Từ sau hoà bình lập lại (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người luôn dành tình cảm thăm hỏi động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc. Người căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Những chuyến thăm của Người đã đi vào lịch sử, là dấu chấm son, niềm vinh dự cho mọi thế hệ. Đó là :
Ngày 12/2/1956 (tức ngày mồng 1 tết Bính Thân) Bác Hồ về thăm xã Tân Phong - một xã nghèo thuộc huyện Bình Xuyên có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, một xã đi đầu trong sự nghiệp khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội sau hoà bình lập lại. Bác Hồ nói chuyện và biểu dương cán bộ và nhân dân xã Tân Phong đã có công lớn trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời Người khuyên trong thời bình, mọi người phải biết đoàm kết, tăng gia sản xuất, phải tham gia tổ đổi công, tương trợ lẫn nhau sản xuất để xây dựng HTX. Cuối cùng Bác bắt nhịp bài “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát
- Ngày 30/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm HTX nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hoà, huyện Tam Dương - Một điển hình tiên tiến trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Khi đến thăm xã Cộng Hoà, người biểu dương thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nay lại là địa phương làm ăn giỏi, xây dựng HTX Lai Sơn kiểu mẫu; đồng thời Bác căn dặn: cán bộ và nhân dân phải hăng hái đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới. Muốn làm tốt mọi người phải biết đoàn kết vận động nhau vào tổ đổi công rồi tiến lên HTX. Bác khuyên đồng bào vừa sản xuất lương thực, vừa phải tích cực chăn nuôi và trồng cây ở những nơi đất rộng, không được để hoang phế. Trong buổi nói chuyện, Người còn căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh huyện xã, HTX là phải thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng; thực hiện tốt mọi mặt công tác chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng vững mạnh, xây dựng các điển hình tiên tiến, xuất sắc, đảng viên thì phải gương mẫu, nói đi đôi với làm thật tốt để tiếp bước cho mọi người noi theo.
- Ngày 21/12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thị xã Phúc Yên; sau khi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ, Người đến thăm, hỏi một đơn vị bộ đội của Liên khu Việt Bắc đóng quân ở Thành đỏ; tiếp đó, Người gặp gỡ, nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp và nhân dân địa phương. Về nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp tại Phúc Yên. Người đã dành nhiều thời gian để phân tích về kinh tế nông nghiệp nói chung và HTX nói riêng. Người nhấn mạnh về lợi ích của HTX, lối làm ăn mới, làm ăn tập thể đó là con đường tất yếu để đi lên CNXH. Để xây dựng tập thể, trước hết phải dân chủ trong công việc vì chỉ có dân chủ tới sản xuất, phân phối sản phẩm mới rõ ràng, công khai đảm bảo tính công bằng, đoàn kết để tạo nên sức mạnh tập thể, khắc phục nhược điểm yếu kém của cá nhân xây dựng HTX vững mạnh.
- Ngày 21/01/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường - Đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc. Người nói chuyện với bà con nông dân, Bác giải thích mộc mạc “CNXH là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”. Người nói “Muốn làm nhà phải có gỗ, muốn có gỗ phải hăng hái trồng cây”. Sau ngày Bác về thăm Lạc Trung người còn viết hai bài báo giới thiệu điển hình Lạc Trung trồng cây trên báo Nhân dân số 2506 ngày 28/01/1961 và số 2839 ngày 30/12/1961. Sau đó Người về làm việc với Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, và ghé thăm chùa Hà Tiên.
- Ngày 2/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về biểu dương tinh thần chống hạn và nói chuyện với 16.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên. Bác biểu dương tinh thần chống hạn trong vụ mùa Đông Xuân; đồng bào phải tiếp tục ra sức chống hạn, quyết tâm đánh thắng giặc hạn giành vụ mùa Đông Xuân thắng lợi; như vậy là góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải biết biến những chủ trương của Đảng thành quan tâm của nhân dân và cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,...phải đi sâu vào cơ sở tuyên truyền giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng HTX, xây dựng nước nhà. Người nói “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
- Ngày 16/7/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III; trong đó, Người yêu cầu “Mỗi đảng viên đều phải gương mẫu, người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH...”. Bác chúc “...các cô, các chú làm được nhiều để cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”.
- Ngày 27/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Tam Đảo họp và phát biểu với các đồng chí Quân uỷ Trung ương. Đến chiều cùng ngày, Người rời khu nghỉ mát Tam Đảo về Hà Nội. Tuy nhiên chuyến đi này, do yêu cầu bí mật của công tác nên không có những cuộc tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhân dân Vĩnh Phúc.
Những lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tám lần thăm tỉnh là quan điểm chỉ đạo, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hướng tới xây dựng một Vĩnh Phúc “giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc”. Để thực hiện lời dạy ân tình, quý báu đó; trước hết chúng ta phải hiểu sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Người trong tám lần về thăm (từ năm 1955 đến 1968). Đó là:
- Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể vững mạnh.
- Giáo dục lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Ý thức xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Tinh thần bảo vệ Tổ quốc.
- Xây dựng đoàn kết toàn dân.
- Xây dựng kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Những quan điểm trên được Bác truyền thụ trong những lần: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (năm 1963); thăm HTX nông nghiệp Lai Sơn (năm 1958); phong trào trồng cây ở thôn Lạc Trung xã Bình Dương (1961);...Ở đâu lời Người cũng chân thành, mộc mạc giản dị nhưng sâu sắc. Lời Bác dạy đang từng ngày thúc giục chúng ta đi.
Nguyễn Anh Ngọc
*TLTK:
Những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc.NXB Sở VHTT-DL.Năm 2009.