Ngày đăng: 17/04/2019 12:10
Lượt xem: 49459
Tạo ra một xã hội trọng thị đọc sách

"Văn hóa đọc phải được đo bằng tinh thần trọng thị sách, trọng thị việc đọc. Đồng thời cả xã hội phải cùng nhau tạo ra những giá trị, chuẩn mực và khích lệ việc đọc của cả cộng đồng"

Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21-4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23-4), Ngày Sách Việt Nam 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 17-4 đến 22/4 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều sự kiện.

Trong đó, có thể kể đến các sự kiện nổi bật như Hội thảo khoa học Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng diễn ra vào ngày 17/4; Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm Ngày Sách Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 18/4, đồng thời cũng ngày này, khai mạc Hội sách tại Công viên Thống nhất, Hà Nội (kéo dài đến 22/4).

Nhân dịp này, chúng tôi tiếp tục có thêm những ý kiến về văn hóa đọc hiện nay. 

Tạo ra một xã hội trọng thị đọc sách

Hội sách tại Công viên Thống nhất (Hà Nội) đã trở thành điểm hẹn của độc giả

Phải công nhận rằng những năm gần đây, nhiều hoạt động nhằm quảng bá và kết nối sách với bạn đọc đã liên tục được tổ chức trên khắp cả nước với quy mô lớn, chất lượng cao. Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiệm cận dần với xu hướng xuất bản thế giới. Cùng với sách in, các nền tảng xuất bản điện tử cũng ra đời. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, hoạt động liên quan đến sách khá đều đặn và tưng bừng với các Hội chợ sách diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống nhất… đã trở thành các thông lệ đến hẹn lại lên hàng năm. Hệ thống nhà sách quy mô lớn phát triển khắp cả nước, trong mỗi một trung tâm thương mại, đều có mặt một hoặc vài nhà sách trưng bày theo xu hướng hiện đại, hấp dẫn… Trong số các đầu sách được xuất bản, sách liên quan đến phong trà o khởi nghiệp cũng là một xu hướng thú vị.

Tuy nhiên, tính đến năm 2019, chúng ta đã đi gần hết chặng đường 10 năm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030. Và Ngày Sách Việt Nam chỉ là một mục trong Đề án này. Một trong những mục tiêu của Đề án là nâng tỉ lệ người đọc sách thường xuyên từ 30% lên đến 65% vào năm 2020. Gần 10 năm trước khi Đề án được triển khai, nghe có vẻ năm 2020 là một cái mốc xa xôi và chúng ta lúc đó lạc quan tin rằng sẽ thực hiện được. Nhưng theo thông tin mới nhất vừa được Cục Xuất bản, In và Phát hành công bố, thì bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được 1 cuốn sách/1 năm (ở Nhật Bản trung bình một năm mỗi người dân đọc hơn 10 cuốn sách, theo số liệu năm 2015 ở Malaysia mỗi người trung bình đọc 14 quyển/năm, người Thái Lan trung bình dành ít nhất 37 phút đọc sách mỗi ngày…). Mặc dù 5 năm qua, kể từ khi có Ngày Sách Việt Nam, toàn quốc có gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản in. Riêng ngành giáo dục đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách cho thư viện các trường. Nghĩa là về mặt số liệu có sự tăng trưởng trong xuất bản, nhưng mục tiêu nâng tỉ lệ người đọc sách thường xuyên vẫn là một con số xa vời.

Những năm gần đây, cụm từ văn hóa đọc gần như bị lạm dụng. Người ta hay đề cập đến khái niệm văn hóa đọc, nhưng không phải lúc nào cũng chỉ ra được những hạn chế trong việc phát triển văn hóa đọc. Trong khi điều chúng ta dễ thấy nhất là việc học đường còn thiếu vắng những tiết đọc sách và không tạo được thói quen cho độc giả từ nhỏ. Hơn nữa, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vấn đề không phải chỉ là mức đọc thấp, mà việc lựa chọn sách đọc của người Việt. Những cuốn sách kinh điển, những cuốn sách có tính chất làm tri thức nền thì chỉ được in khoảng từ 1.000 đến 3.000 bản, trong khi đó những cuốn sách chỉ thuần mang tính giải trí lại được in ấn và phát hành với số lượng từ chục ngàn bản trở lên. Như vậy có thể thấy đa số người Việt không lựa chọn sách như phương tiện tri thức để học hỏi mà chủ yếu để giải trí.

Trong nhiều mục tiêu đặt ra cho ngày sách, ưu tiên nhất vẫn là tìm giải pháp kích thích niềm yêu thích đọc sách của người Việt, đặc biệt giới trẻ. Và chúng ta phải quan niệm rằng đất nước có nền tảng đọc sách hay không không có nghĩa là từng người dân đọc cụ thể một cuốn sách, một tài liệu xuất bản. Có văn hóa đọc hay không phải được đo bằng tinh thần trọng thị sách, trọng thị việc đọc. Đồng thời cả xã hội phải cùng nhau tạo ra những giá trị, chuẩn mực và khích lệ việc đọc của cả cộng đồng.

Có những số liệu cho thấy sự liên quan giữa đọc sách và phát triển kinh tế. Và mặc dù ở thế kỉ 21 này con người có nhiều lựa chọn về mặt phương tiện để tiếp cận thông tin tri thức qua các kênh nghe, nhìn. Nhưng việc thúc đẩy nhu cầu đọc sách vẫn là cách mà những nhà hoạch định tương lai một đất nước phát triển bền vững hướng đến. Nhìn vào sự phát triển của các nước trên thế giới, có thể dễ dàng nhận ra những đất nước phát triển về mặt kinh tế cũng là những nước có tỉ lệ người đọc sách cao so với những nước kém phát triển hơn. Điều này thì không có gì phải bàn cãi nữa khi mà nâng tỉ lệ đọc sách thường xuyên đồng nghĩa với nâng cao vốn tri thức để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Điều này càng quan trọng với những quốc gia khởi nghiệp.        

Theo daidoanket.vn