Ngày đăng: 17/10/2024 10:35
Lượt xem: 41075
Tư liệu & ý nghĩa hương ước các làng, xã ở Phúc Yên thời kỳ trước năm 1945

          Nhận thức trước các giá trị văn hoá (vật thể, phi vật thể) phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong hơn thập niên qua, Thư viện tỉnh đã chú trọng đến công tác nghiên cứu, bổ sung và sưu tầm tư liệu địa chí đề cập về lịch sử, vùng đất, văn hoá, con người Vĩnh Phúc xưa và nay.

Hiện nguồn tài liệu địa chí tại Thư viện có trên 16.000 bản; trong đó có các nguồn tài liệu phong phú như: Bản đồ, sơ đồ, thần tích, sắc thần, bản in văn bia chữ Hán Nôm và đặc biệt có hàng trăm bản hương ước các làng, xã thuộc 9 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Trong số những bản Hương ước kể trên, có tới 12 bản Hương ước của 09 làng thuộc Phúc Yên thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám (năm 1945).

Qua khảo cứu danh mục, người viết thực hiện sắp xếp Hương ước ở Phúc Yên theo năm biên soạn; đồng thời chắt lọc, vạch ý nội dung chính đề cập trong quy ước, kết hợp với trích dẫn tư liệu gốc làm minh hoạ giới thiệu nhằm giúp bạn đọc dễ tiếp cận, khái quát tổng quan về một tổ chức xã hội làng, cùng tập quán, nề nếp sinh hoạt, văn hoá, tín ngưỡng,...Hay nói đúng hơn là giúp chúng ta đề cập về một hệ thống văn bản quy phạm ở 09 làng, xã:

  1. Khả Do (1921).
  2. Hiển Lễ (1932, 1933).
  3. Thịnh Kỷ (1933).
  4. Đức Cung (1934, 1942).
  5. Tháp Miếu (1937).
  6. Yên Mỹ (1937, 1942).
  7. Tiền Châu (1942).
  8. Cao Quang (1942)
  9. Xuân Hoà (1942)

Từ những nội dung đề cập trong 12 bản Hương ước của 9 làng, xã trên. Nét chính cũng giống như Hương ước ở các làng, xã vùng đồng bằng Bắc Bộ và địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Hương ước ở các làng, xã thuộc Phúc Yên thời kỳ trước cách mạng tháng Tám là những bản ghi chép các điều lệ quy định đến tổ chức xã hội, mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, giữa thành viên với cộng đồng; và giữa các cộng đồng nhỏ trong làng (phe, giáp, họ,...) với làng. Tuy trong mỗi nội dung Hương ước của các làng, xã có đôi chỗ khác nhau; nhưng tựu chung các nội dung này tập trung chính ở một số điểm; đó là:

- Quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các chức dịch trong làng, xã.

- Quy ước về đón mừng năm mới và tiết xuân thu.

- Quy ước về tế lễ thờ thần thành hoàng làng.

          - Quy ước về chế độ ruộng đất, thuế, khoán, đăng lính.

          - Quy ước về khuyến nông, thuỷ lợi.

- Quy ước về bảo vệ sản xuất, chăn nuôi.

- Quy ước về bảo vệ môi trường.

- Quy ước về việc hiếu, hỷ.

- Quy ước tuổi lên lão (từ 50 tuổi), đăng thượng thọ (từ 70 tuổi trở lên) và quy định mức quà tặng người lên thọ.

- Quy ước về động thổ, người nhập cư, táng ký.

- Qui ước về khuyến khích học tập và hỗ trợ học tập.

- Quy ước về khen thưởng người học hành chăm chỉ, thi cử đỗ đạt.

- Quy ước cứu người bị trộm, cướp. Và lệ phạt kẻ ăn trộm hoặc chứa chấp kẻ gian, đồ lấy trộm.

- Quy ước về phòng và cứu hoả hoạn của dân làng...v.v..

          Ở từng nội dung của bản Hương ước là những Chương, Điều quy định chi tiết, chặt chẽ các mối quan hệ: cá nhân - cộng động - tổ chức xã hội. Qua đó có thể xem Hương ước (quy ước) là một hệ thống văn bản dưới luật nhưng tồn tại song song với luật pháp của Nhà nước xưa mà không đối lập; hai hệ thống văn bản cùng tồn tại, hỗ trợ nhau trong quản lý, tổ chức xã hội. Điều đó cho thấy nội dung trong Hương ước khá chi tiết, cụ thể với từng hoàn cảnh, điều kiện, tập quán, sinh hoạt, trình độ dân trí của dân làng.

Ví như ở thời gian này việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giếng nước của làng cũng được quy định chi tiết “...mỗi năm cứ tuần tháng giêng phải dọn bùn đắp bờ 1 lần, giếng ở ngõ nào thời ngõ ấy phải dọn cho sạch, nếu không dọn thời bản xã sẽ thuê người làm phí tổn bao nhiêu ngõ ấy phải chịu. Nếu bắt được người nào vứt những vật ô uế vào giếng sẽ bị xã phạt ngân 5 hào xung công và bắt người ấy dọn lại” (Hương ước làng Cao Quang).

          Việc quy định tổ chức xã hội, cá nhân trong bảo vệ, tôn tạo đường giao thông cũng được quy định tại điều 3, Chương 8 Hương ước làng Cao Quang “...Mỗi năm cứ ngày mồng 4, mồng 5 tháng giêng; nam bản xã mỗi nhà một người đi sửa đắp lại đường công tư, công trong xã, nếu nhà vắng, bản xã phạt mỗi nhà 1 hào xung công. Còn những chức dịch phải đi kiểm tra mốc giới, cõi của làng xã”.

          Công tác thuỷ lợi phục vụ canh tác nông nghiệp được Hương ước làng Khả Do nêu “Thường năm làng tu bổ các đường khuyến nông và khoi sau các ngòi, lạch chứa nước tưới tiêu ruộng đồng. Mỗi năm cứ tháng 11 hay 12, Hội đồng cho rao mõ thì các chủ ruộng gần ngòi phải khoi đoạn ngòi ấy, cấm không được vứt cỏ bờ ruộng, phạt bờ mà không đắp lại để bờ lở dần đi; ai vi phạm Hương hội phạt 10 hào”

          Bảo vệ sản xuất, canh tác của dân làng được Hương ước làng Khả Do ghi “Lúa mạ, hoa màu ngoài đồng tuần phiên phải canh giữ cho cẩn thận mất đâu tuần phải chịu nguyên giá mà đền”.

An ninh, trật tự xã hội thời gian này được quy định khá cụ thể và những biện pháp chế tài đối với mọi người dân trong làng “Nghiêm cấm cờ, bạc, rượu, thuốc phiện lậu và trộm cướp. Những kẻ trộm cướp, dính líu, tiêu thụ đồ gian thì lý dịch bắt giải quan trên trị tội. Lỗi nhẹ vi phạm khoản ước như trộm bắp ngô, củ khoai thì phải phạt 1 hào, nếu thủ phạm là đàn ông thì còn bị cấm không được dự đình trong vòng 1 năm” (Hương ước làng Xuân Hoà).

Tín ngưỡng thờ thần linh của dân làng Hiển Lễ được qui định riêng tại điều 15 “...hàng năm cứ ngày 30 tháng giêng là ngày giỗ đức Thánh sư daỵ nghề làm nồi; 4 ngõ tuỳ tâm lớn nhỏ làm lễ cúng, lễ xong mang về thừa huệ...”. Điều này thể hiện rõ lòng sùng kính 3 vị Tổ nghề (Hà Tân, La Lang Lương Thị, Đức Thánh Trường Sinh) đã có công dạy dân làng biết chuốt nặn nồi đất. Xưa kia sản phẩm nồi Hiển Lễ nổi tiếng trong vùng, nhưng trải qua thời gian, nay nghề này đã mai một.

Chính sách quan tâm tới người cao tuổi được thể hiện khá rõ trong Hương ước làng Xuân Hoà, điều 71 về tổ chức lên thọ và mừng thọ “Hạ thọ 50 tuổi, trung thọ 60 tuổi dân làng mừng 1 câu đối (đáng giá 3 đồng) và 1 bánh pháo; còn trường thọ từ 70 tuổi đến 80 tuổi, dân làng mừng 1 câu đối, bánh pháo và kèm 1 gậy trúc, mũ ni (đáng giá 3 đồng). Từ 90 tuổi, dân làng kính tặng mũ ni, gậy trúc và tặng thêm 1 bức hoành phi thiếp vàng 3 chữ Đắc Kỳ Thọ và đề ghi lạc khoản đồng dân làng Trang Hạ, nếu muốn mời dân giúp việc tế thọ cũng được”.

Giáo dục và Khuyến khích con em trong làng đi học cũng được coi trọng bằng một điều khoản 13 “Trẻ con lên 8 tuổi trở lên phải đi học, ai có con đi học mà nhà nghèo thì dân cấp đỡ tiền học đến 18 tuổi; nếu còn theo học thì dân trừ phúc tráng và không phải làm tuần phiên”. (Hương ước làng Hiển Lễ - 1932).

Bên cạnh việc khuyến học, quy chế khen thưởng trong thi cử đỗ đạt cũng được làng Cao Quang quy định tại điều 12 “Người học trò nào trong xã mà thi được bằng sơ học hoặc tuyển sinh khoá sinh hoặc trung khảo trở lên thì bản xã miễn trừ cho các hạng lao dịch”; hay “người trong xã thi đỗ tam trường về dân yết kiến thần, thì dân làng làm lễ mừng người ấy 2 đồng bạc; đỗ tú tài dân mừng 5 đồng bạc; đỗ cử nhân dân mừng 10 đồng bạc; đỗ thủ khoa dân mừng 15 đồng bạc; đỗ phó bảng, tiến sỹ dân mừng 30 đồng bạc. Tiền mừng lấy của công dân hay bổ về thủ gia”.

Điều đặc biệt hơn trong các bản Hương ước, lại nằm ở điều 44 Hương ước làng Xuân Hoà đã đề cập đến vấn đề nâng cao dân trí, văn hoá cho dân làng bằng việc“...mở Thư viện, mua đủ các loại sách và báo chí cho mọi người trong dân ai cũng được vào đọc xem”. Qua nội dung này, có thể thấy Hội đồng biên soạn Hương ước làng Xuân Hoà đã có cái nhìn đầy sự tiến bộ về nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, dân trí cho người dân thông qua văn hoá đọc.

Những điều, khoản trong Hương ước không những cho phép, khuyến khích, chế tài đối với hoạt động của người dân; mà còn quy định rõ cả quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu (lý trưởng) và các thành viên (chức dịch) trong xã “Những việc cai trị trong xã thuộc ở những Hương chức đương thứ có quyền trong cai trị mọi việc làng xã, cứ theo Nghị định Nhà nước mà phải có trách nhiệm thi hành, nếu người Hương chức nào làm không hết bổn phận thì phải chịu trách nhiệm và  phí tổn chứ làng, xã không chịu liên can đến”. (chương 1, Hương ước làng Cao Quang)...v.v..

Như vậy trong xã hội thời xưa, Hương ước có vai trò ổn định trật tự, nếp sống trong làng, sức mạnh của nó một phần dựa vào hình phạt, một phần dựa vào khen thưởng. Song ở một phương diện khác, Hương ước các làng, xã ở Phúc Yên còn phản ánh tâm lý, văn hoá của dân làng về điều hay, lẽ phải, điều dở, điều trái, cái đúng, cái sai; nội dung quy ước vừa uốn người ta vào khuôn phép, vừa động viên người ta hành động, gắn kết dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ; đồng thời điều tiết trách nhiệm, quyền lợi của các thành viên trong làng. Do đó Hương ước có ý nghĩa như một hệ thống văn bản quy phạm (văn bản dưới luật) có tác dụng bổ sung cho luật pháp Nhà nước khi cần xử lý những vấn đề cụ thể nảy sinh từ nếp sinh hoạt đặc thù của dân làng.

          Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực trong Hương ước (ổn định xã hội, nề nếp trong làng, khuyến khích, khen thưởng những việc nên làm và cấm những việc không nên làm đối với những thành viên trong cộng đồng làng) còn tồn tại không ít vấn đề tiêu cực tác động không nhỏ đến đời sống của dân làng và xã hội (như lợi dụng Hương ước để lý trưởng, cường hào áp bức, nhũng nhiễu, kìm hãm sự phát triển của con người - xã hội).

          Tiếp thu những yếu tố tích cực của Hương ước xưa để xây dựng Hương ước -quy ước mới ở các thôn, làng, tổ dân phố ngày nay là việc làm cần thiết nhằm góp phần thiết thực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hiện nay.

                                                                                            Nguyễn Anh Ngọc

 

Nguồn TL kho địa chí: Hương ước Khả Do, Hiển Lễ,Thịnh Kỷ, Đức Cung,Tháp Miếu, Yên Mỹ, Tiền Châu, Cao Quang, Xuân Hoà (thuộc TP Phúc Yên ngày nay).