Bộ TTTT vừa nhận được báo cáo từ các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương và 63 địa phương trên cả nước tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.
Sức lan tỏa của Ngày Sách Việt Nam ngày càng phát triển sau 5 năm triển khai.
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL: Sau 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam bên cạnh các hoạt động được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam thì 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc.
Tại Ngày Sách đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa tinh thần của sách, thu hút đông đảo người dân đến tham gia, từ đó tạo ra thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân.
Trong đó phải kể đến như Ngày hội đọc sách tại Gia Lai; Ngày hội “Sách và văn hóa đọc” tại Đồng Tháp; Hội sách Hải Châu - Đà Nẵng; Tuần lễ sách và văn hóa đọc tại Bình Định; Ngày sách Việt Nam tại Quảng Trị; Ngày hội “Sách - Người bạn, người thầy” tại Thư viện Hà Nội; Giao lưu văn hóa “Trang sách đất Cảng” tại Hải Phòng; Ngày hội sách và Văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh; Triển lãm sách - hình ảnh “Non sông thống nhất” tại TP Cần Thơ...
Bên cạnh đó, thông qua Dự án “Xe thư viện đa phương tiện lưu động”, năm 2018, Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ trao tặng 8 xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện (trị giá hơn 8 tỷ đồng) cho 8 thư viện tỉnh; vận động tài trợ để các thư viện có thêm phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử và sách nói phục vụ cho người khiếm thị…
Không chỉ nhận được sự hưởng ứng từ các bộ, ngành trong 5 năm qua các tỉnh thành trong cả nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao văn hóa đọc. Từ năm 2016, Hà Nội có thêm phố sách Xuân trong dịp Tết Nguyên đán.
Phố sách Hà Nội được triển khai xây dựng tại phố 19/12, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, quy tụ 16 đơn vị xuất bản uy tín, không chỉ là địa chỉ giao lưu văn hóa, tọa đàm, giới thiệu sách, phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô mà còn là không gian phục vụ cộng đồng, nơi có thể tổ chức các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật phục vụ công chúng, một điểm đến văn hóa của du khách và nhân dân trên cả nước.
Cuộc thi tìm kiếm Đại sứ Văn hóa đọc do Sở GDĐT, Sở VHTT và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) phối hợp tổ chức trong năm 2016 và năm 2018. Trong 5 năm triển khai Ngày Sách Việt Nam, 95% thư viện các trường học đã tổ chức triển lãm, trưng bày sách với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, 100% thư viện các trường tiểu học mở rộng không gian đọc ngoài thư viện. Thư viện Hà Nội đã tổ chức hoạt động trưng bày sách và viết cảm nhận về sách cho gần 5.000 phạm nhân tại Trại giam Suối Hai (Ba Vì) và Thanh Xuân (Thanh Oai)…
Theo báo cáo một số tỉnh miền núi khó khăn thì Ngày Sách Việt Nam cũng đã được tổ chức tương đối bài bản và tạo nên nhiều tính hiệu tích cực. Đơn cử như tỉnh Hà Tĩnh trong 5 năm qua đã tổ chức 25 cuộc triển lãm, giới thiệu hơn 350 đầu sách với trên 5.000 cuốn sách, bao gồm các loại sách mới, sách chuyên ngành, nghiệp vụ được cấp phát hàng năm trong các đơn vị lực lượng vũ trang thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Bên cạnh đó, Sở GDĐT đã chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình hoạt động trải nghiệm Ngày Sách Việt Nam vào tiết chào cờ hàng tháng theo các chủ đề…
Ông Chu Văn Hòa- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Ngày Sách Việt Nam được triển khai với quy mô ngày càng lớn, nội dung và hình thức các hoạt động ngày càng phong phú. Đặc biệt, một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn lồng ghép việc tổ chức các chương trình hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam với các hoạt động tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, giáo dục về lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc… Bên cạnh đó, công tác tổ chức theo từng năm đã được cải tiến, chú trọng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đó là tiền đề quan trọng để các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng, hướng tới mục tiêu 100% các quận, huyện, thị xã có hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện việc triển khai Ngày Sách Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo kiến nghị của Bộ GDĐT: Để Ngày Sách Việt Nam hoạt động hiệu quả cần có chiến lược truyền thông hiệu quả về Ngày Sách Việt Nam không chỉ trong ngành Xuất bản, thông tin truyền thông mà cần thực hiện trong các bộ, ngành khác trên toàn quốc.
Bộ GDĐT cũng đề nghị Bộ TTTT tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh/thành phố cần chủ động xây dựng nội dung và đưa vào kế hoạch công tác hàng năm nhiệm vụ tổ chức Ngày Sách Việt Nam; bố trí kinh phí phù hợp cho các Sở GDĐT, phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam thật sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.
Hay như về phía các địa phương đa phần đều có các kiến nghị liên quan đến vấn đề kinh phí nhằm đầu tư cơ sở vật chất xây dựng, trùng tu các thư viện huyện, các trạm Bưu điện văn hóa xã, cũng như hỗ trợ kinh phí để tăng cường thêm trang thiết bị, các nguồn sách phục vụ nhu cầu đọc của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn…
Theo đề xuất của Sở TTTT tỉnh Sóc Trăng thì Bộ TTTT thử nghiệm một số đầu sách tuyên truyền theo hình thức sách điện tử để cung cấp nguồn tài liệu đến các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền đến quần chúng nhân dân.
UBND tỉnh Kom Tum cũng đề nghị Bộ TTTT xuất bản sách, tài liệu song ngữ tiếng phổ thông, tiếng dân tộc thiểu số của các địa phương để cung cấp cho các tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới.
Đặc biệt, tỉnh Kom Tum cũng mong Bộ TTTT quan tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là về Ngày Sách Việt Nam, xây dựng chương trình hỗ trợ cơ sở vật chất, các ấn phẩm, xuất bản phẩm tuyên truyền cho các thư viện cấp xã, các đồn biên phòng, trường học khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
Theo daidoanket.vn