Ngày đăng: 13/01/2025 14:48
Lượt xem: 711
Phong vị xuân xưa - ngày xuân xem sách, biết việc cổ kim

Description: C:\Users\Admin\Documents\Zalo Received Files\Thiết kế chưa có tên (1).png

Tết là phong tục tập quán gắn liền với tâm hồn người Việt Nam qua những nghi thức truyền thống và sinh hoạt văn hóa đặc trưng. Với mỗi người Việt dù ở trong hay ngoài nước Tết âm lịch luôn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và thiêng liêng. Vào những ngày tết mọi người thường đi du xuân, trẩy hội hay gặp gỡ, tụ họp bạn bè, với những người yêu văn chương, thích tìm hiểu thì đọc sách vào những ngày Tết cũng là một sự lựa chọn rất tuyệt vời. Việc đọc những giai phẩm xuân, tờ báo xuân, tập sách về xuân từ lâu đã trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều người Việt. Cuốn sách “Phong vị xuân xưa - ngày xuân xem sách biết việc cổ kim” được nhóm biên tập Nguyễn Văn Học, Lê Thái Dũng, Nguyễn Thị Thuý Hà dày công sưu tầm và tuyển chọn như một món quà tết ý nghĩa, giới thiệu đến bạn đọc trên 40 bài viết về chủ đề phong tục ngày tết và đón xuân có giá trị của nhiều tác giả tên tuổi, được trích từ một số báo, tạp chí cũ thuộc những năm 20 - 40 của thế kỷ trước. Cuốn sách là một công trình sưu tầm độc đáo, giúp mang lại niềm vui thanh nhã cho bạn đọc trước, trong và sau những ngày vui Tết. Sách do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2021, gồm 187 trang, khổ 24cm.

Với hơn 40 bài viết của nhiều tác giả nổi tiếng ở Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, nhóm biên tập đã chia nội dung sách thành ba phần.

Phần 1 -  “Lai rai chén rượu ngày xuân”:  Gồm những bài viết kể chuyện, giải thích về Tết.

Bài “Nguyên nhân Tết Nguyên đán” của tác giả Nguyễn Huân đề cập đến thời điểm ra đời Tết Nguyên đán và người đã chọn mốc thời gian đầu tháng Giêng để ăn Tết,…

Bài “Cổ tích sơ giải” của tác giả Đinh Thái Sơn tại trang 18 của cuốn sách nêu ra những phong tục truyền thống của Tết gồm: Tục viết liễn dán cửa ngõ, thắp đèn sáng đêm 30 tháng Chạp và những đêm trong mấy ngày xuân, dựng cây nêu, đốt pháo hay đốt lói (Khẩu ngữ  - Pháo làm bằng thuốc nổ nhồi vào ống dài), chúc phúc ngày Tết,…

Phần 2 -  “Cảm Tết”: Tập hợp những bài cảm nhận, suy nghĩ của các trí thức, nghệ sĩ trước mùa xuân và thời cuộc.

Nói về sự “cảm tết” của người viết văn trong bài “Ngày xuân viết văn” tác giả Sơn Phong viết: “Nghề nghiệp văn chương khó lạ lùng, ngọn đèn xanh ngắt suốt đêm Đông”, “Xuân vui, Hạ nhiệt, Thu sầu; Đông buồn, rồi lại bắt đầu Xuân vui”, “Xem văn có thể đoán người; một hàng châu ngọc, một lời gấm thêu!”.

Những tâm sự của tác giả Vọng Sơn trong bài “Đi làm xa nhớ nhà” làm bạn đọc không khỏi bồi hồi xúc động, nhớ tết, nhớ nhà: “Chiều nay ngồi buồn nhớ nhà…nhớ nhà quá…! Bấy lâu lưu lạc quê người,… mấy hôm nữa đã Tết, Tết này xa nhà nữa là ba…”,

Phần 3 - “Mùa xuân, văn hóa và lịch sử”: Giới thiệu một số bài viết, bài diễn thuyết về lịch sử, văn hóa, di tích của những trí thức nổi danh. Bạn đọc sẽ lần lượt được tìm hiểu những câu chuyện rất hữu ích, như bài diễn thuyết của Đông Châu, Nguyễn Hữu Tiến bàn về “Phong dao và lịch sử” từ thời Hùng Vương cho đến thời nhà Nguyễn, hay “cách thức tế Nam Giao” của tác giả Từ Lâm, Nguyễn Xuân Nghị. Đặc biệt bạn đọc còn được họa sĩ Tô Ngọc Vân kể về “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại” thông qua những tác phẩm của các danh họa bậc thầy trong làng mỹ thuật hội họa Việt Nam.

Tại phần phụ lục của cuốn sách còn có một số bài văn khấn dịp tết như: Văn khấn Tết ông Táo; Văn khấn lễ Nguyên Đán (Mồng một Tết); Văn khấn lễ mồng 4 tiễn ông vải, rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ thực hiện.

Đến với cuốn sách “Phong vị xuân xưa - ngày xuân xem sách biết việc cổ kim”  bạn đọc không chỉ hiểu sâu hơn về phong tục tết cổ truyền của dân tộc mà còn biết được nét sinh hoạt của những người có khiếu văn chương, văn nghệ một thời. Tuy chưa thể sưu tập được đầy đủ, nhưng đây cũng là một cuốn sách sưu tầm độc đáo hiếm có mang lại niềm vui cho bạn đọc trong những ngày Tết. Sách hiện đang được phục vụ tại phòng Mượn của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Kí hiệu: 202007437. Mời các bạn tìm đọc!

Nguyễn Thị Hồng Nhung