Ngày đăng: 17/01/2025 09:20
Lượt xem: 1523
Hạt gạo hạt vàng

A poster of a bowl of rice and a yellow cornDescription automatically generated

Cây lúa đã đi cùng loài người từ thủa bình minh của nông nghiệp, trở thành một phần thiết yếu trong đời sống văn hóa, lịch sử. Từ cuộc sống ấm no với hạt gạo dẻo thơm, con người đã xây dựng nên những nền văn minh rực rỡ. Gạo có vị trí trung tâm trên mâm cơm gia đình, trở thành dấu ấn trong tâm hồn những người con của các quốc gia trồng lúa.

Các bạn cùng theo dõi hành trình chinh phục thế giới đầy ly kỳ và hấp dẫn của những hạt gạo tưởng chừng như bé nhỏ, mộc mạc và thân thuộc ấy thông qua cuốn sách “Hạt gạo hạt vàng”. Đây là cuốn sách nằm trong “Tủ sách Ẩm thực chinh phục thế giới” của Wings Books do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2023. Sách do 3 tác giả Nguyễn Ánh, Uyển Nhi và Hanh Dung đồng thực hiện.

Nội dung cuốn sách được chia thành 6 chương, như sau:

Chương 1: Hành trình của gạo;

Chương 2: Bức tranh lúa gạo ở Châu Phi và Trung Đông;

Chương 3: Châu Mĩ “Làm giàu” nền ẩm thực với lúa gạo;

Chương 4: Những chuyện chưa kể về gạo ở Châu Âu;

Chương 5: Châu Á – Từ văn minh lúa nước đến vựa lúa toàn cầu;

Chương 6: Gạo trong văn hóa Việt Nam.

Trong mỗi chương, tác giả chia thành những đề mục nhỏ giúp bạn đọc dễ dàng đọc hiểu và không gây nhàm chán. Bạn đọc sẽ được theo dấu hạt gạo qua nhiều quốc gia trên khắp mọi châu lục trên thế giới, từ Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Âu đến Châu Á và Việt Nam. Bạn hãy lật mở từng trang sách để bắt đầu hành trình này nhé!

Lật mở những trang đầu tiên là chương 1 “ Hành trình của gạo”, bạn sẽ được ngược dòng quá khứ trở lại thời điểm 8.000-9.000 năm trước, khi những hạt lúa đầu tiên rơi vào tay con người và thay đổi nền văn minh mãi mãi. Bạn được theo chân những người cổ đại sống trong các lán trại dọc bờ sông ở Châu Á, khi  họ tìm thấy một nhúm hạt nhỏ từ đám cỏ dại mọc ở khoảnh đất ngập nước. Những hạt này có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với hạt lúa thời nay. Họ đã phát hiện ra loại hạt này không chỉ giúp no bụng mà còn có vị thơm ngon. Từ đó, họ tự gieo trồng và tạo ra nguồn cung cấp lương thực lâu dài.

Với khả năng thích nghi và sức sống kỳ diệu, cây lúa được mang đi khắp nơi trên thế giới, thậm chí là ở sa mạc Ả Rập Saudi hay vùng đồng bằng ngập nước Đông Nam Á. Dấu vết của lúa bao phủ rộng khắp, từ vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ dọc sông Hằng, sông Dương Tử, sông Mê Kông hay đồng bằng sông Niger cho đến vùng Địa Trung Hải.

Với hành trình lịch sử và độ bao phủ của lúa gạo trên khắp các châu lục thế giới, lúa đã thay đổi nền văn minh nhân loại như thế nào? Lúa gạo được trồng và sản xuất phục vụ cho đời sống con người trên khắp các châu lục ra sao? Lúa gạo là niềm tự hào của những quốc gia nào? Tại sao lúa gạo trở thành nguồn cảm hứng văn hóa, nghệ thuật? ... Tất cả những câu hỏi trên sẽ được trả lời tại chương 1, từ trang 5 đến trang 26 với nhiều điều bất ngờ và thú vị. Bạn hãy tự mình khám phá nhé!

Lật mở những trang tiếp theo, bạn đến với chương 2 “Bức tranh lúa gạo ở Châu Phi và Trung Đông”. Tại đây, chúng ta sẽ được ngắm toàn cảnh bức tranh lúa gạo đa màu sắc ở Châu Phi và Trung Đông.  Bạn thấy rằng: Gạo là lương thực chính ở nhiều quốc gia Châu Phi và Trung Đông. Nigeria  là khu vực sử dụng gạo hàng đầu lục địa đen. Mali là nước sản xuất gạo thứ hai ở Tây Phi, sau Nigeria. Lúa gạo là cây trồng chiến lược ở Mali, tạo ra việc làm và thu nhập cho đa số người dân nơi đây. Tuy nhiên, tại đây cung không đủ cầu vì đất đai khô cằn, sa mạc khiến việc trồng lúa gạo trở nên khó khăn. Khắc phục tình trạng thời tiết khắc nghiệt và hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy và cải thiện tình hình sản xuất lúa gạo ở Châu Phi được áp dụng, trong đó có sáng kiến “Thung lũng thông minh”. Nhờ sáng kiến này mà đất canh tác của ruộng lúa tăng khả năng giữ nước, ít thất thoát phân bón, tăng năng suất lúa. Sáng kiến này như thế nào? Bạn mở trang 30-31 để tìm hiểu chi tiết nhé!

Bạn có biết “cánh đồng lúa trên biển” ở đâu ko? Mời bạn đến đất nước Madagascar, là quốc đảo ở phía Đông Châu Phi để thăm “cánh đồng lúa trên biển” trù phú. Trang 35-36 của cuốn sách sẽ giúp bạn đi đến đất nước Madagascar xinh đẹp này nhé!

Rời Châu Phi và Trung Đông, chúng ta cùng đến với Châu Mỹ tại Chương 3 “Châu Mỹ làm giàu nền ẩm thực với lúa gạo”.  Bạn thấy rằng: Lúa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, Brazil, đồng thời là vùng lương thực chính ở Trung và Nam Mĩ. Mỗi địa phương có tập quán canh tác khác nhau tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên. Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất ngoài Châu Á, luôn nằm  trong top 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Brazil là đất nước có vựa lúa lớn nhất Mỹ La Tinh. Lúa cũng là cây trồng chủ lực trong ngành nông nghiệp của Colombia… Bên cạnh đó, ẩm thực từ gạo ở các nước Châu Mỹ cũng vô cùng đa dạng, mời bạn thưởng thức một số món ăn ở nơi đây, như: Món tacu tacu của Peru được chế biến từ gạo kết hợp với đậu, gia vị và hành tây. Các nguyên liệu được đảo và ép trên chảo, hòa quyện thành khối dày thống nhất, ăn kèm với trứng rán, thịt bò, hải sản, heo, gà hay ăn chay với chuối chiên…; Arroz con camarones là món cơm phổ biến khắp châu Mỹ la tinh. Gạo được nấu trong nước luộc tôm kết hợp với ớt, cà chua, hành tây…; Người Colombia phi dầu với tỏi khi nấu cơm trắng. Ngoài ra gạo còn vô số cách chế biến với hương vị và nguyên liệu phong phú mang đến những món ăn vô cùng hấp dẫn.

Tiếp theo, bạn sẽ được đến châu Âu qua Chương 4 “ Những chuyện chưa kể về gạo ở Châu Âu”. Tại đây, bạn được nghe những câu chuyện như: Gạo được đưa đến Châu Âu như thế nào?  Cách canh tác và trồng lúa ở Châu Âu ra sao? Cơm trong ẩm thực Châu Âu có gì đặc biệt?...

Bạn được biết có 2 con đường đưa gạo đến Châu Âu: Con đường thứ nhất là theo bước chân hành quân của Alexander Đại Đế vào khoảng thế kỷ thứ IV. Lúc này, lúa gạo được xem là loại thực vật kỳ lạ, không dùng trong thực phẩm và chủ yếu dùng trong y học. Con đường thứ hai là theo các tàu buôn ngưởi Ả Rập vào Địa Trung Hải khoảng thế kỷ thứ VIII. Lúc này nó đã được nhìn nhận là một loại thực phẩm quan trọng ở Châu Âu. Mãi đến thế kỷ XV, cùng với việc gia tăng dân số nhanh chóng người ta mới thừa nhận vai trò quan trọng của lúa gạo trong việc giải quyết nạn đói kém. Bởi so với lúa mì, gạo cho năng suất cao hơn trên cùng một diện tích trồng trọt.

Ý và Tây Ban Nha là hai quốc gia trồng lúa lớn nhất Châu Âu, nơi có những dòng sông và thung lũng trù phú. Ngày nay, lúa gạo trở thành một trong những cây lương thực chính ở Tây Ban Nha. Việc trồng lúa đã được cơ giới hóa, thậm chí lúa còn được gieo bằng máy bay.

Cũng tại chương 4, bạn sẽ được thưởng thức “Cơm trong ẩm thực Châu Âu” với các món ăn làm được làm từ gạo như: Bánh start gạo có mặt trong hầu hết tiệm bánh ở Bỉ; Paella cơm rang thập cẩm, tinh hoa ẩm thực Tây Ban Nha; Cơm risotto món cơm béo ngậy ra đời từ nước Ý; Cháo gạo sữa - món ăn lễ hội vùng Scandinavia…

Cuối cùng, chúng ta cùng dừng chân ở Châu Á và Việt Nam qua chương Chương 5 “Châu Á - Từ văn minh lúa nước đến vựa lúa toàn cầu” và chương 6 “Gạo trong văn hóa Việt Nam”.

Có thể nói, trải suốt 14.000 năm lịch sử, kể từ khi cây lúa đầu tiên được thuần hóa trên lục địa Châu Á, đến nay gạo đã trở thành một trong những loại lương thực được ưa chuộng nhất thế giới.  Có một sự thú vị là các bằng chứng khảo cổ cho thấy con người thuần hóa cây lúa đầu tiên ở Trung Quốc nhưng các nhà khoa học Nhật Bản mới chính là người đặt tên khoa học cho các giống lúa chính ở Châu Á. Những cuộc cách mạng nông nghiệp đưa Ấn Độ lên ngôi đầu bảng về sản xuất lúa gạo. Từ năm 2015, Ấn Độ luôn là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tại Thái Lan, gạo là quốc sách, gạo của Thái Lan được vinh danh ngon nhất thế giới…

Đối với Việt Nam chúng ta, lúa gạo là lương thực, là kinh tế của người Việt Nam hàng ngàn năm qua. Đồng bằng sông Hồng, khởi nguồn của cây lúa Việt. Sự tồn tại của lúa gạo trong đời sống người Việt cổ thể hiện rõ nét nhất trên di vật trống đồng Đông Sơn, niên đại khoảng thế kỷ V TCN đến thế kỷ I- II SCN.

Người Việt ăn gạo từ nhiều nghìn năm trước, hạt gạo thơm mềm trong bát cháo ngày bé thơ và gắn bó suốt cuộc đời. Hạt gạo trong văn hóa ẩm thực Việt vô cùng phong phú và đa dạng. Trải khắp 3 miền đất nước là vô số món ăn được biến tấu từ hạt gạo:  Cơm (muôn kiểu nấu cơm: cơm lam Tây Bắc, cơm gà Hội An, cơm Tấm Sài Gòn, xôi, cốm..); Các món từ bột gạo: phở, mì, bùn, hủ tiếu…; Các món bánh từ gạo: bánh từ gạo nếp (bánh chưng..), bánh từ bột gạo (bánh đúc, bánh tráng..)… Gạo lên men ta có rượu, mẻ… Hai món bánh truyền thống của người Việt là bánh chưng và bánh giầy, theo truyền thuyết được tạo ra bởi Lang Liêu, con trai vua Hùng dâng lên cho cha…

Gấp cuốn sách lại, chúng ta cũng khép lại hành trình theo dấu hạt gạo đi khắp quốc gia, khắp các châu lục qua mỗi trang sách. Chúng ta thấy rằng, lúa gạo đã để lại những dấu ấn đậm nét trong nền văn hóa, ẩm thực của mọi vùng đất mà nó đi qua. Hạt ngọc trời ấy đã nuôi sống con người suốt bao thế hệ. Qua cuốn sách “Hạt gạo hạt vàng”, chúng ta hiểu thêm nhiều về nguồn gốc cây lúa, thêm yêu hạt gạo quê hương thấm đẫm mồ hôi của những người trồng trọt, ta thêm trân quý những người nông dân làm ra hạt gạo, hạt vàng.

Cuốn sách “Hạt gạo hạt vàng” hiện đang được phục vụ tại phòng Thiếu nhi của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Sách gồm 110 trang, khổ 20,5cm, 3 tác giả Nguyễn Ánh, Uyển Nhi và Hanh Dung đồng thực hiện, nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2023. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc xin trân trong giới thiệu đến bạn đọc!

                            Hải Hà