Ngày đăng: 07/11/2024 15:10
Lượt xem: 3055
Bác Hồ với sự nghiêp giáo dục Việt Nam

          Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm về xây dựng Đảng, chính quyền, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng,.. trong đó tư tưởng giáo dục, đào tạo con người Việt Nam mang tầm chiến lược và ngày càng sáng ngời qua thực tiễn vận dụng ở nước ta.

          Như chúng ta biết, ngay từ những năm đầu đất nước mới giành được độc lập (2/9/1945) trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ngân khố kiệt quệ, thiên tai, nạn đói, thù trong giặc ngoài ra sức chống phá nhằm tiêu diệt cách mạng Việt Nam mới còn trong trứng nước. Trước một số nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong tình hình tái thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Chính phủ cùng toàn thể nhân dân đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ; đó là diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Người cho rằng: Muốn giữ vững nền độc lập, muốn cho dân mạnh, nước giàu, thì mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Từ nhãn quan sâu rộng của Người, nhân dân ta từ chỗ hơn 95% mù chữ, đã trở thành một dân tộc có văn hoá, có khoa học, đủ khả năng giữ vững nền độc lập - tự do cho Đất nước.

          Về giáo dục, Người chỉ ra rằng, để đào tạo được những con người lao động XHCN, Đảng và Chính phủ cần phải có một chương trình đào tạo cụ thể, việc đào tạo nhân lực phải chú trọng cả “đức” và "tài”; nghĩa là đào tạo ra lớp người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Người: có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Do vậy, Người đặt chữ "đức" lên trước, coi đó là cái gốc căn bản của con người, của công việc và của cách mạng; tuy nhiên chữ "đức” cần gắn liền với chữ “tài". Vì nếu chỉ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Chữ "đức” mà Bác dạy ở đây chính là đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Còn nếu có tài mà không có đức thì luôn tư lợi, tham ô, hủ hoá có hại cho quốc gia. Nên việc giáo dục đào tạo cần phải thống nhất giữa “tài” và “đức” trong mối quan hệ biện chứng; và cần có trong quá trình thực hiện nội dung giáo dục toàn diện: đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời Người nhấn mạnh, trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta, mỗi cô giáo, thầy giáo phải là những chiến sỹ trên mặt trận giáo dục đào tạo. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng. Nhiệm vụ giáo dục rất vất vả nhưng thật vẻ vang, không có thầy cô giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của nền giáo dục cách mạng là: phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Giáo dục phải đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng trung với nước, hiếu với dân, có đạo đức, trí thức, có ý chí vươn lên, không sợ hy sinh gian khổ, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Người không những căn dặn các thầy cô giáo, mà còn luôn đặt niềm tin hy vọng vào thế hệ trẻ: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu. Lời dạy của Người đã đi sâu vào lòng dân, tạo thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng triệu thầy giáo và học sinh thi đua dạy tốt - học tốt.

          Trước lúc đi xa, Bác Hồ muôn vàn kính yêu còn Di chúc căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Vì theo Người, thế hệ trẻ là những người kế tục sự nghiệp cách mạng, và chính họ sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa tư tưởng giáo dục quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn coi trọng giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm từng bước đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc CNH-HĐH đất nước ta trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay.

Nguyễn Anh Ngọc

Lời BBT: “Chào mừng Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) BBT trân trọng giới thiệu bài viết “Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục Việt Nam” của tác giả Nguyễn Anh Ngọc tới quý bạn đọc.