Ngày đăng: 03/07/2023 08:45
Lượt xem: 9189
Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc

 

 

 
 

 Nước ta là một quốc gia có nhiều dân tộc. Các dân tộc ở nước ta cùng cư trú lâu đời với nhau và cùng góp sức người, sức của vào việc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Mỗi dân tộc ở nước ta đều có sắc thái văn hóa riêng. Sắc thái văn hóa đó tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời góp phần làm cho văn hóa Việt Nam đa dạng mà lại thống nhất.

Nằm ở phía tây bắc thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc là tỉnh có cả đồng bằng, trung du và miền núi, có các dân tộc thiểu số sinh sống. Thống kê cho đến nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc có trên 20 dân tộc thiểu số trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm số lượng lớn nhất, trên 90% các dân tộc thiểu số. Địa bàn cư trú của người Sán Dìu phân bố rải rác ở các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên (xã Ngọc Thanh), sinh sống tập trung dọc theo dãy núi Tam Đảo, từ giáp huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đến giáp huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Qua thời gian và sự phát triển của xã hội, đồng bào dân tộc Sán Dìu còn giữ được những giá trị thuộc bản sắc dân tộc, song có những giá trị đã bị biến đổi, mai một, ảnh hưởng không nhỏ tới việc giữ gìn bản sắc dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc nói riêng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII nêu rõ: “Coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số”. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc nói chung và đồng bào các dân tộc Sán Dìu nói riêng được quan tâm, đầu tư, triển khai, nghiên cứu và đã thu được những kết quả bước đầu.

Nhằm tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách về dân tộc đồng thời tìm hiểu đời sống kinh tế, văn hóa của từng dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc một cách hệ thống, chi tiết hơn, từ đó giúp cho các dân tộc tự tìm hiểu về mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, Hội Sử học Vĩnh Phúc tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc” của tác giả Lâm Quang Hùng năm 2011. Sách dày 222 trang, khổ 20,5cm.

Cuốn sách được sắp xếp thành 6 nội dung chính:

Phần thứ nhất: Khái quát về người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc

Cung cấp những thông tin khái quát về người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc từ tên gọi, nguồn gốc tộc người, dân số và địa bàn cư trú, cấu trúc làng bản và nhà ở, quan hệ gia đình và hôn nhân, quan hệ xã hội.

Phần thứ hai: Kinh tế truyền thống.

Cung cấp những thông tin về ngành kinh tế chủ yếu của người Sán Dìu. Theo đó, họ sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó cây trồng chính là lúa, ngô, sắn, khoai lang, khoai sọ trên các ruộng thụt, ruộng chân cao, ruộng bậc thang. Người Sán Dìu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi,  họ còn làm nghề thủ công gia đình như thêu, đan lát, nghề mộc và khai thác lâm thổ sản, săn bắn, đánh cá và giao thông vận tải.

Phần thứ ba: Văn hóa truyền thống.

Nói tới những bài hát, điệu múa đã ngấm sâu vào các thế hệ người Sán Dìu, những làn điệu dân ca làm giảm những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật. Đó là những bài hát “Soọng cô” ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngợi tình yên quê hương đất nước, tình yêu con người và tình yêu đôi lứa, ca ngợi đức tính cần cù, dũng cảm của người lao động, đả kích thói hư tật xấu, và phản ánh mơ ước cao đẹp của con người muốn vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc. Bên cạnh đó còn có những truyện kể, những tranh tượng dân gian, những trò chơi dân gian, những tri thức dân gian dùng để phán đoán thời tiết, những phương thuốc bổ dân gian và thuốc điều trị bệnh dân gian của người Sán Dìu…

Phần thứ tư: Phong tục tập quán.

 Đề cập tới tục sinh đẻ, tục lệ cưới xin, tục lệ ma chay, lễ về nhà mới, lễ tết. Đặc biệt là lễ cấp sắc, nghi lễ công nhận cho một người nào đó trở thành thầy cúng, một người có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Sán Dìu. Thông thường, những người muốn trở thành thầy cúng phải mang tính chất gia truyền dòng họ, trước hết phải biết chữ Hán, Nôm, có ý thức học, có uy tín, đức độ… đã đi theo và giúp thầy hành lễ tương đối thành thạo. Những người này phải có sự am hiểu sâu rộng về xã hội, biết cách đối nhân xử thế và biết làm những việc có ích cho đời, cho cộng đồng.

Phần thứ năm: Tục thờ cúng, tín ngưỡng.

Với người Sán Dìu, các tập tục thờ cúng đã trở thành một nhu cầu thường xuyên với nhiều nghi lễ độc đáo. Ở phần này, tác giả đề cập tới một số tục thờ cúng, tín ngưỡng của người Sán Dìu như: Lễ tạ mộ (on hùn), Lễ trấn trạch đuổi ma; Lễ kỳ yên nhà, Lễ kỳ yên làng, Tục thờ cúng tổ tiên, Lễ sống…

Phần thứ sáu: Trang phục truyền thống và văn hóa ẩm thực.

Đề cập tới trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong những dịp lễ hội và trang phục mặc ngày thường, những trang sức cần thiết. Các món ăn truyền thống, cách bảo quản thực phẩm trong văn hóa ẩm thực của người Sán Dìu.

Để tìm hiểu những thông tin chi tiết về văn hóa và đời sống của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, mời độc giả tìm đọc cuốn sách “Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc”. Sách hiện đang được phục vụ tại phòng Địa chí Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Hoàng Thị Thanh Bình