Ngày đăng: 10/05/2022 16:16
Lượt xem: 20985
Sự ra đời của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hội sách hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Như chúng ta đã biết, sách là sản phẩm trí tuệ của con người, là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, là nguồn kiến thức vô tận không bao giờ cạn kiệt. Trong cuộc sống của con người, sách đóng vai trò vô cùng quan trọng, là công cụ để chúng ta tìm kiếm tri thức và hoàn thiện nhân cách. Đọc .sách chính là phương pháp tự học hiệu quả và thiết thực nhất mà ai cũng có thể làm được 

Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Tiếp đó, ngày 04/11/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, thống nhất chọn ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Điểm mới của Quyết định này là nhằm hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng, gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập. Quyết định này còn quy định tên gọi mới cho ngày 21/4 là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”.

 Việc lấy ngày 21/4 là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc chọn “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa văn hóa sâu sắc bởi Người không chỉ là “Anh hùng giải phóng dân tộc” mà còn là một tác giả lớn, một “nhà văn hóa kiệt xuất” được UNESCO công nhận, các tác phẩm của Người không chỉ có giá trị đối với Nhân dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận.

Bên cạnh đó, việc chọn ngày 21/4 là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” có ý nghĩa bởi trong tháng 4 có 23/4 là ngày “Sách và Bản quyền Thế giới”. Năm 1995, tổ chức UNESSCO đã chọn ngày 23/4 hàng năm là Ngày sách và Bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day) với mong muốn đây sẽ là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng, đồng thời là dịp để khuyến khích tất cả mọi người khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc. Hàng chục năm qua, hơn 150 quốc gia trên Thế giới (trong đó có Việt Nam) đều tổ chức các hoạt động có ý nghĩa trong tháng 4 nhằm hưởng ứng ngày Sách và Bản quyền Thế giới. Việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa toàn thế giới.

Những năm gần đây, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4” đã thực sự là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Trong những ngày tháng 4 trên khắp cả nước, rất nhiều các hoạt động ý nghĩa được tổ chức sôi nổi và rộng khắp nhằm hưởng ứng sự kiện văn hóa quan trọng này. Đây là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” còn góp phần trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Hải Hà