Ngày đăng: 25/10/2024 14:05
Lượt xem: 431
Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời_ Tấm gương học tập của chủ tịch Hồ Chí Minh

“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với chủ đề: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” đã góp phần thiết thực vào nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời “…nâng cao dân trí và năng lực công dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”. Để khích lệcáchoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc,BBT trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Tấm gương học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh” qua lời giới thiệu của Nguyễn Thị Hồng Nhung”

TẤM GƯƠNG HỌC TẬP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

(Cuộc đời tự học, học trong trường đời, công việc, nhân dân)

Từ nhiều năm nay vào tuần đầu của tháng 10 hàng năm Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục -  Đào tạo phối hợp tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” trên phạm vi cả nước, góp phần thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập nhằm “Học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công dân nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội”. Mỗi năm là một chủ đề cụ thể khác nhau tùy điều kiện cụ thể mỗi địa phương.  Chủ đề năm 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc là: “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.

Trong việc học tập suốt đời chúng ta có một tấm gương tự học vĩ đại đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng điển hình về tự học, tự làm và sáng tạo. Nhằm khích lệ, cổ vũ bạn đọc học tập, noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tự học, học tập suốt đời.Tác giả Tống Thu Uyên đã biên soạn cuốn sách Tấm gương học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Cuộc đời tự học, học trong trường đời, công việc, nhân dân) được nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2023. Sách có độ dày 199 trang, khổ 21cm.

Nội dung cuốn sách là tập hợp những bài viết của nhiều tác giả về tinh thần tự học của Người: Từ việc tự học trong sách báo, thư viện và trường đời, tới việc học ngoại ngữ, tự học mọi lúc mọi nơi, quá trình làm báo trên đất Pháp, dạy học ở Pắc Pó…

Có thể nói cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học và kết quả của sự tự học đã góp phần to lớn trong việc làm nên cuộc đời đầy oanh liệt của Người.

Hồ Chí Minh không được học nhiều ở nhà trường nhưng Người đã bù vào đấy bằng một quá trình tự học, tự nghiên cứu kiên trì, liên tục không mệt mỏi từ trải nghiệm trong cuộc sống và hoạt động cách mạng. Người coi thực tế là trường học lớn nhất của cuộc đời mình. Tấm gương sáng ngời về tự học tự nghiên cứu được thể hiện trong tất cả các chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ của cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Tháng 5 năm 1908, vì đã dẫn đầu một nhóm học sinh Quốc học Huế tham gia Đoàn biểu tình chống thuế của nông dân tỉnh thừa Thiên Huế và vì đã cùng các bạn đi hết nhóm này đến nhóm khác đọc cho những người biểu tình nghe những bài thơ yêu nước, kêu gọi mọi người kiên quyết đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân nên sau sự kiện đó Nguyễn Tất Thành không được học ở trường Quốc học nữa đồng thời chấm dứt luôn những năm tháng đi học ở thời niên thiếu của mình.

Từ đây người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu một cuộc sống lao động tự lập, tự học để nêu chí lớn, để tìm đường và trở thành người dẫn đầu cho cách mạng Việt Nam. Để tiếp tục thực hiện hoài bão của mình Nguyễn tất Thành rời trường Dục Thanh tạm xa lên đường sang phương Tây với tên là Văn Ba trên chiếc tàu biển của Pháp, công việc của người trên tàu là phụ bếp đây là công việc vô cùng vất vả nhưng người vẫn dành thời gian cho việc tự học. Quá trình tự học của người trong khoảng thời gian trên tàu với nghề phụ bếp đã để lại nhiều câu chuyện cảm động và sâu sắc về tấm gương tự học và sáng tạo. Những người cùng làm với anh Ba trên tàu đã kể về tinh thần say mê học tập của anh Ba với lòng khâm phục sâu sắc: “Mỗi ngày đến 9 giờ tối công việc mới xong anh Ba mệt lử nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài thì anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”.

Sự nghiệp văn chương phong phú mà Người để lại cho chúng ta cũng là kết quả của một quá trình tự học kiên trì với tập thơ “Nhật Ký trong tù” . Nhà Việt Nam học N.Phêđôrencô nhận xét:  “Học chữ Hán cực khó, nắm vững nó, làm được thơ là một hiện tượng lạ, hiếm thấy. Trong lịch sử văn học có một số nhà thơ Nhật Bản gần như sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ có thể làm được một số bài có tính chất khuôn sáo mà thôi. Ấy vậy mà Nhật ký trong tù thực sự là một thi phẩm có nội dung sâu sắc, ngôn từ, nhịp điệu phong cách rất riêng”…Đó là thiên tài phát tiết nhưng nếu không có quá trình khổ luyện học chữ, học tiếng nước ngoài bền bỉ của Bác thì sẽ không có điều đó.

 Về việc học ngoại ngữ Bác nói: “Mỗi ngày chỉ cần học năm từ một tháng đã học được 150 từ”. Tốc độ học của bác cũng rất nhanh. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước Bác đã đi qua 28 nước, có nơi đến và ở với thời gian rất ngắn nhưng đi đến đâu bác cũng học được tiếng nói của họ. Bác biết 14 thứ tiếng trong đó có thể đọc thông viết thạo được 8 thứ tiếng. Đó là kết quả vượt bậc của một trí tuệ tuyệt vời.

Các nhà nghiên cứu đã đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập và tự học như sau:

Thứ nhất: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, Người dạy không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Mọi người đều được học hành học suốt đời công nhân và nông dân phải trí thức hóa. Dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, Người nhấn mạnh để toàn dân học tập cho xã hội học tập là phải biến việc học tập thành một phong trào thi đua yêu nước.

Thứ hai: Học đi đôi với tự học Người dạy, không chỉ học ở nhà trường mà học trong mọi hoạt động, cán bộ các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ.

Thứ ba: Học phải hiểu cho thực chất, Người căn dặn, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, Bác chỉ rõ đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ chứ không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách. Quan điểm xuyên suốt của Bác là học để làm việc làm người, làm cán bộ, nếu không có kiến thức thực chất, học mà không hiểu thì không thể làm việc tốt được.

Thứ tư: Giúp đỡ nhau hợp tác nhau trong học tập, theo Hồ Chí Minh việc học dù là việc riêng của từng cá nhân nhưng mọi người phải học lẫn nhau và giúp nhau học tập, trở thành một phong trào xã hội rộng rãi, Bác thường bảo phải học lẫn nhau và nhân dân, đối với mọi vấn đề thầy trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì phải thật thà phát biểu.

Thứ năm:  Học để hành. Đây vừa là mục đích vừa là phương pháp, tức là học để làm được việc và làm được việc là để kiểm nghiệm việc đã học như thế nào. Hồ Chí Minh dạy “Học để hành, hành để học học với hành phải đi đôi học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì không trôi chảy”. Vậy nên nếu không tự học không học suốt đời thì khó có thể có đủ kiến thức để hành.

Thứ sáu: Cán bộ đảng viên phải gương mẫu trong học tập và tự học. Bác nhắc nhở, người cán bộ phải luôn có ý thức học tập thường xuyên, hàng ngày trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Người cán bộ đảng viên phải hiểu rằng việc tự học của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường, không chỉ thỏa mãn với tri thức có trong sách vở mà còn phải từ thực tế cuộc sống. Có học được từ cuộc sống thì mới thấu hiểu được đời sống của nhân dân từ đó phục vụ nhân dân tốt nhất.

Có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại khi trên thế giới, giáo dục và Đào tạo đã trở thành yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia. Tinh thần chung “học suốt đời” của chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước ta rất phù hợp với các đề xuất trong tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XX của UNESCO: Học để biết(Learning to know), Học để làm(Learning to do), Học để chung sống( Learning to live together) và Học để khẳng định mình, để tồn tại (Learning to be).

Chính vì thế mỗi chúng ta nên đề ra cho mình một mục tiêu và một phương pháp tự học suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của bản thân, của gia đình. Chỉ có tự học suốt đời mới không bị tụt hậu. Có tự học suốt đời mới bắt kịp được sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Có tự học suốt đời mới làm gương cho con em trong gia đình. Có tự học suốt đời mới phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Xin trân trọng giới thiệu tới đông đảo bạn đọc cuốn sách “Tấm gương học tập của chủ tịch Hồ Chí Minh” góp phần nhỏ bé, thiết thực vào việc  xây dựng một xã hội học tập đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hết sức quan tâm.

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Nguồn sách: Tấm gương học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Cuộc đời tự học, học trong trường đời, công việc, nhân dân). Tác giả Tống Thu Uyên. Nhà xuất bản Dân Trí; Xuất bản năm 2023.