Ngày đăng: 04/08/2023 10:50
Lượt xem: 4599
Người giữ lửa cho Thư viện - Xã Cao đại huyện Vĩnh Tường

ảnh: Chị Nguyễn Thị Việt Hà, thủ thư Thư viện xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường

 

Trong dịp luân chuyển sách về Thư viện xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tôi có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thị Việt Hà, thủ thư - người nhiệt huyết “giữ lửa thư viện” từ năm 1999 đến nay.

Thư viện xã, nơi chị gắn bó làm việc nằm trong thiết chế nhà văn hóa được thiết kế quy mô, riêng phòng đọc sách thư viện được bố trí khoảng 40m2 là nơi đặt bàn ghế, giá, tủ,..với  trên 3.000 bản sách, tài liệu; gồm nhiều môn loại tri thức như chính trị, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, sách tham khảo học tập,…Hàng tuần thư viện mở cửa vào các ngày thứ 2, 4, 6 để đón tiếp bạn đọc là cán bộ, giáo viên, bà con nông dân, các em học sinh tới đọc sách nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, để đáp ứng yêu cầu học tập, lao động và sản xuất.

Qua trao đổi về hoạt động thư viện, chị tâm sự: ngoài phục vụ vốn sách có trong thư viện (gần 2.000 bản); hàng năm, để có nguồn sách mới kịp thời phục vụ bạn đọc, thư viện xã còn đặt vấn đề  nhận luân chuyển lâu dài hàng 1.000 bản sách và định kỳ tiếp nhận từ 01-02 đợt sách luân chuyển của Thư viện tỉnh. Nhờ có nguồn sách mới định kỳ, nên thư viện luôn có bạn đọc đến sử dụng; và cũng từ việc đọc sách thường xuyên, nhiều hộ gia đình đã biết phát triển mô hình sản xuất, kinh tế, kinh doanh dịch vụ, các em học sinh thi đỗ nhiều trường đại học,...Theo chị, trong những năm gần đây, thư viện cũng đứng trước khó khăn khi đồng loạt các kênh truyền thông, văn hóa, giải trí, mạng internet phát triển dẫn đến thói quen đọc sách của người dân bị mai một đi rất nhiều, đặc biệt là trong giới trẻ. Song, từ thực tế quan sát, việc đọc sách truyền thống luôn có tính tiện ích, sách có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi; hơn nữa sách in truyền thống là kênh thông tin đáng tin cậy nhất, bởi trước khi phát hành, sách đã được nhà xuất bản kiểm duyệt. Qua thực tế, chị luôn tin rằng: văn hóa đọc sẽ không thể mất đi, bởi không có gì có thể thay thế được sách; hơn nữa không có cách tiếp nhận tri thức nào có thể lâu bền, giàu cảm xúc như việc đọc sách.

Đề cập về kế hoạch phục vụ sách trong tương lai, chị ấp ủ: sau khi các nhà văn hóa ở trong thôn làng được đầu tư hạ tầng, thiết chế hoàn thiện, chị sẽ tổ chức thực hiện luân chuyển sách từ thư viện xã về tủ sách thôn làng, để tiện cho việc sử dụng sách báo của bà con nông dân hơn; đồng thời chị cũng suy nghĩ, về lâu dài nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng các thư viện, tủ sách trong nhà văn cộng đồng là điều rất cần thiết, nhất là khi Luật thư viện đã đi vào cuộc sống; và quá trình xây dựng các làng xã văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn như hiện nay.

Chia tay với chị, tôi thấy sự đồng cảm nghề nghiệp, tâm phục trước tình yêu sách và lòng nhiệt huyết “giữ lửa thư viện” của chị - người “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”; dù cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng không vì thế chị nản lòng với công việc thư viện mà chị đã thầm lặng gắn bó hơn 20 năm qua, dù mỗi tháng chỉ nhận được phần hỗ trợ lương ít ỏi bằng 0,6% mức lương cơ sở; khi mà mỗi nhà, người người đang chạy đua làm kinh tế gia đình.

Hy vọng trong tương lai không xa, hệ thống thư viện cơ sở sẽ có nhiều tấm gương thủ thư như chị; khi đó thư viện cơ sở sẽ có bước phát triển, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương./.

                                                                                     Nguyễn Anh Ngọc