Chơi chữ và dùng chữ trong ngày Xuân là một nét đẹp văn hoá tao nhã của xưa; thú chơi chữ đó vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Những năm gần đây, thú chơi hoài cổ đang trở thành trào lưu trong bộ phận lớp trẻ, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về nhiều gia đình thường đi xin chữ về nhà treo với ước vọng năm mới cát tường như ý; trong đó chữ: Ngũ phúc lâm môn (五福 臨門) thường được mọi nhà ưu dùng, dán hoặc treo trước cửa ngôi nhà như một thông điệp nghênh xuân, lời chúc tết đầu năm cho cả gia đình mình.
Ngũ phúc lâm môn là một thành ngữ rất quen thuộc nên trong dân gian rất ưa thích, từ người biết chữ đến người không biết chữ Hán cũng sùng treo ở nhà, đặc biệt trong mấy ngày Tết; nhưng có lẽ rất ít người biết thấu cái gọi Ngũ phúc (五福 ) là chỉ năm loại phúc nào. Đôi khi có hiểu cũng chưa tỏ hoặc lệch lạc đôi từ. Còn nói về triết tự của ngũ phúc người hiểu nó lại càng ít.
Vậy, dẫn theo Kinh Thư do thầy Khổng Tử và các học trò san định, sưu tập và dẫn giải trên 300 bài Phong dao bình dân, Ca từ của giới quý tộc ở Trung Quốc thời kỳ TCN; thì Ngũ phúc bao gồm: Phú (giàu có), An (yên lành), Thọ (sống lâu), Du hảo đức (có đức tốt) và Khảo chung mệnh (vui, hết tuổi trời).
Về sau để cho thuận cách gọi, người xưa luận và sắp xếp ngũ phúc theo thứ tự:
- Phúc thứ nhất: Trường Thọ (長 壽) là sống khoẻ lâu dài, không bị chết non.
- Phúc thứ hai: Phú Quý (富 貴) là tiền của rất nhiều, địa vị tôn quý.
- Phúc thứ ba: Khanh Ninh (康 寧) là thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn.
- Phúc thứ tư: Hiếu Đức (好 德) là tính lương thiện, nhân hậu, bình tâm.
- Phúc thứ năm: Thiện Chung (善 終) là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. Khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian.
Ngũ phúc tóm lại: một là: cầu sống lâu trăm tuổi; hai là: cầu mong vinh hoa phú quý; ba là: cầu tốt lành bình an; bốn là: cầu việc làm thiện để góp giữ đức; năm là: mong đến già chết nhẹ nhàng thanh thản.
Vậy nếu ai hội đủ ngũ phúc như trên có thể coi cuộc đời là sự hạnh phúc viên mãn, thập toàn-thập mỹ; còn các trường hợp khác đều là tốt đẹp nhưng chưa trọn vẹn; dân gian gọi là ngũ phúc khiếm khuyết. Suy giải thực tế trong cuộc sống, có người tuy trường thọ mà ít phúc, có người thọ 100 tuổi mà sống nghèo, có người phú quý lại đoản mệnh, có người phú quý nhưng vô cùng lao tâm khổ tứ, có người thoả mãn với cuộc sống thanh bần nhàn du, có người nghèo hèn mà thiện chung, có người phú quý nhưng cuối đời lại gặp tai họa..v.v..Suy ra cảnh ngộ cuộc đời phức tạp, khó lường.
Dựa theo Thuyết nhân quả, Phật giáo gọi phúc thứ tư – Hiếu đức (好 德) là quan trọng nhất trong năm phúc, bởi nó là nguyên nhân. Còn Trường thọ, Phú quý, Khang ninh và Thiện chung là kết quả.
Nếu cuộc đời của ngày hôm nay có được sự trường thọ, phú quý, khang ninh là kết quả tất yếu của đời quá khứ (tức là âm đức tổ tiên để lại), còn thiện chung chủ yếu là do kết quả của đời nay đã vun trồng nên những đức tốt. Vì có cái đức lương thiện, nhân hậu, hiền hoà được coi là “phúc tướng” tốt nhất. Ðức là nguyên nhân và cái gốc của phúc. Phúc là biểu hiện kết quả của đức. Con người với “phúc - Hiếu đức” đôn hậu thuần khiết, lúc nào cũng luôn làm việc thiện, tu nhân, tích đức mới có thể bồi dưỡng bốn phúc: Trường Thọ, Phú Quý, Khanh, Ninh, Thiện Chung làm cho nó không ngừng phát triển.
Người đời nay luận ngũ phúc là: Phú-Quý-Thọ-Khang-Ninh hoặc Phúc-Lộc-Thọ-Hỷ-Tài...Tuy nhiên xét cho cùng, quan điểm này xem ra lại hiểu chưa tới đích cái gọi là ngũ phúc của người xưa. Để hiểu cho đúng quan niệm Ngũ phúc, chúng ta phải nhìn lại và suy ngẫm để bổ khuyết vào hành trang cho mình và cho mỗi người để từ đó vươn tới Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống thường nhật./.
Nguyễn Anh