Ngày đăng: 01/12/2020 16:24
Lượt xem: 33155
Công Tác Bổ Sung Tài Liệu Tại Thư Viện Tỉnh Vĩnh Phúc

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự phát triển đa dạng của sách báo là tiêu chuẩn, là thước đo để đánh giá trình độ phát triển, mặt bằng văn hóa của một quốc gia, một dân tộc. Người từng nói: “Số sách vở nhiều hay ít cũng chứng tỏ trình độ phát triển của một dân tộc thấp hay cao”. Có thể nói, vốn tài liệu của một thư viện là tài sản quý giá, là tiềm lực, là sức mạnh và là niềm tự hào của thư viện ấy. Vốn tài liệu càng phong phú thì khả năng đáp ứng nhu cầu bạn đọc càng lớn và càng có sức thu hút bạn đọc đến với thư viện.

Vốn tài liệu là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành thư viện, nó là nguồn chủ yếu để thoả mãn nhu cầu đọc cho các tầng lớp người trong xã hội, đặc biệt là đối với những người có nhu cầu học tập, nghiên cứu và sản xuất. Nó cũng là bộ sưu tập có hệ thống các tài liệu phù hợp với chức năng, loại  hình và đặc điểm của từng thư viện, nhằm phục vụ cho bạn đọc của các thư viện. Số và chất lượng vốn tài liệu của thư viện tỉnh ảnh hưởng mạnh mẽ tới chất lượng hoạt động của thư viện.

Công tác bổ sung tài liệu là khâu đầu tiên quyết định số lượng, chất lượng vốn tài liệu của thư viện, tạo nên tiềm lực thông tin của thư viện. Nó là một bộ phận quan trọng trong hoạt động thư viện, đảm bảo cho mọi hoạt động của thư viện được vận hành tốt.Công tác bổ sung không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, mà còn là tiêu chí cơ bản trong việc xác định vị thế của thư viện và vai trò của sách báo trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội,… Từ những thập niên đầu của thế kỷ XXI các loại hình tài liệu trong thư viện có những thay đổi mạnh mẽ, phong phú và đa dạng, không chỉ có các xuất bản phẩm truyền thống được in trên giấy mà tài liệu đã được xuất bản dưới dạng điện tử, tài liệu được số hóa, được lưu giữ trong các cơ sở dữ liệu. Thực tiễn đó đòi hỏi công tác bổ sung tài liệu phải có những đổi mới tích cực thì hoạt động thư viện mới đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc.


        Xác định được tầm quan trọng của việc bổ sung vốn tài liệu, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc  đã xây dựng một chế độ bổ sung phù hợp dựa trên thành phần và nhu cầu bạn đọc tại địa phương.

Khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc năm 1997, kho sách chỉ có vài nghìn bản, đội ngũ cán bộ ít, và ít người có trình độ nghiệp vụ Thư viện. Thư viện tỉnh hoạt động trong điều kiện tỉnh mới tái lập, đang còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, trụ sở phải đi nhờ, lực lượng cán bộ còn thiếu và yếu. Nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, trực tiếp là Sở Văn hóa Thông tin, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ thư viện trong toàn tỉnh, mạng lưới thư viện từng bước được xây dựng và phát triển. Với nguồn kinh phí được cấp hàng năm, thư viện tỉnh đã chọn lựa, bổ sung vào kho sách các ấn phẩm có chất lượng, những tài liệu có giá trị, phù hợp với nhu cầu của người đọc. Nguồn bổ sung chính là mua của các công ty phát hành sách, sách các nhà xuất bản tặng biếu, sưu tập tư liệu địa chí và xuất bản phẩm địa phương có giá trị. Số lượng sách báo của Thư viện tỉnh được bổ sung thường xuyên và tăng lên nhanh chóng. Đến nay số sách trong Thư viện tỉnh đã lên đến hơn 203.870 bản tương đương khoảng 61.764 tên tài liệu và hàng trăm tên báo tạp chí các loại.

NĂM

P.ĐỌC

P.MƯỢN

P.T NHI

P.Đ CHÍ

P.LC

KHO LƯU

KHO LĐ

TỔNG CỘNG

2018

30.256

42,638

33,530

16,101

69,204

820

 

192,549

2019

30,683

43,239

34,122

16,101

75,630

736

4,490

205,001

2020

31,149

44,002

35,381

16,154

76,434

750

 

203,870

 

Vốn tài liệu được bổ sung ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Bên cạnh các tài liệu phục vụ bạn đọc có trình độ phổ thông, Thư viện chú trọng bổ sung các tài liệu nghiên cứu phục vụ công tác học tập, nghiên cứu của nhân dân. Các loại sách về các chuyên đề như: Sách khoa học xã hội chiếm 20%; Sách khoa học tự nhiên 15%; Sách khoa học kỹ thuật 10 %; Sách văn học nghệ thuật 25%; Sách thiếu nhi 20%; nguồn sách khác 10%. Ngoài công tác bổ sung thường niên Thư viện còn tăng cường bổ sung tài liệu theo chuyên đề nhằm hướng tới các ngày kỷ niệm, sự kiện nổi bật của địa phương và trên cả nước đặc biệt là những sự kiện tròn năm chẵn như: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản  Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2020). Kỷ niệm 75 năm ngày cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2020) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020),… Nhằm giúp cho bạn đọc của tỉnh nhận thức sâu sắc về bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang, chiến công hiển hách của nhân dân Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra còn bổ sung nhiều tài liệu thuộc các thể loại: chính trị, lịch sử, sách về học tập tư tưởng Hồ Chí Minh; các ngành khoa học và nghiên cứu: kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội,… Công tác bổ sung đảm bảo việc lựa chọn và thu thập tài liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của Thư viện tỉnh, cũng như đáp ứng đúng nhu cầu của bạn đọc. Đây là một trong những nguồn sách, báo, tài liệu lớn và rất quan trọng giúp cho việc xây dựng kho sách của Thư viện tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

         Nhờ vậy số lượng bạn đọc đến Thư viện khai thác, nghiên cứu các loại hình tài liệu ngày càng nhiều, số lượng phục vụ bạn đọc và số sách báo lưu hành năm sau cao hơn năm trước. Thư viện không chỉ phục vụ đối tượng bạn đọc là cán bộ hưu trí, học sinh, giáo viên, nông dân, công nhân..., mà còn phục vụ cho đối tượng là sinh viên ở các trường đại học, cán bộ làm công tác nghiên cứu, công tác Đảng, các cán bộ đang theo học các lớp chính trị từ sơ đến trung cấp....

Công tác bổ sung của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc, phục vụ công tác nghiên cứu và yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Trong quá trình bổ sung, cán bộ làm công tác bổ sung phải tra trùng, đối chiếu và xác định nội dung ấn phẩm trên danh mục cũng như tiếp xúc trực tiếp xác định số lượng bản đã nhập, nhằm nâng cao chất lượng bổ sung, tránh tình trạng lãng phí, mỗi tên sách bổ sung từ 3 - 5 bản.

          Ngoài nguồn bổ sung từ các nhà xuất bản, các nhà sách, các công ty phát hành sách, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc còn chú trọng đến nguồn lưu chiểu. Sách lưu chiểu giữ vai trò khá quan trọng, đặc biệt với công tác địa chí. Bên cạnh đó Thư viện tỉnh còn nhận được sách từ các nguồn: biếu, tặng của các nhà xuất bản, các cơ quan xuất bản. Được sự quan tâm chỉ đạo của Vụ thư viện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Vĩnh Phúc, Thư viện tỉnh đã được phân bổ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa để mua và cấp sách cho các thư viện huyện trong tỉnh, xây dựng kho sách lưu động, thực hiện việc luân chuyển sách xuống cơ sở nhằm khai thác sử dụng tối đa vốn tài liệu, tăng thêm nguồn sách báo phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhân dân và các em thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa dần sự chênh lệch về mức tiếp cận văn hóa giữa người dân nông thôn và thành thị.

Ngoài ra Thư viện tỉnh cũng nhận được một số lượng sách lớn về văn hóa dân gian, trong đó không chỉ tập hợp những bài viết khắc họa nét văn hóa dân gian của các dân tộc trên cả nước mà còn bao gồm cả những tư liệu giới thiệu về phong tục, tập quán, lễ hội của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
          Cùng với việc làm tốt công tác bổ sung bằng các nguồn hiện có trên thị trường, Thư viện tỉnh còn chủ trương thu thập nguồn tài liệu từ các “tủ sách gia đình”, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học… Đây là nguồn tư liệu quí, hiếm. Bổ sung loại hình tài liệu: Luận án, luận văn, báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung nói về địa phương hoặc do người địa phương làm tác giả. Hiện nay nguồn tư liệu này ở Thư viện tỉnh còn hạn chế, việc sưu tầm còn gặp nhiều khó khăn. Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc cũng cần bổ sung tài liệu dưới dạng thông tin điện tử để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

         Trong những năm qua Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ sung vốn tài liệu phù hợp với từng đối tượng bạn đọc vì vậy đã góp phần nâng cao dân trí, xứng đáng là đơn vị lưu trữ tri thức nhân loại của tỉnh nhà.

camhung1.jpgbikip1.jpgGiap.jpg

( Lê Thiết Mây – Thư Viện tỉnh Vĩnh Phúc )