Một câu chuyện hay không phải ở chỗ dài bao nhiêu mà ở chỗ chứa đựng bao nội hàm, có bao nhiêu trọng lượng về tư tưởng. Tinh hoa của tư tưởng không phải ở chỗ nó nghiệm chứng được bao nhiêu sự thực, có được bao nhiêu ý nghĩa chỉ đạo thực tế.
Cuốn sách “Mỗi truyện một triết lý nhân sinh”của tác giả Trần Trọng Sâm, tác giả hiện đang sinh sống tại Vĩnh Phúc là một người ở vào tuổi bát tuần, lại ở xa thủ đô, điều kiện giao lưu văn hóa có phần hạn chế, sách vở tài liệu không sẵn… nhưng mặc lòng, cụ vẫn cứ như con ong cần cù, nhẫn nại bay hàng trăm cây số hút nhụy hoa chỉ để cho ra 100 gram mật tinh túy cho đời. Tác giả Trần Trọng Sâm gần đây được bạn đọc biết đến như một dịch giả tiếng Trung Quốc xuất sắc nhất với những tác phẩm gây ấn tượng như: Đối - thoại với tiên triết; Trung Quốc nhất tuyệt; Kinh dịch - Đạo lý mưu cầu tồn tại và phát triển; Luận ngữ ngôn truyền thế; Tôi nói thật với nhân dân; Khuất Nguyên và Tư Mã Thiên…. Và giờ đây bạn đọc lại có dịp thưởng thức tác phẩm mới nhất của cụ: “Mỗi truyện một triết lý nhân sinh”do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc ấn hành năm 2014, sách dày 249 trang, khổ 24cm.
Thưởng thức “Mỗi truyện một triết lý nhân sinh” gần 290 câu chuyện được kể bằng nhiều hình thức qua sự chuyển ngữ - một lối chuyển ngữ cân bằng giữa độ chính xác và tinh thần Việt hóa cao của tác giả khiến ta có cái cảm giác được sống thêm nhiều đời sống khác ngoài bản thân mình. Đúng là “ngoài trời có trời”. Nói “Mỗi truyện một triết lý nhân sinh” là một Tập Đại Thành đời sống là vì sao? Các bạn có thể thấy trong cuốn sách này rất nhiều câu trả lời cho cuộc sống của mình và những người thân của mình. Chẳng hạn Truyện Bí quyết trường thọ (trang 141): Cụ Jeame Calment, người Pháp, thọ nhất thế giới 122 tuổi, cụ Jeame Calment tổng kết bí quyết trường thọ của mình là: “Giữ cho được thiện tâm, không đố kỵ, ghen ghét người, đừng mưu sâu kế hiểm, mỗi ngày là một niềm vui sống”. Một triết lý sống như thế, thiết nghĩ có tính phổ quát toàn nhân loại, không riêng gì cho người nước nào, thời đại nào. Con người hiện đại đang sống trong cơ chế thị trường, thường xuyên bị cuốn vào dòng thác lũ của cải vật chất. Họ lao tâm khổ tứ kiếm tiền nên mới có câu nói vui “Tuổi trẻ bán sức khỏe kiếm tiền, tuổi già bán tiền để mua sức khỏe”. Trên tinh thần này truyện Của cải và sức khỏe có thể coi như một lời nhắc nhẹ những ai quá đam mê vì tiền tài mà quên “sức khỏe là vàng”. Những ai qua ngưỡng “lục thập” sẽ thấy những câu chuyện trên là thấm ngẫm cái triết lí sống - chết, được - mất, sang - hèn ở đời… Đọc một mạch gần 290 câu chuyện, ngắn dài khác nhau, nhưng đều toát lên tinh thần đi tìm sự thật, đi tìm chân lý dù con người sống ở thời đại nào và vùng lãnh thổ nào trên trái đất này. Bao trùm lên là tinh thần tự tại, lạc quan sống và những kinh nghiệm ứng xử trong đời sống. Trong phạm trù lớn là văn hóa thì ứng xử đôi khi được xem như là bản chất của bản chất.
Những câu truyện trong “Mỗi truyện một triết lý nhân sinh” được chọn lọc trong rất nhiều chuyện hay của cổ kim đông tây trong ngoài nước, so với những lý luận trừu tượng đã thể hiện được đạo lý nhân sinh một cách đơn giản, trực tiếp và linh cảm hay nhất, lay động đến tâm linh mỗi người. Nội dung đề cấp đến nhiều vấn đề về tư tưởng và chân lý, ý chí và lòng tin, gian nan và cơ hội, lựa chọn và vứt bỏ, chức nghiệp và sự nghiệp, kinh doanh và quản lý, cuộc sống và của cải…, có thể giúp bạn đọc cảm ngộ một cách nhẹ nhàng về cuộc đời, tìm được đáp án mưu cầu về hạnh phúc và thành công. Và hơn thế nữa cuốn sách còn là một cẩm nang về ứng xử.
Trân trọng giới thiệu với bạn cuốn sách “Mỗi truyện một triết lý nhân sinh” hiện nay đang được phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, ký hiệu kho Đọc: 201000055-56 ; kho Mượn: 202000014-16.
Rất hân hạnh được phục vụ Quý độc giả!
Bùi Nga