Ngày đăng: 02/06/2023 08:28
Lượt xem: 5317
Đường cong hạnh phúc

Thông thường con người ta đến tuổi tứ tuần luôn cảm thấy ít đi những giây phút hạnh phúc. Vậy sự phiền muộn này đến từ đâu, tại sao người ta lại cảm thấy bế tắc trong khi cuộc sống của họ đang rất thành công? Làm thế nào để vượt qua sự phiền muộn này? Nhà báo Jonathan Rauch sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi trên thông qua cuốn sách “Đường cong hạnh phúc”. Sách được nhà xuất bản Dân trí phát hành năm 2021, dày 307 trang, khổ 23cm.

Nội dung cuốn sách gồm 10 chương. Chương 1: Hành trình cuộc sống. Chương 2: Những điều mang lại và không mang lại hạnh phúc. Chương 3: Phát hiện kịp thời. Chương 4: Dáng hình của dòng sông. Chương 5: Cái bẫy của sự kì vọng. Chương 6: Nghịch lý của tuổi già. Chương 7: Gừng càng già càng cay. Chương 8: Tìm lại hạnh phúc. Chương 9: Tương trợ lẫn nhau. Chương 10: Lời bạt.

Tác giả cho biết mức độ hạnh phúc thay đổi theo một quỹ đạo hình chữ U nó bắt đầu suy giảm qua giai đoạn trưởng thành, nằm dưới đáy chữ U ở tuổi trung niên, và bắt đầu tăng trở lại ở độ tuổi 50.

Với lối viết đơn giản, hài hước, nhiều tư tưởng sâu sắc, dữ liệu ấn tượng cùng các phương pháp thực tế, tác giả sẽ giúp những người ở tuổi trung niên vượt qua “hố sâu phiền muộn” để đạt đến hạnh phúc.

Cuốn sách mang đến cho độc giả rất nhiều tri thức sâu sắc và các bài tập hữu ích, giúp họ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Vượt qua giai đoạn trung niên chán nản để chuẩn bị bước vào thời kì trưởng thành thứ hai với mục đích sống mạnh mẽ hơn. Sách nêu lên một nghịch lý về hạnh phúc rằng: khi chúng ta đạt đến đỉnh cao của thành công cũng là lúc hạnh phúc của ta sụp đổ.  Có rất nhiều người ở tuổi trung niên tuy đã gặt hái được không ít thành tựu nhưng họ vẫn cảm thấy phiền muộn bởi vì thành tựu họ đạt được không cao như họ đã kì vọng từ khi còn trẻ. Có những người đã đạt được thành công như mình kì vọng nhưng lại so sánh thành công của mình với những người thành công hơn mình vì vậy mà họ cảm thấy chán nản. Tác giả đưa ra lời khuyên cho những người đang ở độ tuổi trung niên: để có được hạnh phúc hãy ngừng so sánh mình với người khác, “hãy nhìn xuống chứ đừng nhìn lên”. Nếu cứ tiếp tục so sánh mình với người khác thì mình sẽ luôn cảm thấy không hài lòng về bản thân, không cảm thấy hạnh phúc. Mình nên so sánh mình với chính bản thân mình để thấy được sự tiến bộ để từ đó tìm thấy sự hài lòng và cảm giác hạnh phúc.

 Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống sung túc không có tác động nhiều đến chỉ số hạnh phúc của người dân. Nhà kinh tế học người anh Anh Richard Layard cho rằng: “Người dân ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh lại ít vui vẻ hơn những người ở các nước phát triển chậm hơn. Sự thay đổi chóng mặt khiến người ta cực kỳ bất an”.

Dựa trên những nghiên cứu từ các nhà kinh tế, tâm lý, thần kinh học và trải nghiệm cũng như tìm hiểu của chính bản thân, tác giả Jonathan Rauch đã chứng minh cho độc giả thấy rằng “Đường cong hạnh phúc” là một hiện tượng phổ biến  trong cuộc sống của con người. Nếu chúng ta biết vượt qua cái đáy của đường cong hạnh phúc, vượt qua sự phiền muộn nhất thời thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc. Giai đoạn khủng hoảng hay phiền muộn xảy ra ở tuổi trung niên là hiện tượng tâm lí hoàn toàn bình thường, giống như giai đoạn dậy thì ở mỗi con người.

Tác giả Jonathan Rauch đã đập tan đinh kiến cũ kĩ, sáo mòn về tuổi trung niên và thay thế bằng những kiến thức mới mẻ, phong phú về một chu kì cuộc sống bình thường. “Đường cong hạnh phúc” là cuốn sách không thể thiếu của những người sắp bước vào tuổi trung niên, là kim chỉ nam hữu ích giúp họ vượt qua những năm tháng trung niên trì trệ, với một thông điệp đầy hi vọng: “Mọi chuyện rồi sẽ tươi sáng hơn”. Nếu bạn đang trăn trở không biết quỹ đạo cuộc đời mình ra sao, tại sao sau này bạn lại có thể hạnh phúc hơn bây giờ thì cuốn sách “Đường cong hạnh phúc” sẽ giúp bạn giải đáp những băn khoăn đó. Sách hiện có tại phòng Luân chuyển của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc, phục vụ tại các cơ sở xã, phường. Mời các bạn tìm đọc!

Nguyễn Thị Hồng Nhung.