Ngày đăng: 13/12/2024 16:18
Lượt xem: 2135
Thói quen tốt rèn trí não siêu việt

          Thực tế hiện nay, với mong muốn con cái có một tương lai đảm bảo, nhiều bậc cha mẹ thường nhồi nhét kiến thức, cho con đi học thêm kín thời gian, khiến cho cơ hội được hoạt động thể chất và vui chơi của trẻ giảm đi đáng kể. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng, áp lực, khiến trẻ không thể phát huy tiềm năng của mình.

Để trẻ em được phát triển toàn diện, cuốn sách “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt” của tác giả Kubota Kisou, một chuyên gia thần kinh học hàng đầu của Nhật Bản, sẽ là một nguồn tài liệu quý giá và thiết thực dành cho các bậc phụ huynh trong việc tìm ra những phương pháp nuôi dạy con tốt nhất cả về trí não và thể chất thông qua những thói quen sinh hoạt hàng ngày. Sách do Phạm Thị Hà Trang dịch, nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2024.

Cuốn sách “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt” sẽ đưa ra những hướng dẫn thực tế, cụ thể dành cho phụ huynh, giúp họ nhận thức được rằng việc nuôi dạy con không chỉ đơn thuần là việc nhồi nhét kiến thức mà còn cần phải tạo ra một môi trường vui chơi và hoạt động lành mạnh. Hãy cùng khám phá những bí quyết tuyệt vời để nuôi dạy trẻ thành công và hạnh phúc thông qua 4 chương của cuốn sách như sau:

Chương 1 “Rèn luyện não qua thói quen sinh hoạt”

Chương 2 “Tại sao vận động sẽ giúp trẻ trở nên thông minh hơn?”

 Chương 3 “Việc sử dụng tay hoặc ca hát đều là những hình thức vận động ưu việt”

Chương 4 “Những việc làm trong sinh hoạt hàng ngày”.

Trong mỗi chương, tác giả trình bày thành nhiều đề mục nhỏ có nội dung rõ ràng, lô gic, dẫn chứng dễ hiểu giúp các bậc phụ huynh dễ dàng tiếp nhận phương pháp nuôi dạy con khoa học mà tác giả Kubota Kisou đã tâm huyết nghiên cứu.

Với Chương 1 “Rèn luyện não qua thói quen sinh hoạt” có các đề mục: Tầm quan trọng của giấc ngủ; Nghiêm khắc tuân thủ khi nào thì phải dừng ăn; Cách sử dụng hợp lý ti vi và trò chơi điện tử; Dạy trẻ biết chịu đựng; Tại sao chào hỏi lại quan trọng?; Khi làm được điều gì mới, não trẻ sẽ trưởng thành…

Tại đây, tác giả chỉ ra rằng: Cách ăn uống, sử dụng ngôn từ, học tập, vận động, kết bạn, giúp đỡ mọi người…là một vài trong số rất nhiều những thói quen sinh hoạt của trẻ mà phụ huynh cần coi trọng. Ngủ đủ giấc và đúng giờ là điều vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cho cuộc sống bởi giấc ngủ liên quan đến hormone tăng trưởng. Hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất vào khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Do vậy trẻ em cần ngủ vào khoảng thời gian này để  trí não và cơ thể của trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn. Ngay cả khi ngủ, não cũng không nghỉ ngơi, mà lúc đó các tế bào thần kinh não vẫn hoạt động để củng cố ký ức. Nếu bạn học trước khi ngủ, bạn sẽ ghi nhớ bài tốt hơn. So với việc thức suốt đêm để ôn bài thì việc học một chút rồi ngủ sẽ giúp củng cố ký ức hơn. Như vậy học xong đi ngủ chẳng phải sẽ tốt hơn sao?

Tác giả hướng dẫn cách cho trẻ sử dụng hợp lý ti vi và trò chơi điện tử: Khi xem tivi không nên ngồi yên xem mà để trẻ vừa xem vừa làm một điều gì đó mới mẻ hoặc tranh thủ vận động cơ thể…Còn trò chơi điện tử thì sao? Chơi điện tử không xấu. Trò chơi điện tử rèn người chơi khả năng suy nghĩ nhanh, thao tác nhanh và đưa ra hành động kịp thời. Cha mẹ có thể cho trẻ chơi điện tử như một phần thưởng và quy định thời gian chơi sẽ mang lại hiệu quả tốt, kích hoạt hệ thống tưởng tượng trong não bộ của trẻ.

Tại chương 2 “Tại sao vận động sẽ giúp trẻ trở nên thông minh hơn?” với các nội dung: Tất cả vận động đều xuất phát từ vùng vỏ não trước chán; Việc vận động cơ thể sử dụng đến não bộ nhiều hơn việc suy nghĩ; Trẻ phát triển nhanh hơn qua các phương thức vận động có tính thắng thua; Trẻ học cách giao tiếp qua các trò chơi đồng đội….

Qua các phương pháp được mô tả tại chương 2, tác giả muốn nhấn mạnh một điều mà các bậc cha mẹ nên đưa vào trong cuộc sống của trẻ ngay từ khi còn nhỏ, đó là vận động. Nghiên cứu chỉ ra rằng “tất cả các hình thức vận động được thực hiện do ý trí của bản thân đều xuất phát từ vùng vỏ não trước trán”. Hiểu một cách đơn giản, chúng ta nên vận động cơ thể nhiều hơn để não trở nên thông minh hơn. Tác giả đưa ra một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh về lợi ích của việc vận động, như: Nên để trẻ đi bộ hoặc chạy thay vì ngồi lỳ trước bàn học hàng tiếng đồng hồ. Dù là đi học thêm, thay vì đi và về bằng xe hơi thì việc đi bộ, chạy hoặc đạp xe sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn; Ngay từ khi còn nhỏ, nên để trẻ tích cực trò chuyện và nâng cao năng lực giao tiếp với cha mẹ, anh chị em, bạn bè. Năng lực giao tiếp này có thể rèn luyện rất nhiều thông qua vận động, đặc biệt là các trò chơi đồng đội…

Đến với Chương 3 “Việc sử dụng tay hoặc ca hát đều là những hình thức vận động ưu việt” gồm các nội dung: Làm thế nào để khiến cử động của bàn tay và ngón tay trở nên khéo léo; Nuôi dạy trẻ thành những đứa trẻ có biểu cảm phong phú; Chơi nhạc cụ giúp trẻ thông minh hơn; Tại sao hát lại tốt cho não;…

 Tác giả chỉ ra rằng: Việc vận động thân thể bao gồm cả tay và ngón tay sẽ giúp trí não hoạt động tốt hơn. Để giúp vùng não vận động của trẻ hoạt động một cách tích cực cho đến năm 2 tuổi, chúng ta phải để trẻ thực hiện cử động ngón tay ngay từ khi 0 tuổi như cầm đũa, cầm thìa…Nếu cha mẹ cầm thìa đút cho trẻ ăn sẽ làm lỡ cơ hội giúp trẻ sử dụng đôi tay. Chơi ném bóng với trẻ cũng là cách luyện tập sử dụng ngón tay rất hiệu quả. Trò chơi xếp hình, ghép tranh…cần trẻ vừa phải sử dụng não để suy nghĩ, vừa phải cử động tay sẽ rất tốt.

Tại sao hát lại tốt cho não? Hát rất có hiệu quả trong việc tưởng tượng. Ngay cả khi trẻ chưa nói được, cha mẹ cũng nên cho trẻ nghe thật nhiều bài hát hoặc cho trẻ chơi những món đồ chơi phát ra âm thanh, đưa âm nhạc vào cuộc sống của trẻ nhiều nhất có thể. Làm như vậy, nhất định năng lực xử lý thông tin về âm thanh của trẻ sẽ vượt trội so với những đứa trẻ khác.

Cuối cùng là Chương 4 “Những việc phải làm trong sinh hoạt hàng ngày”, gồm các nội dung như: Rèn luyện cảm xúc của trẻ bằng cách đi tản bộ; Vui chơi là kho báu của học tập; Dọn dẹp giúp rèn luyện vùng vỏ não trước chán;  Việc nói dối cũng là bằng chứng của sự khôn ngoan; Làm thế nào để xóa bỏ căng thẳng cho trẻ?...

Đối với việc rèn luyện cảm xúc của trẻ bằng cách đi tản bộ, tác giả hướng dẫn: Khi trẻ biết đi, phụ huynh có thể dẫn trẻ đi ra ngoài, rất hiệu quả trong việc rèn luyện vận động và cảm xúc của trẻ, cảm nhận thời tiết, mây trời, cảnh vật hoặc chạy nhảy, chơi đùa. Cha mẹ tận dụng tính tò mò của trẻ để khéo léo dạy chúng tên các vật, số đếm…

Đối với trẻ, cãi nhau cũng là một trải nghiệm rất quan trọng. Các bậc phụ huynh nên hạn chế can thiệp vào các cuộc cãi vã, bất đồng giữa lũ trẻ. Nếu chỉ cãi nhau nhỏ thì cha mẹ hãy im lặng dõi theo để trẻ tự xử lý. Đứng từ góc độ phát triển của trẻ, việc bọn trẻ tự giải quyết với nhau khi giành giật, cãi vã sẽ có ý nghĩa hơn so với việc cha mẹ lập tức chạy đến chỉ bảo, trách mắng chúng. Qua những lần cãi vã, trẻ sẽ tự mình ghi nhớ cách rút ngắn khoảng cách với bạn.

Ngoài ra, tác giả đưa ra những lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh: Đừng nên chê trách những việc trẻ không thể làm được mà hãy khen ngơi những việc trẻ có thể làm được; Đừng cằn nhằn trước mặt con cái; Việc cha mẹ và con cái cùng vận động tắm nắng vào buổi sáng cực kỳ tốt cho não; Vui chơi với bạn bè giúp trẻ học về quan hệ giữa người với người…

Qua 4 chương của cuốn sách “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt”, tác giả đưa ra những phương pháp thú vị dành cho các các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con. Chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh sẽ rất ngạc nhiên bởi những thói quen nuôi dạy con của mình chưa đúng, thậm trái trái ngược với những cách trên. Cuốn sách giúp chúng ta nhận ra rằng: Việc nuôi dạy con không phải để trẻ thành người răm rắp làm theo những yêu cầu của cha mẹ mà để trở thành những đứa trẻ có thể tự mình suy nghĩ tích cực và hành động. Hy vọng rằng những thói quen thú vị, hữu ích được giới thiệu trong cuốn sách này có thể mang đến cho các bậc phụ huynh những gợi mở trên hành trình nuôi dạy con, để những đứa trẻ được phát triển toàn diện và sẽ tỏa sáng trong tương lai.

Mời các bậc phụ huynh và các bạn tìm đọc cuốn sách “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt” của tác giả Kubota Kisou. Sách gồm 158 trang, khổ sách 19cm, do Phạm Thị Hà Trang dịch, nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2024. Sách hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, ký hiệu sách 201005509. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Hải Hà