của ông là cử nhân trường Đại học Khoa học Pháp. Nhưng nhờ cố gắng học tập qua sách vở nên giáo sư có kiến thức đa ngành. Giáo sư là điển hình trong các ngành khoa học và kỹ thuật, về khoa học cơ bản như: toán, lí, hóa,… Về kỹ thuật như: điện, luyện kim, chế tạo máy… Ngành nào giáo sư cũng cập nhật được đến trình độ tiên tiến của thế giới, đủ sức lãnh đạo và hướng dẫn cho nhiều chuyên ngành khác nhau. Đến thời đại ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ nhờ chăm đọc sách đã bước lên đỉnh vinh quang như các quán quân đường lên đỉnh Olympia. Điển hình là quán quân đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6 - Lê Vũ Hoàng, cựu học sinh trường THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình. Hoàng là trường hợp đặc biệt trong các quán quân đường lên đỉnh Olympia. Khi tham gia chương trình, mẹ của Hoàng liên tục ốm đau, hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn nên không đủ điều kiện chữa trị. Trong một phóng sự ngắn, đài truyền hình VTV đã quay lại khung cảnh nhà Hoàng khiến khán giả xem xong đều xúc động: Một mái nhà tranh đơn sơ không che nổi cái mưa, cái nắng khắc nghiệt của miền Trung, một căn phòng nền đất chật trội ko đủ chỗ kê một cái bàn cho em học, thậm chí một quyển sách học cũng không có. Ai cũng đặt  câu hỏi: Từ đâu Hoàng lại có một lượng kiến thức khổng lồ như vậy? Đó là do Hoàng chăm chỉ đọc sách. Mỗi khi rảnh rỗi đến nhà bạn chơi, Hoàng đều tranh thủ đọc sách và mượn sách về nhà đọc. Đọc nữa, đọc mãi, Hoàng đọc đủ mọi loại sách. Hoàng quyết tâm cố gắng giành chiến thắng từng vòng thi, và leo lên ngôi vị Quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 6. Học bổng 35.000 USD đã giúp em sang Úc du học tại ngôi trường Đại học Kỹ thuật Swinburne và hoàn thành tới bậc tiến sĩ. Hiện nay, Vũ Hoàng là giám đốc công nghệ của VIoT. đình đám.

          Cả ba gương điển hình trên đều thành đạt dựa vào tinh thần bền bỉ tự học thông qua sách. Trong nước và trên thế giới, ở mọi thời đại còn nhiều tấm gương như thế. Những tấm gương đó chính là minh chứng sinh động cho giá trị của sách, cho vai trò của văn hóa đọc. Sách luôn là phương tiện nâng cao dân trí vô cùng quan trọng.

Lê Thiết Mây