Bí thư Tỉnh ủy – Từ cuộc đời “Cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc.
Lịch sử ghi công những con người xuất chúng theo những cách cũng không bằng phẳng như con đường đi của chính họ. Câu chuyện về ông Kim Ngọc gập ghềnh, trắc trở như câu chuyện của những nhân tài tuy đi qua cõi đời không dài nhưng đã để lại dấu ấn ngoạn mục. Điều mà lịch sử có thể làm được là gắn tên ông với danh xưng “Cha đẻ của khoán hộ” - người đã mạnh dạn cho ra đời phương thức sản xuất nông nghiệp cứu sống cả hàng chục triệu người Việt Nam.
Năm 1960, việc thành lập Hợp tác xã nông nghiệp được thực hiện ở khắp nông thôn miền Bắc và áp dụng cơ chế quản lý không phù hợp với nguyện vọng của nông dân gọi là khoán việc. Dù đất màu mỡ năng suất cũng rất thấp, lúa có chín bà con cũng không muốn đi gặt vì phần thóc được chia không đáng với mồ hôi đổ ra. Thu nhập của xã viên rất thấp, nông dân phải làm chui, tìm cách làm ăn khác.
Ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (sau là Vĩnh Phú) là người khởi xướng việc "khoán hộ" trong nông nghiệp ở nước ta vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Lúc này, hộ nông dân trở thành đơn vị sản xuất trong hợp tác xã, mỗi hộ làm chủ phần ruộng khoán, mọi việc đồng áng đều do mỗi hộ chủ động thức khuya dậy sớm, không còn đội trưởng, đội phó đôn đốc, không còn tệ nạn rong công, phóng điểm, bộ máy hợp tác xã cũng không còn cồng kềnh… Khoán hộ dần trở thành cơ chế quản lý tạo nên động lực thúc đẩy nông dân hăng hái sản xuất, cải thiện đời sống xã viên và mang lại sức sống cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời kỳ đó do sự bắt chước mô hình tổ chức xã hội của Liên Xô, các nhân vật cấp cao trong Đảng Cộng sản đã không đánh giá đúng về khoán hộ nên họ lên án gay gắt, coi khoán hộ là đối lập hoàn toàn với tập thể hóa và đưa phong trào hợp tác vào con đường làm ăn tư hữu. Ông Kim Ngọc phải làm kiểm điểm và tự nhận "có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ".
Từ những sự kiện phong phú và các tư liệu khác về cuộc đời của ông Kim Ngọc, nhà văn Vân Thảo đã xây dựng nên cuốn tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy – Từ cuộc đời “Cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc. Cuốn sách có độ dày 676 trang sách, khổ 23cm, được nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2010.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim (nguyên mẫu là ông Kim Ngọc). Cuốn sách tái hiện lại quãng thời gian vài năm ra đời, phát triển và kết cục của khoán hộ, tiền thân của khoán 10 sau này. Đây cũng là quãng đời của nhân vật bí thư Hoàng Kim cùng những đồng chí của ông đi tìm phương thuốc chữa căn bệnh đói nghèo của người nông dân.
Cuốn tiểu thuyết mở ra là khung cảnh ở hợp tác xã Gia Đạo, một nhóm nông dân ở sân kho hợp tác xã, người đến muộn, người ngáp ngắn ngáp dài, người uể oải chờ kẻng đánh để ra đồng, chờ cửa kho mở để lấy cày bừa, chờ một bà nạ dòng về nhà mở cửa chuồng lợn để lấy phân chuồng ra bón ruộng (vì chuồng lợn nhà bà cũng đã “vào hợp tác”)…Cùng với những cái ngáp ngắn ngáp dài và những lời ca thán về cái đói sôi réo ùng ục trong dạ dày rỗng của những người ngồi trên đất, sống chết với đất mà chưa đến vụ gặt đã biết “thóc chỉ lạng tám một công, gặt xong là sắm quang gánh lên miền ngược mua sắn về ăn cứu đói”… Và, có một người đã nghe rõ tiếng dạ dày rỗng sôi réo của nông dân, nghe thấy tiếng nức nở của đất đang bị hoang hóa, cày gãi bừa chùi, làm ăn gian dối, nghe thấy mệnh lệnh từ trái tim mình. Ông chính là Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim.
Với ngòi bút của mình, nhà văn Vân Thảo đã viết nên hành trình đi tìm những phương pháp cứu đói cho dân của Bí thư Hoàng Kim. Ông đã cùng các đồng chí của mình tìm trăm phương ngàn kế nhằm giao lại ruộng nương, ao đầm cho dân, để họ có đất, có cuốc có cày trong tay mà hăng hái lao động. Chính sách “Khoán hộ” ra đời như thế với biện pháp vừa mềm dẻo vừa mạnh mẽ, đã nâng cao năng suất, cho lúa đầy bồ mỗi nhà mà kho hợp tác cũng không còn rỗng, để mẹ già con thơ không phải nuốt nước miếng khi nằm mơ thấy bữa cơm có miếng thịt.
Tuy nhiên, những tư tưởng giáo điều, quan liêu, xa rời dân, xa rời đất đai đồng ruộng của cấp trên lập tức quy kết Bí thư Hoàng Kim và các đồng chí của ông là đi ngược chủ trương đường lối của Đảng, khuyến khích tư tưởng tư hữu. Những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại, những cuộc họp phê phán liên miên, những nghị quyết đẩy lùi bánh xe lịch sử... Bí thư Hoàng Kim bị kỷ luật, nhưng ông nói: “Làm thế thì Tỉnh ủy chúng tôi mắc phải cái tội tày đình là lấy đất tập thể chia cho nông dân làm ăn riêng lẻ. Nhưng nếu sợ tội mà không cho dân làm thì hàng chục ngàn héc - ta đất kia mãi mãi là đất hoang. Tôi đã quyết định thà chịu tội với trời còn hơn là mắc tội với đất. Tôi tin rằng lịch sử sẽ chứng minh cho việc làm của tôi”.
Ngoài câu chuyện “Khoán hộ”, cuốn tiểu thuyết đã khắc họa hình ảnh một người cộng sản chân chính, luôn suy nghĩ và hành động trên cơ sở lý tưởng của Đảng và thực tiễn đời sống nhân dân chứ không phải trên giấy tờ hành chính. Những bài học về nhân cách, đạo đức và dũng khí của một người lãnh đạo là những bài học đáng suy ngẫm. Một đảng viên đã “phá rào” bằng “khoán hộ”, một Bí thư Tỉnh ủy lặn lội với nông dân trên từng cánh đồng, một con người đã đấu tranh đi trước thời đại.
Những trang cuối cùng của tiểu thuyết là “Khúc tưởng niệm một con người”. Tác giả mang đến cho người đọc những tình cảm xót xa và kính phục một con người giản dị hết lòng vì dân vì nước. Ông mất năm 1979, hưởng thọ 62 tuổi. Dòng người tiễn đưa ông rồng rắn nối theo sau với tấm lòng thương tiếc, họ nói rằng: “Những người như ông ấy sao không sống được lâu lâu cho dân nhờ mà đi vội thế không biết”. Những vòng hoa phủ kín ngôi mộ của ông, trong đó nhiều vòng hoa của bà con nông dân hái ở vườn nhà, trên đồng ruộng. Những tên đất, tên làng một thời gắn không biết bao nhiêu công sức nhọc nhằn, bao nỗi đau dằn vặt của ông để cho nông dân có một cuộc sống no đủ. Những người nông dân “Từ chỗ đói nghèo thiếu ăn từng bữa, bây giờ nhà nhà không những đủ ăn mà còn làm được nhà cao cửa rộng”.
Tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy – Từ cuộc đời “Cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc được tác giả sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một con người anh hùng có thật đã khiến cho một câu chuyện về chính trị, lịch sử trở nên rất dễ tiếp cận với người đọc.
Qua tác phẩm, tác giả giúp bạn đọc hiểu thêm về một giai đoạn phát triển kinh tế nông nghiệp Bắc Bộ từ thập niên 60 của thế kỷ trước nhưng dường như vẫn mang hơi thở nóng hổi như vừa mới ngày hôm qua. Và trên tất cả, cuốn tiểu thuyết đã mang đến cho bạn đọc chân dung sống động và giản dị về một con người, một nhân cách vì sự nghiệp của dân, của nước, không nghĩ đến danh vọng, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm đương đầu với mọi áp lực để thực hiện mục đích cho dân no ấm. Ông đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, lịch sử mãi ghi nhớ công ơn của ông - “cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc.
Câu chuyện về khoán hộ đến bây giờ đã thành lịch sử nhưng bài học về thời cuộc vẫn còn nguyên giá trị. Cuốn tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy – Từ cuộc đời “Cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc của nhà văn Vân Thảo hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc, phòng Mượn và phòng Địa chí Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, mời độc giả đón đọc!
Thanh Bình