Ngày đăng: 22/05/2023 09:12
Lượt xem: 1493
“Món quà tặng cha”
 
 

 “ Nếu phải viết về một người vĩ đại thì tôi sẽ viết về cha tôi. Trên đời này, có lẽ tình mẹ dễ cảm nhận hơn tình cha bởi lẽ đứa con nào cũng được mẹ mang nặng đẻ đau, được mẹ chăm nom từng bữa ăn, tấm áo. Nghĩa mẹ dạt dào như nguồn nước, như trong lời ca dao, song tình cha thì cao vời vợi, chỉ trong hoàn cảnh người con phải ngước mắt lên thì mới nhìn thấy được”

Đó là lời mở đề cho bài viết “Viết về cha” của tác giả Lưu Trọng Tuấn đăng trong cuốn “Món quà tặng cha” do Thu Hà tuyển chọn, nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2010. Sách chỉ dày vỏn vẹn 127 trang, khổ sách 19cm nhưng chứa đựng 38 bài viết về cha của nhiều tác giả. Mỗi bài viết chứa đựng những cảm nhận, những tình cảm của những đứa con dành tặng cho cha mình. Mỗi bài viết một cách khác nhau, kể về những câu chuyện khác nhau nhưng tựu chung lại đều thể hiện sự biết ơn, tôn trọng và những tình cảm tha thiết dành cho cha của mình.

Nổi bật trên bìa sách là hình ảnh người cha công kênh đứa con trên vai mình, hai tay dang rộng nâng đôi tay con hướng nhìn ra biển lớn đã cho thấy tình cha bao la, ấp ám nhường nào. Đúng như lời bài hát:

“Tình cha ấm áp như vầng thái dương
                                                                   Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn”

                                                                                                       (Tình cha – Ngọc Sơn)

Trong bài bài viết “Dáng ba”, tác giả ký tên TL kể, “Từ khi biết suy nghĩ đến bây giờ, con thấy có lẽ ít có người đàn ông nào vất vả vì gia đình hơn ba. Ngày xưa, khi còn ở quê. Cứ một năm mẹ bị ốm, một năm con bị ốm. Liên tục như vậy đến tận khi con vào Sài Gòn học và gia đình mình chuyển vào Gia Lai… và ba luôn chịu trách nhiệm về gia đình. Nuôi mẹ, nuôi các con ăn học bằng đôi vai nhỏ bé của mình. Sinh ra trong một gia đình lao động mà bàn tay con không bao giờ có một vết chai nào vì… gần như con chỉ có việc ăn và học. Và khi con thấy mình ngày càng cao lớn hơn thì ba ngày càng nhỏ lại theo sự vất vả, theo thời gian…”

Đó là những tâm sự của một cô sinh viên đại học năm thứ 2 viết về ba của mình sau khi bóng dáng của ba cô đi khuất sau cánh cửa thang máy trong lần lên thành phố thăm con. Lần lượt từng cảm xúc ùa về trong cô với những kỷ niệm về ba suốt từ khi cô còn nhỏ. Cô thầm cảm ơn về những gì ba cô đã làm cho cô và gia đình để cô có được như ngày hôm nay.

Còn trong bài “Đĩa súp nóng”, hình ảnh người cha hiện lên lại khác. Đó là một người đàn ông “gà trống nuôi con”. Thương con nhưng ông không làm thay con mà ông muốn dạy cho con mình dần trưởng thành theo cách của một người đàn ông, biết cách tự sống và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình.

Tác giả trong câu chuyện kể lại bài học đầu tiên mà cha dạy cho mình chính là: “Làm mẹ, thương con thổi cháo nguội cho con ăn. Làm cha, thương con phải dạy con biết cách húp đĩa súp nóng”. Ban đầu khi còn là một đứa trẻ thì tác giả cũng ấm ức vì không được cha thổi cháo nguội cho ăn như mẹ mà cha bắt tự múc cháo quanh đĩa để ăn vì cháo ở đó nguội hơn. Cho tới thời điểm, tác giả cũng là người làm cha thì rất thấm thía cách dạy con của cha mình.

Với bài “Cây roi tre” của tác giả Nguyễn Quốc Việt, hình ảnh người cha hiện lên với một sự nghiêm khắc rõ nét và người con thấy biết ơn vì sự nghiêm khắc đó của cha mà đã trưởng thành.

Ký ức của tác giả về lần đâu tiên được bố cho “ăn roi” và hình ảnh chiếc roi “luôn bệ vệ nơi góc nhà” như muốn nhắc tác giả luôn tránh đều sai trái và từ đó, tác giả cũng trưởng thành hơn. “Tôi lên phố học, không còn nhìn thấy chiếc roi của bố. Đêm. Thằng bạn gọi điện tâm sự đủ điều. Nó nói tôi sướng vì học xa nhà, chẳng bị ai la rầy. Còn bố mẹ nó thì hết đánh rồi lại mắng. Nó buồn lắm. Nghe xong, tôi còn buồn hơn nó. Tự dưng thèm cây roi của bố ngày xưa quất vào mông. Sóng mũi cay xè.”

Còn rất nhiều bài viết về cha trong cuốn sách như “Đôi bàn tay cha”, “Hơi ấm của cha”, “Thư gửi bố”, “Thần tượng suốt đời của tôi”… Có những bài đọc rất cảm động mà người đọc khó cầm nước mắt. Đọc xong những bài viết trong cuốn sách, chúng ta cảm nhận đâu đó có bóng dáng cha mình, vừa gần gũi, thân thương lại vừa xa cao vời vợi nhưng trên hết vẫn là sự biết ơn ra đấng sinh thành, giáo dưỡng để trở thành những người con có ích cho xã hội. Mỗi bài viết như những “Món quà tặng cha” thân thương của mình.

Sách hiện đang được phục vụ tại phòng Mượn thư viện tỉnh Vĩnh Phúc. Mã số ký hiệu: PM.030578. Trân trọng kính mời độc giả đón đọc!

                                               

                                                                                                              Hoàng Thị Thanh Bình