Ngày đăng: 04/08/2022 14:58
Lượt xem: 25623
Tính kỷ luật “Thực nghiệm kẹo Marshmallow”

Nếu đã từng nghe đến khái niệm tính tự kỷ luật, hẳn bạn cũng có biết qua thí nghiệm kẹo Marshmallow nổi tiếng? Hầu như, bất kỳ một cuộc thảo luận nào về ý chí và khả năng tự kiểm soát bản thân cũng đề cập đến thí nghiệm này, vì nó thể hiện rất rõ những ảnh hưởng sâu sắc của tính tự kỷ luật đối với sự trưởng thành và thành công của một con người. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, thực nghiệm được tiến hành bởi nhà tâm lý Walter Mischel nhằm kiểm tra khả năng tự kiểm soát bản thân của học sinh. Và thực nghiệm kẹo Marshmallow được tiến hành như sau:

Các trẻ mầm non được yêu cầu ngồi trong một căn phòng. Nghiên cứu viên phát cho mỗi bạn một viên kẹo Marshmallow. Nhưng trước khi ăn viên kẹo ấy, các em nhỏ được nghe hai lựa chọn rất đơn giản:

- Có thể ăn ngay viên kẹo.

- Hoặc đợi hai mươi phút, khi nghiên cứu viên quay lại thì sẽ được 2 viên kẹo.

Rõ ràng, chờ thêm hai mươi phút và được hai viên kẹo thay vì chỉ một như lúc đầu sẽ là một lựa chọn sáng suốt. Một bài toán đơn giản mà, phải không?

Sau khi nói với những đứa trẻ về hai lựa chọn, nghiên cứu viên bước ra ngoài, bỏ chúng lại trong phòng, song vẫn quan sát qua cửa kính một chiều, xem chúng sẽ phản ứng như thế nào trong tình huống này.

Hẳn là bạn có thể đoán được rồi đấy. Trẻ nhỏ thì luôn thế. Nhiều em nhỏ không thể chờ đợi và ngay lập tức vui vẻ nhai nhồm nhoàm viên kẹo. Nhưng vài bạn khác hành xử lý trí hơn. Chúng tính được rằng: mình sẽ có hai viên kẹo nếu chỉ đợi thêm hai mươi phút. Rồi bèn nghĩ ra cách tập trung vào những thứ khác để làm phân tán sự chú ý của bản thân vào viên kẹo trước mặt, như một cách chống lại sự cám dỗ.

Nhưng thí nghiệm chưa dừng lại ở đây. Các nghiên cứu viên tiếp tục theo dõi những đứa trẻ này trong vài chục năm về sau. Trong một nghiên cứu công bố năm 2011, người ta trở lại nghiên cứu 59 đứa trẻ (nay đã ở tuổi U50) tham gia vào thí nghiệm kẹo Marshmallow ngày trước. Các nghiên cứu viên kiểm tra sức mạnh ý chí của 59 người này bằng một thí nghiệm thường để đo lường khả năng tự kiểm soát ở người trưởng thành. Đáng chú ý rằng, khi so sánh với những đứa trẻ “thất bại” trước viên kẹo, nhóm đối tượng mà ngày xưa chống lại được cám dỗ và trì hoãn nhu cầu hưởng thụ thì có khả năng đạt điểm SAT cao hơn, tập trung hơn, và trong chừng mực nào đó là thành công hơn. Rõ ràng, rèn luyện tính tự kỷ luật từ lúc nhỏ sẽ có ích cho cuộc sống trưởng thành.

St: Bùi Nga