Ngày đăng: 13/01/2025 16:02
Lượt xem: 433
NGÀY TẾT TÌM HIỂU HOA MAI TRÊN GỐM CỔ

“Thiên hạ tầm song phẩm

Nhân gian đệ nhất mai”

         Nếu như trong nghệ thuật trang trí gốm Lý, Trần (tk XI-XIV) chúng ta thường gặp các đề tài trang trí Phật giáo như hoa sen, lan, cúc; thì sang đến thời Lê - Nguyễn (từ tk XV- đầu tk XX), hoa mai trở thành đề tài chủ đạo trong trang trí, bởi thời kỳ này Nho giáo phát triển cực thịnh, hoa mai với vẻ đẹp thanh tao được ví như người phụ nữ trong trắng, đức hạnh; hơn nữa loài hoa này còn rất đỗi quen thuộc trong đời sống của mọi tầng lớp xã hội, từ vua chúa cho đến thường dân. Chính vì vậy, đề tài hoa mai được các họa công vẽ gốm khai thác qua ý niệm miêu tả để phóng bút làm đẹp hơn cho vật dụng từ chất liệu gốm, sứ nhằm đáp ứng thẩm mỹ sử dụng trong sinh hoạt và trang trí nhà cửa.

Trở lại với dòng gốm sứ cổ thuần Việt, nhất là dòng gốm sứ Bát Tràng, Vạn Ninh có niên đại thế kỷ XVIII-XX; chúng ta sẽ gặp không ít các đề tài trang trí hoa mai, bên cạnh các trang trí khác mà người thợ vẽ gốm sứ xưa lựa chọn phóng bút miêu tả qua bốn đề tài chính như: mai - chữ thọ; mai - chim sáo; mai - con người; mai - trúc - lan,….trên các đồ vật gia dụng (như bình hoa, thống, choé, nai, bát, đĩa….). Chính vì lẽ đó mà biết bao nhà sưu tập, người chơi gốm sứ cổ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thanh tao, cốt cách tinh thần của hoa mai qua lối vẽ công phu, tinh tế mà uyển chuyển tạo ra một bố cục tĩnh vật sinh động với những khóm cây, lá cành, hoa và điểm xuyết vài nhánh cỏ, vần thơ theo phong cách tranh "sơn  thủy" khiến họa phẩm trên sứ cổ trở nên sinh động, lôi cuốn; sự khám cái mới được phát hiện từ quá khứ lan toả khiến thú chơi, sưu tầm “hoa mai” trên cổ ngoạn ngày một hấp dẫn.

Thứ nhất, trong dòng gốm Bát Tràng đắp nổi, men màu tam thái có không ít các vật dụng trang trí đề tài hoa mai; trong đó người thợ có chú ý cả điểm miêu tả chính và phụ. Trên một chiếc bình dáng bí, người thợ đắp tích “đạp tuyết tầm mai” rất sinh động trong một bố cục dọc có một cây mai già mọc bên mom đá, cành la xuống khúc khuỷ, đang nở hoa, phía dưới có một người dáng vẻ cao sang đang cưỡi lừa, theo sau là  một tiểu  đồng đi bộ, tay vác một cành mai hoa đang nở. Trên khoảng không của bức hoạ có khắc câu thơ chữ Hán “kỳ lộ quá tiểu kiều/độc thám mai hoa sấu” hiểu nghĩa là: cưỡi lừa qua cầu nhỏ/ để kiếm cành mai gầy. Trong một đề tài khác, người thợ gốm đắp nổi cảnh “Hoa mai - chim sáo” trên thân một chiếc choé; điểm trang trí chính là cành mai già với những vấu, bìu khẳng khiu, già nua xù xì, nhưng được điểm xuyết bằng những đoá mai trắng nở rộ khoe nhị vàng, nụ hoa chúm chím hàm tiếu, đầu cành có lộc non và đôi chim sáo đang nhảy nhót,  nô đùa miệng hót líu lo goị bạn tình; cả bức hoạ toát lên vẻ đẹp sinh động gợi cho người xem mông lung giữa cái thực và ảo trước mắt. Hay ở một trang trí khác, người thợ đắp nổi “mai cài thọ” theo ước vọng của xưa; một cành mai khúc khuỷ mọc theo thế thác đổ, với những bông hoa mai nở mãn khai, trên cành mai có gài một chữ Thọ to bố cục theo kiểu triện. Màu sắc được người thợ vẽ gốm xưa tô màu men tam thái (xanh, vàng, nâu đỏ) rất sinh động và dung dị. Vẻ đẹp của gốm men ngà, kết hợp với tô màu men tam thái trầm nóng nung qua lửa đã tạo nên cho vẻ đẹp gốm Bát Tràng thêm sâu lắng, mà ấm áp vô cùng. Chẳng vì vẻ đẹp đó, mà có nhà nghiên cứu đã thốt lên rằng “vẻ đẹp của gốm là nghệ thuật tôi luyện giữa đất và lửa”.

Thứ hai, trên trang trí sản phẩm sứ Vạn Ninh ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX sang đầu XX, người thợ xưa đã biết kế  thừa  và  chú trọng đến cách  trang trí  hoa mai trên vật dụng; bên cạnh các trang trí theo điển tích cổ (Tam cố thảo lư; Bát tiên; Ngư ông đắc lợi,…); cảnh  thiên nhiên (Tùng lộc; sen vịt; voi cây chuối;…)…Trong đó đề tài hoa mai luôn được vẽ  kết hợp với  thư pháp theo tiêu chí “trong thư có hoạ, trong hoạ có thư”, tạo nên bức hoạ đẹp, tinh tế uyển chuyển gần gũi với phong cách vẽ  sứ Thanh hay men Lam Huế. Quan sát từ một chiếc đĩa vẽ theo dạng ký kiểu là cảnh ba bông hoa mai nở rộ, có cành lá đan xen; trên cành vẽ một con chim đang đậu, đầu ngoảnh lại như đang cất tiếng hót; bên trên khoảng trống của bố cục là câu thơ chữ Hán viết theo dạng đá thảo “hảo điểu chi đầu diệc bằng hữu” hiểu nghĩa là: con chim đẹp đậu đầu cành cũng là người bạn tốt. hơn nữa người hoạ công còn vẽ chiếc lá to vắt qua miệng ra phía trôn đĩa, tạo nên nét đẹp mềm mại, duyên dáng hơn cho vật dụng. Cùng với đề tài này, trên cặp bình khác còn vẽ hai gốc mai già mọc treo leo trên mỏm đá hướng đối nhau, các cành mọc la đà, đan xen với những bông hoa mai  đang nở rộ cùng những chiếc búp non xanh biếc; đậu trên cành là một chú chim sáo đang đứng, một chân co, chân duỗi, phía trên có một con đang sải bay tới…tạo điểm nhấn cho khung cảnh tĩnh của mùa xuân xuất bỗng xuất hiện tiếng xao động bởi đàn chim líu lo gọi bầy. Một cách trang trí khá tinh tế khác lại nằm trong một chiếc dầm trà, người hoạ công vẽ một cành mai già đơm đầy hoa, các bông hoa đua nở, khoe sắc vàng dung dị, thanh tao; để bổ khuyết cho bố cục trống trong vòng tròn đồng tâm, người hoạ công vẽ thêm một chữ song hỷ cùng câu thơ chữ  Hán  viết  thảo thư “thiên hạ tầm song phẩm/ nhân gian đệ nhất mai”. Cùng với cách trang trí dầm uống trà, là một bức hoạ vẽ mai -hạc. Cả một gốc mai già được vẽ uốn cong trong vòng tròn, các cành lá hoa đua nở, bên dưới gốc mai là mỏm đá, có một con hạc đáng đứng thanh thản, một chân co, chân duỗi, đầu ngoảnh lại nhìn hoa nở. Để tạo điểm nhấn cho nội dung bức hoạ sinh động, lôi cuốn, người hoạ công vẽ gốm viết câu thơ “nghêu ngao vui thú yêng hà/ mai là bạn cũ hạc là người quen” tương truyền đây câu thơ của thi hào Nguyễn Du khi đi sứ đã làm bài thơ này và viết trên một bộ trà. Hay trong một chiếc đĩa khác, người hoạ công vẽ mộc gốc mai già, mọc uốn cành tạo hình thành chữ Nữ , trên cành có con hạc đang đứng rất thanh cao qua nét vẽ chàm xanh tinh tế và trau chuốt, bên trên viết câu thơ “hàn mai xuân tín tảo/ tiên hạc báo chi đầu”.

Điều đáng chú ý trên dòng gốm sứ Việt, người thợ vẽ gốm chỉ mượn đề tài trong dân gian để phác họa ngợi ca vẻ đẹp vô tiền khoáng hậu của hoa mai như một yếu tố hư trong cái thực nhằm tôn cái thực qua vẻ đẹp mỹ miều của hoa mai. Hơn nữa đến đây chúng ta chợt thấy, thơ chữ Hán luôn là một thách đố với quảng đại quần chúng yêu vốn cổ, nhưng như một ngoại lệ những câu thơ trên lại dễ hiểu đến độ ai cũng hiểu hoa mai là thế nào, để trở thành "nhân vật chính" trong một bố cục nghệ thuật trang trí gốm sứ đến công phu. Điều này cũng dễ hiểu, bởi sở dĩ nhiều họa gia đã lấy cảm hứng sáng tác cho các bức "mai hoa" của họ từ cảm nhận rất đời thường để lột tả, hoặc làm nổi bật vẻ đẹp cao quý của hoa mai qua tinh thần hội họa mang màu sắc phương Đông. Mặc dù cùng chung một ý nghĩa đề cao vẻ đẹp của hoa mai, song bên cạnh đó người hoạ công vẽ gốm sứ cổ đã không tách rời tính nhân văn của loài hoa bên cạnh nét miêu tả tự nhiên của chúng. Đây đích thực là những phác hoạ cổ điển nhất của tranh thuỷ mặc vẽ đề tài thiên nhiên; mà ở đó chúng ta cảm nhận những cánh hoa mai đang nở, những chú chim đậu trên cành mai như đang hót líu lo; những bóng người khiêm nhường trước vẻ đẹp của hoa mai,….Đúng như sinh thời chu thần Cao Bá Quát nói rằng: “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” hiểu nghiã là cả đời chỉ bái phục trước hoa mai mà thôi.

Tìm hiểu vài nét “hoa mai” trên gốm sứ cổ của  người Việt, chúng ta như càng hiểu hơn sự lựa chọn đầy trân trọng của ông cha ta đối với thế giới tự nhiên, để cùng sống chung với tự nhiên một cách hài hòa đáng kinh ngạc; mà trong đó các cổ vật khoác trên mình những nhành mai xuân ví như một thông điệp tốt lành của người xưa gửi lại hôm nay./.

 

Anh Ngọc