Ngày đăng: 17/01/2025 09:47
Lượt xem: 235
Chi bộ đồn điền Tam Lộng - Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Yên

       Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đại diện cho Quốc tế Cộng sản tiến hành triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của Đảng tạo ra luồng gió mới trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam ở trong nước, làm thay đổi tính chất cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân, phong kiến.

      Đến tháng 6 năm 1933, tại tỉnh Vĩnh Yên, thực hiện chủ trương mở rộng cơ sở và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Chi bộ đồn điền Đa Phúc (Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Phúc Yên) đã cử đồng chí Lê Đình Tuyển sang đồn điền Tam Lộng (xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên) để gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây đồng chí Lê Đình Tuyển đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều quần chúng, qua đó chọn lọc những người có tinh thần yêu nước để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng để bồi dưỡng kết nạp hội viên mới vào các tổ chức: Nông hội, Tự vệ, Thanh niên cộng sản đoàn trong đồn điền. Từ cơ sở hoạt động Tam Lộng, hoạt động đã lan rộng ra: Ấp Đồn, ấp Hương Đà, Hương Vị, Gia Du, Lưu Quang, Hương Ngọc, chùa Tiếng, Châu Sơn... trong huyện Bình Xuyên. Đến đầu tháng 10/1933, số hội viên tăng lên trên 100 người; những hội viên xuất sắc được tuyên truyền, giác ngộ về Đảng và một số hội viên đã được kết nạp vào tổ chức Đảng.

        Trước sự phát triển mạnh mẽ của hội viên và phong trào cách mạng; đến tháng 10/1933, đồng chí Lê Đình Tuyển đã triệu tập các đảng viên họp tại địa điểm ấp Hương Đà và tuyên bố thành lập chi bộ đồn điền Tam Lộng (Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Yên- nay là tỉnh Vĩnh Phúc), gồm 6 đảng viên, do đồng chí Trần Văn Nhiên (tức Trần Quang Sơn) được cử làm Bí thư. Sau khi thành lập, chi bộ đồn điền Tam Lộng đã tổ chức nhiều hoạt động như: mở lớp dạy chữ quốc ngữ, tổ chức nói chuyện, sinh hoạt, giúp hội viên và những người giác ngộ hiểu rõ hơn về Đảng và cách mạng; đồng thời chi bộ lãnh đạo các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, bớt phu phen tạp dịch; vơ vét, bắt người... đều giành thắng lợi.

      Tháng 4/1934, lo sợ sự phát triển của tổ chức cơ sở Đảng Tam Lộng, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố cơ sở, một số đảng viên và hội viên nông hội bị bắt, số còn lại bị đuổi ra khỏi đồn điền,…tổ chức chi bộ đồn điền Tam Lộng bị tan vỡ, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.

      Tuy chi bộ đồn điền Tam Lộng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã gây được tiếng vang, cổ vũ cho tổ chức quần chúng tập dượt đấu tranh cách mạng, tạo sức ảnh hưởng sâu rộng đến việc ra đời các chi bộ Đảng Cộng sản như chi bộ Vĩnh Tường (tháng 8/1938), chi bộ khu vực Dẫn Tự-Hòa Lạc; Thượng Trưng (cuối năm 1939), chi bộ Lâm Hộ của thị xã Phúc Yên (tháng 02/1940),... Đó là những nhân tố quan trọng để Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban Cán sự liên tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên - tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc sau này.

                                                                                                 Anh Ngọc

TLTK:

1.Biên niên những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (1930-2010). BCH Đảng bộ tỉnh xuất bản 2010.

2.https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3342