Ngày đăng: 16/10/2024 15:49
Lượt xem: 5637
Nhật ký của Marie Curie

Marie Curie (1867-1934) là nữ bác học, nhà vật lý và hóa học gốc Ba Lan. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel cho 2 lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học. Công trình tiêu biểu nhất mà Marie Curie để lại cho hậu thế chính là những phát hiện về tính phóng xạ.

Để khám phá hành trình của Marie Curie - một nữ bác học vượt ngoài khuôn khổ thời đại, mời các bạn nhỏ tìm đọc cuốn sách “Nhật ký của Marie Curie”. Cuốn sách này nằm trong bộ sách “Nhật ký danh nhân” xuất bản năm 2022 của nhà xuất bản Kim Đồng. Sách dày 76 trang, khổ 22 cm, nội dung sách có ảnh tư liệu và tranh vẽ minh họa. Lời của Gertrude Dordor, minh họa Daphne Collignon, người dịch Đồng Xanh.

Nội dung cuốn sách được chia thành nhiều phần theo những mốc thời gian trong cuộc đời của Marie Curie. Trong cuốn sách này, Marie Curie sẽ kể cho chúng ta niềm say mê của một người phụ nữ đối với vật lý và hóa học, những nghiên cứu về phóng xạ hay sự tham gia của bà trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Qua đó, bạn đọc sẽ được thấy chân dung một người phụ nữ có lòng can đảm khó tin với những công trình đã làm nên cuộc cách mạng đối với khoa học và y học. Bên cạnh phần nhật ký, cuối sách có phần tóm tắt những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Marie Curie. Những bức ảnh tư liệu về gia đình, cha và các chị, chồng và các con của Marie Curie cũng được thể hiện trong cuốn sách này.

Nào, chúng ta cùng hành trình về thời thơ ấu của Marie Curie ở Ba Lan (1867-1882) tại trang 3-13 của cuốn sách, cùng đọc những dòng nhật ký của Marie Curie với niềm tự hào về gia đình của mình: “Tôi tên là Maria Sklodowska, tôi sinh năm 1867 tại Warszawa, thủ đô Ba Lan. Tôi là em út trong 5 chị em. Cha mẹ tôi đều là giáo viên. Cha dạy vật lý, mẹ làm hiệu trưởng. Gia đình 7 người chúng tôi vô cùng thân thiết và luôn rộn rã tiếng cười”. Từ khi còn rất nhỏ, Marie Curie  là cô bé rất thông minh và ham học.“Lên 4 tuổi, tôi đã học thuộc bảng chữ cái chỉ nhờ nghe lỏm cha dạy và có thể đọc được những bài học đầu tiên”.

Tuy nhiên, nhiều biến cố đã ập đến với gia đình của Marie Curie: Cha của Marie Curie bị đổ tội và buộc nghỉ việc tại trường, chị gái mất và mẹ của Marie Curie  cũng mất vì bạo bệnh. Gia đình rơi vào khủng hoảng, khó khăn chồng chất. Marie Curie có lúc cảm thất tuyệt vọng, thế nhưng có một điều đã giúp Marie Curie vượt qua nỗi đau buồn, đó là chính là học: “Thứ gì thu hút tôi ư? Trở thành người giỏi nhất! Ở tuổi 15, tôi là người nhỏ tuổi nhất lớp, dù vậy tôi rất nhanh chóng vượt qua mọi học sinh khác trong môn vật lý. Tôi cũng xuất sắc ở môn văn học Nga và văn học Đức. Tôi say mê đọc sách! Mọi thứ đều thu hút tôi: thơ, truyện phiêu lưu  và cả những tác phẩm khoa học. Đọc giúp tôi trốn khỏi thực tại và quên đi nỗi đau buồn của mình”.

“Tương lai nào đợi tôi? (1883-1890)” là tiêu đề mô tả quãng thời gian từ khi Marie Curie tốt nghiệp trung học, lúc này gia đình cô vẫn ở vào hoàn cảnh khó khăn. Marie Curie  với ý chí nung nấu được tiếp tục học lên đại học, mà thời điểm đó ở Ba Lan, con gái không được đi học đại học. Vậy bạn có biết bằng cách nào mà sau này Marie Curie lại trở thành nhà khoa học vĩ đại? Marie Curie và chị Bronia đã nghĩ ra một ý tưởng xuất chúng: “Hai chúng tôi sẽ dạy học, tích cóp tiền mua vé tàu cho chị Bronia đến Paris học Y. Rồi trong khi chị học, tôi sẽ chăm chỉ làm việc gửi tiền cho chị. Khi chị làm bác sĩ rồi, đến lượt chị sẽ đùm bọc tôi và tôi sẽ gặp lại chị ở trường Sorbonne. Tôi tin chắc chúng tôi sẽ làm được”. Nhờ chăm chỉ làm thêm, làm gia sư kiếm tiền, cuối cùng Marie Curie đã thực hiện được ý nguyện. Marie Curie  đi làm kiếm tiền gửi chị Bronia học Y tại Paris. Đến khi chị Bronia ra trường và trở thành bác sĩ đến lượt Marie Curie  sang Pháp học tại trường đại học Sorbonne. Tại trường Sorbonne, Marie Curie  là sinh viên vô cùng xuất sắc: “Tôi học nghiêm túc đến độ các bạn nam trong trường cũng phải nể. Tôi đỗ đầu cử nhân vật lý và là cô gái duy nhất tốt nghiệp trường Sorbonne trong năm đó. Thêm 1 năm để học, tôi có thể lấy bằng cử nhân toán”.

Với phần “Bước ngoặt lớn trong đời” trang 36, khi Marie Curie  gặp gỡ Pierre, một nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc và họ kết hôn thời gian sau đó. Cả hai cùng chung chí hướng, cùng nhau nghiên cứu một công trình khoa học trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Nơi họ nghiên cứu “Đó là một nhà kho nằm ngay trong khuôn viên trường. Nó đã xệp xệ lắm rồi: mái kính bị dột và chẳng thể che nắng che mưa được gì. Sàn nhà bằng đất và trang thiết bị thì hư hại hết, nhưng có hề gì!”. Cuối cùng, quy trình nghiên cứu của hai vợ chồng đã được đền đáp xứng đáng khi phát hiện ra hai nguyên tố mới là polonium và uranium. Radium có thể dùng để chữa bệnh. “Khám phá mới của chúng tôi làm sửng sốt giới khoa học toàn thế giới. Vào tháng 11 năm 1903, giải thưởng Nobel vật lý đã được trao cho chúng tôi. Tôi là nhà nữ khoa học duy nhất từng được nhận danh hiệu này”

Ở phần cuối cuốn sách, chúng ta phải chứng kiến những nỗi đau mà Marie Curie  phải gánh chịu khi chồng bà qua đời trong một vụ tai nạn xe, hai con gái của bà còn rất nhỏ. Một mình Marie Curie  thay chồng đảm đương công việc tại trường đại học và tiếp tục nghiên cứu khoa học, một mình chăm sóc hai con nhỏ. Một lần nữa, Marie Curie được vinh dự nhận giải thưởng Nobel lần thứ hai, lần này về lĩnh vực Vật lý. Ngày 4/7/1934 Marie Curie qua đời ở tuổi 66 tại một nhà điều dưỡng. Bà được chôn cất bên cạnh mộ chồng tại nghĩa trang Sceaux, năm 1995 cả hai được chuyển vào điện Pantheon- một công trình ở Paris nơi đặt thi hài các vĩ nhân làm rạng danh nước Pháp.

Qua cuốn sách, chúng ta thấy rằng: Bất chấp các thử thách chồng chất trên đường đời, Marie Curie bằng lòng quả cảm và kiên định đã thúc đẩy khoa học tiến xa. Phát hiện ra Radium của bà cũng như các công trình về tính phóng xạ đã làm nên cuộc cách mạng trong ngành y và giúp chữa bệnh cho rất nhiều người. Thật khâm phục một người phụ nữ bé nhỏ nhưng những đóng góp của bà đối với nhân loại lại vô cùng vĩ đại.

Mời các bạn nhỏ tìm đọc cuốn sách “Nhật ký của Marie Curie”  của tác giả Gertrude Dordor tại phòng đọc Thiếu nhi - Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

                                                                                                                                               Hải Hà

 

Nguồn sách:  Nhật ký của Marie Curie, tác giả Gertrude Dordor. Nhà xuất bản: Kim Đồng. Năm xuất bản: 2022.