Ngày đăng: 12/11/2015 14:27
Lượt xem: 53348
Thư viện điện tử - Giải pháp phát triển văn hóa đọc

Trong giai đoạn hiện nay, khi các thiết bị công nghệ số đang lên ngôi, văn hóa đọc dần bị mai một, thì mô hình Thư viện điện tử được đánh giá là giải pháp thiết thực, góp phần đưa văn hóa đọc đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Thư viện tỉnh thực hiện số hóa tài liệu, xây dựng Thư viện tỉnh thành Thư viện điện tử
 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần đổi mới phương pháp quản lý, điều hành thư viện, Dự án đầu tư nâng cấp Thư viện tỉnh thành Thư viện điện tử được Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc triển khai từ năm 2014 với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Dự án được xây dựng nhằm đảm bảo khả năng cung cấp các dịch vụ Thư viện điện tử cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh, có khả năng phục vụ hơn 1.000 bạn đọc truy cập đồng thời cùng lúc với đa dạng các dịch vụ như: Đọc tại chỗ, đăng ký mượn về nhà, gia hạn mượn tài liệu trực tuyến...Bên cạnh đó, độc giả có thể dễ dàng tra cứu, khai thác các thông tin mới nhất, cũng như tài liệu quan trọng được lưu trữ do thư viện quản lý và kết nối với hệ thống các thư viện trong và ngoài nước thông qua mạng Internet như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Mạng thông tin và khoa học Việt Nam, Thư viện Quốc hội Mỹ… Với hệ thống Thư viện điện tử hiện đại được đưa vào sử dụng, đảm bảo đáp ứng khả năng cung cấp các dịch vụ số hóa tài liệu đóng tập cho các cơ quan trong và ngoài tỉnh với tốc độ tối đa lên đến 1.200 trang/ giờ; hình thành hệ thống thông tin – thư viện với quy mô quản lý 172.365 bản sách, 120 loại báo, tạp chí, 6.900 tên tài liệu/ 9.870 đơn vị tài liệu có nội dung về Vĩnh Phúc, của Vĩnh Phúc và 46.750 bản sách luân chuyển với thư viện cơ sở.

Đánh giá về việc triển khai, nâng cấp Thư viện tỉnh thành thư viện điện tử, ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Phụ trách Thư viện tỉnh cho biết: “Mô hình Thư viện điện tử ở nước ngoài được các nước đưa vào hoạt động từ lâu nhưng ở Việt Nam, Thư viện Vĩnh Phúc là một trong những thư viện đầu tiên của miền Bắc được triển khai mô hình này. Mô hình Thư viện điện tử với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, giúp khai thác và kết nối với các trung tâm lưu trữ lớn trong nước và quốc tế. Khi bạn đọc đăng ký thẻ trực tuyến, ngoài tài liệu của thư viện, bạn đọc có thể khai thác tại nhiều trung tâm, thư viện tỉnh khác hoặc các trung tâm lưu trữ Quốc gia, thư viện nước ngoài, giúp khai thác tối đa tài liệu để nghiên cứu”.

Đến thời điểm này, Dự án đã hoàn thiện và được bàn giao đưa vào sử dụng đưa vào sử dụng, trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại bao gồm: 2 máy chủ, 3 máy tính để bàn, 2 máy tính xách tay, 1 hệ thống lưu trữ SAN, 1 thiết bị bảo mật, 2 bộ phần mềm bảo vệ máy chủ, 1 thiết bị số hóa sách, 1 máy in thẻ, hệ thống phần mềm quản trị Thư viện điện tử, thư viện số hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, 20 cán bộ thư viện được đào tạo cơ bản và chuyên sâu để tiếp nhận, triển khai, phát triển và quản lý dự án, đáp ứng các yêu cầu tiên tiến nhất. Hiện nay, Thư viện tỉnh đang hoàn thiện thủ tục cấp địa chỉ Thư viện điện tử trên mạng Internet, đồng thời, tập trung nhân lực chuyển các bản sách báo truyền thống hiện có thành sách điện tử. Trong đó, tập trung hoàn thiện hơn 16.000 bản tài liệu địa chí lên mạng Internet, để sớm đưa những nét đẹp văn hóa, con người Vĩnh Phúc đến với đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Theo thống kê của Thư viện tỉnh, với gần 100.000 bản sách hiện có tại thư viện, trong đó, có nhiều bản sách quý về Vĩnh Phúc được thư viện sưu tầm, lưu giữ như: Hương ước, quy ước, thần tích, thần sắc, văn khắc Hán Nôm, các tài liệu viết về đất và người Vĩnh Phúc sẽ được Thư viện tỉnh số hóa qua Dự án Thư viện điện tử trong thời gian tới để bạn đọc ở bất cứ đâu đều có thể tham khảo, tìm hiểu về Vĩnh Phúc.

Trong quá trình thực hiện Dự án, do là đơn vị đi tiên phong nên nhân viên Thư viện tỉnh không tránh khỏi những khó khăn, chị Hoàng Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thông tin thư mục và Địa chí cho biết: Để số hóa một cuốn sách mất thời gian khá lâu, tuy nhiên, khi thư viện triển khai số hóa sẽ quản lý tốt hơn cơ sở dữ liệu của mình, sẽ quản lý được kho sách, phục vụ bạn đọc được tốt hơn. Bạn đọc có thể truy cập từ xa không cần đến thư viện mà vẫn xem được tài liệu của thư viện tỉnh đã số hóa đưa lên mạng Internet.”

Đọc sách in vẫn là văn hóa, là nét đẹp truyền thống cần được lưu giữ, nhưng với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ đang đổi thay từng ngày thì việc dành thời gian để đọc sách tại các thư viện thực sự không còn nhiều độc giả chú trọng. Chị Nguyễn Thùy Linh, độc giả trung thành của Thư viện tỉnh chia sẻ: “Đọc sách trau dồi thêm kiến thức thì tôi vẫn thích đọc sách theo cách truyền thống. Nhưng khi muốn tìm tài liệu để nghiên cứu thì việc tìm theo hình thức truyền thống lại mất khá nhiều thời gian. Chính vì vậy, Thư viện điện tử có tiện lợi là nhanh nhạy, tra cứu đơn giản, có thể tìm kiếm một lúc được nhiều loại sách, đáp ứng được nhu cầu của mọi độc giả ở mọi lúc, mọi nơi”.

Đọc sách điện tử là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Thực tế cho thấy, tại nhiều đất nước phát triển, Thư viện điện tử mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng để lưu giữ, bảo tồn những tài liệu quý hiếm về lịch sử, địa lý, văn hóa, đời sống tinh thần. Đây thực sự là giải pháp cần thiết để thu hút độc giả của Thư viện tỉnh trong xu thế phát triển chung của xã hội, đảm bảo giữ được bản sắc của văn hóa đọc, mặt khác giúp độc giả tìm kiếm thông tin một cách nhanh, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh Minh Nguyệt (baovinhphuc.com.vn)