Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam; ca dao, tục ngữ là một bộ phận được hình thành nên từ nếp sống, phép ứng xử của người xưa trong sinh hoạt, lao động xã hội, lâu dần những câu nói được tu từ, gọt rũa để trở thành ngôn ngữ dễ nhớ, có nhịp điệu, hình ảnh mang nội hàm nói bóng, ví von, so sánh,..nhằm ám chỉ một đối tượng trong mối quan hệ, thay cho lời nói trực tiếp, cụ thể tới đối tượng. Bởi quan niệm ứng xử văn hóa của người xưa: Nói thực thì mất lòng.
Vậy để đạt được mục đích, người xưa đã khéo mượn hình tượng những con vật ngay trong cuộc sống thường nhật như trâu, bò, lợn, gà, chuột,...và cả rắn để gọt rũa thành ngôn ngữ, hình ảnh nhằm sử dụng trong khen - chê, khuyên - can....đối tượng, mà không sợ nói quá, hay gặp sự phản ứng trực tiếp từ đối tượng trong tương tác.
Trên cơ sở các câu tục ngữ mượn ý con Rắn để ứng xử; người viết chọn lọc những câu hay, đồng thời lấy ngôn ngữ chủ quan để diễn giải nghĩa từ và câu.
Ví dụ, người xưa chế riễu kẻ vô tích sự, thì nói “Vẽ rồng vẽ rắn”,“Vẽ rắn thêm chân”, “vẽ rồng thêm mắt” ý ở câu nhằm chê đối tượng chẳng làm nên việc gì mà còn bày vẽ lãng phí, tốn công, tốn của, không cần thiết.
Ám chỉ vai trò chỉ huy của một người đứng đầu tập thể không còn, làm cho bộ phận bên dưới không có tính thống nhất, lộn xộn “Rắn mất đầu”.
Nhằm chỉ nơi hiểm nguy độc địa “Miệng hùm, rắn độc” Ai đến đó sẽ không thể sống sót trở về.
Chỉ mối quan hệ trong cuộc sống cần nhận rõ đối tượng nguy hiểm để nên tránh hoạ “Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra”
Ý chỉ người rủi ro vừa thoát qua được nơi nguy hiểm thứ nhất, lại gặp ngay nguy hiểm tai ương thứ hai “Hùm tha rắn cắn”.
Ám chỉ kẻ đạo đức giả, miệng nói thương người nhưng lòng dạ mưu mô ác hiểm, luôn xuất ngôn hành động hãm hại người khác “Khẩu Phật tâm xà”.
Chỉ người luôn miệng bốp chát do nóng nảy, thậm chí chửi bới lung tung, nhưng lòng dạ ngay thẳng, nhân đức, bản chất bao dung “Khẩu xà tâm Phật”.
Nhằm chỉ những kẻ hay nghi ngờ, hoài nghi, không tin tưởng “Xà cung, thạch hổ”, ý là nhìn thấy cây cung nghĩ là rắn độc, thấy hòn đá ngờ là cọp dữ.
Ám chỉ sự lầm lẫn trước một việc làm phúc nhưng mất cảnh giác “áp rắn vào ngực”. Câu này đồng nghĩa với “Nuôi ong tay áo”.
Khuyên người biết phòng vệ, sử dụng đòn chí mạng đối với kẻ thù “Đánh rắn đánh đằng đầu”; hoặc “Đánh rắn dập đầu”.
Ngược lại với câu trên, lại mang hàm ý khuyên người hãy biết giữ mình khi chưa có thời cơ “Rắn khôn dấu đầu”.
Chỉ người nói dài dòng, lộn xộn, không nhất quán đầu cuối “Đầu rồng đuôi rắn”.
Ám chỉ những kẻ tu hành ăn thịt chó, làm những việc xấu xa, ác độc trái với phật pháp “Sư hổ mang”.
Chê người không biết ứng xử, gặp người lớn tuổi, người quen mà cứ giương mắt không chào hỏi “Thao láo như mắt rắn ráo”
Chê khéo một người có bụng dạ, tính cách xấu “Thẳng như rắn bò”.
Chê người vội vàng, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng “Oai oái như rắn bắt nhái”.
Chỉ người ngang ngược, thích tranh luận gay gắt những việc chẳng đâu vào đâu “Bạnh cổ như cổ hổ mang”.
Chê người luôn sợ sệt, nhút nhát “Len lét như rắn mùng năm”.
Ám chỉ kẻ xấu bày mưu hãm hại người khác đổ tội cho người khác “Rắn đổ nọc chỗ lươn”.
Nhằm chê trách kẻ phản bội, vô liêm sỉ, quên mất cội nguồn, phản bội Tổ quốc “Cõng rắn cắn gà nhà”. Câu này đồng nghĩa với câu “Rước voi giày mả tổ”.
Ngày xuân, bên chén rượu nồng, ngẫm nghĩ từng câu chữ về hình tượng rắn qua tục ngữ của người xưa, âu cũng là dịp giúp mỗi chúng ta thêm hiểu cách đối nhân xử thế, ích nước - lợi nhà, hướng tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống thường nhật./.
Ngọc Nguyễn
TLTK:
Sách: Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Vũ Ngọc Phan. NXB Văn học. năm 2021.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tục_ngữ_Việt_Nam
http://mnhuusan.sondong.edu.vn/thu-vien-so2/truyen-ke-dan-gian/tong-hop-cac-cau-ca-dao-tuc-ngu-viet-nam.html