Trong tháng 12 này, Đất nước kỷ niệm 78 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989).Ba sự kiện lịch sử diễn ra trong cùng một thángđã trở thành những dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trải dài từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.
19/12/1946 - Ngày toàn quốc kháng chiến:
Trước tình thế thực dân Pháp bội ước Hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và Thoả ước 19/4/1945, đưa 10 vạn quân quay trở lại xâm lược nền độc lập-tự do của nhân dân Việt Nam vừa mới giành được. Trước vận nước “ngàn cân treo sợi tóc” ngày 18 và 19/12, Ban chấp hành TW họp Hội nghị mở rộng, quyết định phát động cả nước kháng chiến, và Hội nghị đã vạch ra đường lối kháng chiến chống Pháp lâu dài của dân tộc. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến “Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta một nữa....Chúng ta thề hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ....Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông hay đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp. Hỡi anh em binh sĩ tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn Đất nước...”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên và nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy, đêm 19/12 tiếng súng giết giặc đầu tiên đã nổ tại thủ đô Hà Nội mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; để 9 năm sau: ngày 7/5/1954 quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ-lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; đưa miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH làm hậu phương vững chắc cho cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
22/12/1944 – Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam:
Tháng 5/1941, tại Pắc Bó-Cao Bằng, Bác Hồ đã chủ trì Hội nghị TW Đảng lần 8; tại Hội nghị các đại biểu đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh hội” nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang làm cách mạng. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, một số Đội cứu quốc quân được thành lập. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra ở khắp nơi, nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng đã sẵn sàng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Đảng và Bác Hồ phát động.
Đến tháng 10/1944, trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động; Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Theo Người: “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự” và Người tin tưởng “Đội tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho có những đội đàn em khác. Tuy nhiên lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ nó rất vẻ vang...nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp Đất nước chúng ta”. Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ba thứ quân làm nòng cốt là hình thức tổ chức thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Trong giáo dục chính trị Người thường xuyên nhắc nhở: phải nhớ rằng nhân dân là chủ; dân như nước, quân như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân mà có, nhân dân là nền tảng của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập; Đảng và Bác Hồ giao cho đồng chí Võ Nguyễn Giáp tổ chức và lãnh đạo. Lúc đầu Đội Tuyên truyền giải phóng quân chỉ có 34 chiến sỹ với 34 cây súng được chia thành 03 tiểu đội, và có 01 Chi bộ Đảng. Chỉ sau 3 tuần Đội Tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc để chống địch.
Trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, ĐộiViệt Nam tuyên truyền giải phóng quân có vai trò nòng cốt quan trọng góp phần to lớn cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc cách mạng tháng Tám thành công; ngày khai sinh Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945, quân đội ta mang tên Vệ quốc đoàn đánh dấu thời kỳ hình thành của Quân đội Việt Nam; trong kháng chiến chống Pháp với trận chiến thắng Điện Biên Phủ-chấn động khắp năm châu đã khẳng định thời kỳ trưởng thành của lực lượng, xứng danh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện vai trò sứ mệnh của Đảng-Bác Hồ, cùng toàn dân tộc đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ chế độ nguỵ quyền tay sai, giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975, thống nhất Tổ quốc.
Ngày 22/12 hàng năm - Ngày quốc phòng toàn dân:
Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, và xác định nền quốc phòng toàn dân là một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng dân tộc. Người cho rằng: căn cứ hậu phương vững chắc nhất là xây dựng thế trận lòng dân. Để xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, theo Hồ Chí Minh, phải dựa vào thực lực cách mạng của cả nông thôn và thành thị, đồng thời người cũng chủ trương phát huy đến mức cao nhất những điều kiện của thời đại đem lại. Đó là tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện tư tưởng của Người, ngày 17/10/1989, Ban bí thư TW Đảng (khoá VI) đã quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 hàng năm là ngày Quốc phòng toàn dân; và Đảng xác định đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam và phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tự lực tự cường và ngày càng hiện đại; một nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân nằm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong thực tiễn đã chứng tỏ rằng, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam; song sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân đã được tăng cường một cách toàn diện; điều đó khẳng định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng sức mạnh quân sự của các lực lượng vũ trang, mà còn nằm ở sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, kết hợp với sức mạnh an ninh nhân dân với sức mạnh của nền kinh tế, văn hóa, xã hội.
Kỷ niệm78 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân Việt Nam. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Có được thành tựu như ngày hôm nay, thật tự hào là chúng ta đã có được Tư tưởng Hồ Chí Minh, một tư tưởng lớn chỉ đạo, một kim chỉ nam dẫn đường chỉ lối cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.
Nguyễn Anh Ngọc