Thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX trong lịch sử Việt Nam là thời kỳ xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình phong kiến nhất. Đây là một thời kỳ khá phức tạp. Sau khi nhà Mạc bị diệt vong, vẫn còn song song tồn tại hai tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn ở phía Nam. Dù đã có sự phân chia ranh giới tạm thời xong hai tập đoàn này vẫn tiềm ẩn âm mưu thôn tính lẫn nhau. Bên cạnh đó, có một thể chế xuất hiện một lần duy nhất trong quá trình phát triển của lịch sử nước ta, liên minh tay đôi giữa Vua và Chúa đã bắt đầu bộc lộ những mặt tiêu cực khiến cuộc sống của nhân dân ngày càng cùng quẫn.
Phía Bắc, các chúa Trịnh đi vào con đường ăn chơi sa đọa, không chú ý đến triều chính hoặc lấn lướt vua Lê, cộng với nạn đói liên miên, quan lại cường hào tham nhũng, áp bức nhân dân khiến nhiều mâu thuẫn nảy sinh: mâu thuẫn giữa nông dân với quan lại, cường hào; mâu thuẫn trong nội bộ triều đình Lê - Trịnh.
Phía Nam, triều đình các chúa Nguyễn cũng có những hạn chế như tranh giành quyền lợi giữa các lực lượng thống trị khiến cho cuộc sống của dân chúng ngày càng nghèo đói, nhiều người dân trở nên bất mãn.
Như một phản ứng dây chuyền, các cuộc khởi nghĩa ở cả hai miền Nam Bắc liên tiếp nổ ra, chủ yếu là các cuộc khởi nghĩa nông dân như: cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Hữu Cầu (Quận He), Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo)…Ngoài ra còn có những cuộc khởi nghĩa của người trong hoàng tộc (Lê Duy Mật), có một số cuộc khởi nghĩa của các quan lại bất mãn với các chính sách của triều đình như khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, Cao Bá Quát…
Cuốn sách “Quận He” do Phạm Khang biên soạn thuộc tủ sách Kể chuyện nhân vật lịch sử Việt Nam, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2009, kể về các cuộc khởi nghĩa chống triều đình phong kiến. Dù nguyên nhân dẫn đến khởi nghĩa khác nhau nhưng mục đích nổi dậy đều giống nhau, đó là không thừa nhận và muốn lật đổ chế độ phong kiến đương thời. Sách dày 221 trang, khổ 19cm.
Mở đầu cuốn sách là câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của “Quận He”. Quận He là tên gọi dân gian của thủ lĩnh phong trào nông dân khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu. Theo sử sách, Nguyễn Hữu Cầu quê ở làng Lôi Động, huyện Thanh Hà (Hải Dương). Từ nhỏ ông đã phải đi làm thuê để kiếm sống. Ông nổi tiếng có sức khỏe và giỏi võ nghệ. Năm 1737-1738, ông đã nổi lên chống lại chính quyền địa phương. Giữa năm 1739, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển ở Hải Dương. Khi Nguyễn Tuyển thất bại, ông chuyển về Đồ Sơn, Hải Phòng, tiếp tục chiến đấu và tự xưng là Đông đạo Tổng quốc Bảo dân đại tướng. Năm 1749, ông mở rộng hoạt động sang các vùng Hải Dương, Yên Quảng, Kinh Bắc, nêu cao khẩu hiệu: “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, được dân chúng hưởng ứng, theo về rất đông. Cuối năm 1750, quân của triều đình do Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy tiến đánh, bao vây nghĩa quân, Nguyễn Hữu Cầu phải chạy vào Nghệ An. Năm 1751, ông bị bắt ở Hoàng Mai và bị kết án tử hình.
Tiếp đến là câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của “Quận Hẻo”. Quận Hẻo là tên mà dân gian thường gọi của Nguyễn Danh Phương, hiệu là Canh Ngọ và Ngũ Thập, quê ở Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây (nay là huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại vùng ông đóng quân, dân chúng còn gọi ông là “He rừng”, ví ông như Nguyễn Hữu Cầu là “He biển”. Nhiều nơi dân tôn kính gọi ông là “Quan”. Ông lãnh đạo phong trào khởi nghĩa của nông dân chống chính quyền Lê - Trịnh giữa thế kỷ XVIII, lập căn cứ ở Thanh Lanh, Ngọc Bội, vùng Tam Đảo và Úc Kỳ (Phú Bình, Thái Nguyên). Số lượng nghĩa quân có lúc lên tới hàng vạn người, hoạt động ở các trấn Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang trong vòng hơn 10 năm. Triều đình Lê - Trịnh rất lo sợ về phong trào khởi nghĩa do ông khởi xướng. Đầu năm 1751, nghĩa quân bị quân triều đình do đích thân Chúa Trịnh cầm quân tấn công, nhiều đồn trại thất thủ. Nguyễn Danh Phương bị bắt và bị chém.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra mang tính tự phát. Tuy thất bại nhưng ý chí đấu tranh chống áp bức cường quyền của các nghĩa quân đã làm cho cơ đồ họ Lê - Trịnh - Nguyễn bị lung lay, tạo tiền đề để cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, tiêu biểu nhất trong lịch sử do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cầm đầu phát triển ra Đàng Ngoài, lật đổ chính quyền thối nát của vua Lê, chúa Trịnh.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam (đầu thế kỷ XVIII). Từ một phong trào nông dân, khởi nghĩa Tây Sơn đã nhanh chóng trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ các tập đoàn phong kiến Lê, Trịnh, Nguyễn, bước đầu thống nhất đất nước và đánh bại các thế lực xâm lược Xiêm, Mãn Thanh.
Còn rất nhiều những cuộc khởi nghĩa khác nữa như cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Doan, Phan Bá Vành, Vũ Đình Dung, Hoàng Công Chất, Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi, Lê Duy Mật, Cao Bá Quát. Chi tiết các câu chuyện về các cuộc khởi nghĩa lần lượt được kể trong cuốn sách “Quận He”. Kính mời độc giả đón đọc! Sách hiện đang được phục vụ tại phòng Địa chí Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, mã số ký hiệu DCS.001714-18.
Hoàng Thị Thanh Bình.