Ngày đăng: 03/11/2021 15:04
Lượt xem: 40491
Ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực hoạt động của Thư viện tỉnh

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, Thư viện tỉnh tăng cường đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực phục vụ, thu hút bạn đọc sử dụng dịch vụ của thư viện, qua đó, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

 

Cán bộ Thư viện tỉnh scan các cuốn sách, tài liệu để thực hiện số hóa tài liệu, giúp bạn đọc dễ dàng tìm kiếm và sử dụng trên website của thư viện. Ảnh: Kim Ly

 

Thuộc hệ thống thư viện công cộng của cả nước, có chức năng thu thập, giữ gìn di sản tư liệu, tổ chức khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của nhân dân, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Thư viện tỉnh không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của địa phương.

Hiện nay, thư viện có hơn 205.000 bản sách, gần 1.800 tài liệu Hán Nôm, gần 400 tài liệu tiếng Pháp, gần 100 loại báo, tạp chí và các loại hình tư liệu khác. Hằng năm, thư viện phục vụ khoảng 50.000 lượt bạn đọc ở mọi lứa tuổi, trình độ và ngành nghề… Ngoài phục vụ bạn đọc tại thư viện, sách được mang đến phục vụ người dân ở từng điểm cơ sở, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Sự phát triển như vũ bão của CNTT đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống và thói quen sinh hoạt của người dân. Hiện nay, người đọc không chỉ tiếp cận thông tin qua các ấn phẩm dạng giấy mà có thể tiếp cận thông tin qua thông tin điện tử, tư liệu số.

Trước thực tế đó, Thư viện tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Năm 2014, Thư viện tỉnh triển khai thực hiện Dự án xây dựng Thư viện điện tử.

Thông qua dự án, thư viện được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại gồm 2 máy chủ, 30 máy trạm, 1 máy scan, phần mềm nghiệp vụ KIPOS, máy quét mã vạch, camera, cổng từ, chỉ từ, máy khử từ, thiết bị thống kê…

Năm 2018, Thư viện tỉnh tiếp nhận 1 xe thư viện lưu động từ Tập đoàn Vingroup; xe thư viện được trang bị đầy đủ sách và các trang thiết bị đi kèm gồm 1 máy chủ, 6 máy tính xách tay, tăng âm, loa đài… phục vụ việc luân chuyển sách đến cơ sở.

Từ năm 2015, thư viện tiến hành việc số hóa tài liệu, bước đầu thực hiện số hóa những tài liệu tại kho sách Địa chí. Đây là những tư liệu cổ, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, quân sự…

Các tài liệu được scan (quét), chỉnh sửa hình ảnh đưa lên kho tư liệu số, sau đó được biên mục tài liệu đưa lên website "thuvien.vinhphuc.gov.vn" để phục vụ bạn đọc. Đến nay, thư viện đã đưa lên website cơ sở dữ liệu sách gần 1.000 tài liệu, tương đương 45.000 trang phục vụ bạn đọc. Tổng số lượt truy cập website đã vượt mốc 2,5 triệu lượt.

Em Lê Đình Khải, sinh viên Trường cao đẳng Vĩnh Phúc cho biết: “Trước đây, mỗi khi muốn tìm sách, báo, tài liệu, em phải đạp xe gần 10 km từ nhà đến thư viện và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm được đúng tài liệu cần dùng. Hiện nay, mỗi khi cần tìm tài liệu, sách, báo, em sẽ truy cập vào trang Web của thư viện để tìm định hình nguồn tư liệu.

Sau khi có những tài liệu cần thiết, em có thể tới thư viện mượn đọc hoặc tải tài liệu từ website của thư viện. Điều này giúp em tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, việc tìm tài liệu cũng trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều".

 

Người dùng đi qua khu vực cổng từ để cán bộ thư viện quản lý, kiểm soát số sách ra, vào thư viện. Ảnh: Kim Ly

 

Giám đốc Thư viện tỉnh Lê Văn Minh cho biết, việc trang bị các thiết bị, phần mềm hiện đại giúp ích rất nhiều cho việc quản lý hoạt động của thư viện. Giờ đây, người dân đến thư viện sử dụng thẻ từ thay thế cho thẻ giấy; lịch sử mượn, trả sách của bạn đọc đều được lưu trữ tự động trên phần mềm quản lý thay vì ghi chép thủ công như trước kia. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả cán bộ thư viện và bạn đọc.

Việc số hóa tài liệu giúp người dùng dễ dàng truy cập, tìm kiếm và xem được tóm tắt nội dung hoặc toàn văn tài liệu từ xa. Chỉ cần có thiết bị kết nối internet, bạn đọc không cần phải đến thư viện mà vẫn có thể khai thác được nguồn tài liệu của thư viện dù ở bất kỳ đâu. Đây là bước đột phá mới của Thư viện tỉnh nhằm thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Để đáp ứng nhu cầu số hóa thư viện, các cán bộ làm công tác thư viện thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206 về phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông với các thư viện khác, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi.

Bạch Nga