Ngày đăng: 17/01/2025 10:46
Lượt xem: 229
Tục chơi Đào ngày tết xưa & nay

         Xưa trong những ngày Tết Nguyên Đán, người Việt thường trang hoàng nhà cửa cho cảnh sắc thêm Xuân với mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, đôi câu đối đỏ và những bức tranh Tết; nhưng tiêu biểu hơn trong không gian ngôi nhà ngày Tết là cành đào trên bàn thờ gia tiên mang thông điệp báo tin Tết đến, Xuân về.

        Theo quan niệm của người xưa, cành đào ngày Tết không những mang vẻ đẹp  tượng trưng của sắc Xuân mà nó còn ngụ ý như một bùa chú bảo hộ bình an, mang niềm cát tường đến cho gia đình; nên ngày Tết, dù có thể là thiếu thứ này hay thứ khác, nhưng gia đình nào cũng cố gắng có cành đào trong nhà. Bởi tục này bắt nguồn từ một quan niệm về vũ trụ, cùng thế giới linh thần, yêu ma và phép ứng xử của loài người trong thuở hồng hoang, giữa tồn tại và phát triển của ý thức hệ tín ngưỡng thờ thần. Chuyện rằng: “Xưa trên ngọn núi Sóc ở phía Đông Bắc Việt, có một cây đào cổ thụ, cành lá toả rộng đến 3000 dặm; trên núi có hai vị thần núi là Thần Đô và Uất Luỹ lấy bóng cây làm nơi trú ngụ và cai quản nước quỷ, để chúng khỏi quấy nhiễu cuộc sống dân lành. Nếu phát hiện tên quỷ nào có dấu hiệu gieo tai hoạ cho trần gian là hai vị thần bắt ngay, rồi treo cổ lên cây đào cho đến chết và vứt xác cho thần Hổ ăn thịt; bởi vậy mà bọn quỷ cứ hễ nhìn thấy bóng hai vị thần là sợ hãi, sợ luôn cả hình bóng của cây đào. Nhưng thường đến đầu năm (Tết Nguyên Đán) hai vị Thần Đô và Uất Luỹ phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng; trong thời gian đi vắng bọn quỷ thường tác yêu, tác quái dưới trần gian. Để ma quỷ khỏi quấy phá, đến cuối năm dân chúng khắp vùng lên núi Sóc bẻ cành đào về để yểm trong nhà; còn những ai không có cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị Thần Đô và Uất Luỹ dán ở cổng, cửa nhà để trấn áp tà khí, xua đuổi ma quỷ”. Theo thời gian, tục cắm đào với một ý niệm tín ngưỡng sâu sắc như thế đã đi vào tâm thức dân gian người Việt, trở thành một nét đẹp văn hoá ứng xử mỗi độ Xuân về.

          Ngày nay, quan niệm cành đào ngày Tết được gán với bùa chú có lẽ cũng không còn; và hẳn câu chuyện về hai vị Thần Đô và Uất Luỹ vẫn nằm sâu trong điển tích. Thay vào đó là những hình ảnh cành đào mang ý nghĩa biểu trưng khác như: Ngũ phúc (phú-quý-thọ-khang-ninh); Tam Đa (phúc-lộc-thọ); lưỡng long phun châu (hai rồng nhả ngọc); long hạ phúc đáo (rồng xuống phúc đến), rồi những cành đào tự nhiên, dáng thế phá cách không gò bó,…được mỗi người lựa chọn theo cách chơi của riêng mình; nó vừa mang ý nghĩa cầu chúc cát tường trong năm mới; nhưng đồng thời còn thể hiện tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp tượng trưng của “Chúa Xuân” và sự trang nhã của người thưởng ngoạn;  quan niệm “chơi hoa xuân” được chuyển hoá như thế, âu cũng là điều phù hợp với nhịp sống hiện đại và quy luật phát triển của muôn đời./.

                                                                                                                                           Anh Ngọc