Ngày đăng: 16/10/2024 15:50
Lượt xem: 4947
Huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam

“Kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam  (20/10/1930 - 20/10/2024),BBT trân trọng giới thiệu cuốn sách “Huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam” qua lời giới thiệu của Hải Hà; nhằm ghi nhận,tôn vinh những đóng góp tiêu biểu của phụ nữ trong gia đình và xã hội”

Trong tiến trình lịch sử đất nước, trải dài từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, những phụ nữ Việt Nam đã góp nhiều công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; họ là những người phụ nữ dũng cảm, tài năng, thông minh, sáng tạo, lao động cần cù…Để hiểu hơn những người phụ nữ đã dệt nên huyền thoại? Chúng ta cùng tìm hiểu cuốn sách “Huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam” do Hạnh Nguyên biên soạn, nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2011. Sách có độ dày 462 trang, bìa cứng, khổ 27 cm.

          Trong cuốn sách này, người biên soạn đã công phu tập hợp các bài viết của nhiều tác giả khác nhau nói về hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử; từ những ngày đầu thành lập nước có mẹ Âu Cơ, đến thời đại Hồ Chí Minh chúng ta có những người mẹ Việt Nam anh hùng. Nội dung sách gồm các phần: Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua những truyền thuyết; Gương sáng của những nữ giới thời đại Vua Hùng đến cuối thế kỷ 19; Gương sáng của người phụ nữ trong kháng chiến chống Pháp; Gương sáng của người phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ; Huyền thoại về mẹ - những bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Phần 1 “Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua những truyền thuyết”, bạn đọc sẽ được lạc vào những câu truyện truyền thuyết vừa thực lại vừa hư cấu. Đó là những câu truyện thân thuộc mà ai ai trong chúng ta cũng đã được nghe kể và được học từ thủa ấu thơ như: Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, Hòn vọng phu, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa, Thiếu phụ Nam Xương, Núi Bà Đen…Những truyền thuyết mang đậm tính nhân văn, phẩm chất tốt đẹp đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng phụ nữ hiện lên trong truyền thuyết thật đẹp và vĩ đại, càng làm cho chúng ta thêm tự hào và khâm phục đức hy sinh và lòng dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam.

Phần 2 “Gương sáng của nữ giới từ thời đại vua Hùng đến cuối Thế kỷ XIX”, bạn đọc sẽ được gặp những người phụ nữ Việt Nam tài năng xuất chúng trong lịch sử kéo dài từ thời kỳ dựng nước đến thế kỷ 19. Họ là những nữ tướng tài danh, thông minh, dũng cảm đã làm bao quân giặc khiếp sợ như: Hai Bà Trưng, Lê Chân, Bát Nàn tướng quân, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân,…Những hoàng phi, công chúa tài sắc vẹn toàn như: Nguyên phi Ỷ Lan, Thần Phi Nguyễn Thị Bích Châu, Huyền Trân công chúa, công chúa An Tư, Ngọc Vạn, Công chúa Lê Ngọc Hân, Nguyễn Thị Dung, Tây Sơn Ngũ Phụng Thư, Thái hậu Từ Dũ…Những nữ sĩ tài hoa, yêu nước có đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà như: Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Anh…

Trong mỗi góc độ xã hội, mỗi giai đoạn lịch sử dù họ là những nữ tướng trận mạc, hoàng phi công chúa hay nữ sĩ,…Tất cả đều có điểm chung là lòng yêu nước; như Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Bà Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) - Người nữ chủ tướng khi ra trận mặc áo giáp vàng, chít khăn vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi một ngà, quân bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Nguyên Phi Ỷ Lan tài sắc hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh. Thần phi Nguyễn Thị Bích Châu (1356-1377) - cung phi vua Trần Duệ Tông, có tài trị nước, nhìn xa trông rộng, từng dâng “kê minh thập sách”, giúp vua nhiều kế sách trong việc trị nước an dân…Bên cạnh đó, không thể không kể đến những nữ sĩ hanh thông, sắc sảo tuyệt vời như:  Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Sương Nguyệt Anh - Chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên… Mỗi người một vẻ đã tô điểm cho văn học Việt Nam những nét tuyệt vời. Hồ Xuân Hương với nét trẻ trung tươi mát, tạo thêm tính lạc quan yêu đời. Đoàn Thị Điểm với lòng chung thủy thắm thiết đã nêu cao truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nghĩa tình sâu đậm. Bà huyện Thanh Quan với sự đoan trang kiên nghị hoài cổ đã tạo nên những dòng thơ chất chứa đầy tâm sự… Tất cả đều toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, một tâm hồn cao đẹp, yêu thơ, yêu dân, yêu quê hương, đất nước.

Phần 3 “Gương sáng người phụ nữ trong kháng chiến chống Pháp”. Những gương mặt phụ nữ xuất sắc thời kỳ này, chúng ta có:  Đặng Thị Nhu, Ấu Triệu Lê Thị Đàn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Chiên, Lê Thị Xuyến, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Trần Thị Liên, Hà Thị Quế, Huỳnh Thị Bảo Hòa… Mỗi người một số phận nhưng điểm chung của những người phụ nữ này là có ý chí, nghị lực, tài năng, gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do cho tổ quốc.

Tiếp nối truyền thống của phụ nữ Việt Nam, tại Phần 4 “Gương sáng của người phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ”. Chúng ta có nữ tướng Nguyễn Thị Định với tinh thần trung kiên với cách mạng, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm chịu được sự tù đày và tra tấn dã man của địch vì cách mạng, vì nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta có bà Nguyễn Thị Bình nhiều lần bị thực dân Pháp bắt tra khảo dã man. Khi được ra tù, bà tham gia vào phong trào hòa bình đòi thi hành hiệp định Giơ ne vơ. Bà Võ Thị Thắng - người phụ nữ kiên trung. Trước những trận thẩm vấn tra tấn cực hình, người con gái tuổi đôi mươi Võ Thị Thắng vẫn kiên gan chịu đựng, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Bà vẫn nở nụ cười chiến thắng khi bị kết án 20 năm tù khổ sai. Nụ cười chiến thắng đó đã trở thành một trong những biểu tượng cho cả thế hệ anh hùng miền Nam trong thời chống Mỹ cứu nước. Chúng ta còn có Ngô Thị Tuyển - người con gái xứ Thanh vác 2 hòm đạn pháo nặng 98 kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông cho bộ đội, cho chúng ta thấy được sức mạnh và nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam…Còn rất nhiều những nữ anh hùng như: Đinh Thị Vân, Nguyễn Thị Thập, Lê Thị Xuyến, Lê Thị Riêng, Ngô Thị Tuyển,  Nguyễn Thị Kim Huế,  Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hồ Kan Lịch, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Út….Họ đều là những người phụ nữ Việt Nam gan dạ, dũng cảm, giàu lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất đã làm nên những huyền thoại bất tử.

Phần 5 “ Huyền thoại về mẹ - những bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đó là những bà mẹ Việt Nam đã âm thầm chịu đựng, nén nỗi đau thương tột cùng khi hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho tổ quốc. Những người mẹ đã hy sinh chồng, con, cháu mình vì độc lập tự do cho tổ quốc. Tiêu biểu như: Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam đã chịu nỗi đau thương tột cùng, có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Là người mẹ có nhiều con hy sinh nhất trong cả 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ Nguyễn Thị Suốt là một nữ Anh hùng Lao động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; mẹ đã lái đò trở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964-1967. Năm 1967 mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông Vận tải trong chống Mỹ cứu nước. Năm 1968 trong 1 lần đi ở bến đò Bảo Ninh, mẹ Suốt mất trong một trận bom bi oanh tạc của Mỹ và được nhà nước công nhận là liệt sĩ. Có những bà mẹ Việt Nam 2 lần anh hùng vừa là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vừa là “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đó là các mẹ: Đoàn Thị Nghiệp (Tiền Giang), Bùi Thị Thêm (Kiên Giang), Đỗ Thị Phức (Kiên Giang), Huỳnh Thị Tân (Sóc Trăng), Nguyễn Thị Rành (Củ Chi)…Còn rất nhiều  những bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước nhỏ bé nhưng phải hứng chịu nhiều bom đạn, có thể kể đến các mẹ như: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận, mẹ Nguyễn Thị Rành ở huyện Củ Tri; mẹ Trần Thị Tình ở xã Phước Tân, mẹ Nguyễn Thị Mạng ở Phú Thọ, mẹ Văn Thị Thừa, mẹ Lê Thị Đính, mẹ Nguyễn Thị Chỉ….

Cuốn sách “Huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam” là một cuốn sách hay; bạn đọc như được trải nghiệm qua chặng đường dài lịch sử dân tộc hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước; ở đó bạn gặp những người phụ nữ dung dị nhưng chất chứa khí phách, tinh hoa của dân tộc. Đọc sách, chúng ta càng thêm yêu quê hương đất nước; cùng sự ngưỡng mộ tự hào với những người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại.

Hải Hà

 

Nguồn sách: Huyền thoại về người phụ nữ Việt Nam;tác giả Hạnh Nguyên. Nhà xuất bản Lao Động; Xuất bản 2011. Ký hiệu sách tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc:  PD.025615.