Ngày đăng: 05/06/2023 10:30
Lượt xem: 7651
Tứ thư lãnh đạo: Thuật dụng ngôn

z4388180797163_552a533ec80e4bda02764c62706174c7.jpg

Người lãnh đạo cần những tố chất gì? Cần có tầm nhìn, tài thuyết phục người khác, quyết đoán, biết đối nhân xử thế hoặc có dũng khí đối đầu với khó khăn?... Thực ra, để trở thành nhà lãnh đạo giỏi, cần phải có tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó có “Thuật dụng ngôn”. Một người lãnh đạo nếu không làm chủ được ngôn ngữ thì chắc chắn không thể lãnh đạo người khác tốt. Tài ăn nói là một trong những tố chất không thể thiếu đối với người lãnh đạo và  là chiếc chìa khóa vàng giúp mở rộng cánh cửa hướng tới thành công.

Thuật dụng ngôn sẽ giúp bạn trở thành một người lãnh đạo có tài ăn nói, diễn thuyết, phản biện, từ đó thu phục được nhân tâm và làm nên việc lớn. Để giúp mọi người rèn luyện khả năng ăn nói và trở thành người lãnh đạo xuất sắc, tác giả Hòa Nhân đã biên soạn cuốn sách “Thuật dụng ngôn”. Cuốn sách này nằm trong bộ sách “Tứ thư lãnh đạo” do Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Đức Anh và Phan Vũ Tuấn Anh dịch. Sách dày 401 trang, bìa cứng, khổ 24cm được nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2021.

Thuật dụng ngôn chính là những cách sử dụng ngôn ngữ giúp bạn trở thành người có tài ăn nói. Tài ăn nói chính là việc bạn có thể ăn nói linh hoạt, đối đáp tự nhiên, thoải mái. Cuốn sách “Thuật dụng ngôn” gồm 16 chương với những nội dung hết sức thiết thực như: Hội nghị; Thuyết phục; Phê bình; Khích lệ; Giao tiếp; Hài hước; Đối thoại… sẽ mang đến cho bạn đọc những bí quyết để trở thành người lãnh đạo có tài ăn nói, thuyết phục lòng người.

Lời phát biểu tại hội nghị rất quan trọng. Khi phát biểu, người lãnh đạo phải tìm cách cuốn hút người nghe. Vậy làm thế nào để tạo được sức hút với người nghe khi phát biểu tại hội nghị? Chúng ta hãy tìm đọc chương 1 “Hội nghị” tại trang 11, tác giả Hoà Nhân cung cấp cho bạn đọc những kiến thức, kỹ năng nói chuyện khi chủ trì cuộc họp, hội nghị, hội thảo; các bước chuẩn bị tốt bài phát biểu đầu tiên trước cuộc họp, hội nghị; những cách nâng cao khả năng diễn thuyết. Với việc nâng cao khả năng diễn thuyết, chúng ta cần: Sắp xếp những chủ đề cần nói, làm rõ những nội dung liên quan; Bài phát biểu phải có tính chính xác của ngôn ngữ; Nội dung phát biểu phải quan trọng và có sức ảnh hưởng; Phải nắm vững nội dung phát biểu; Lắng nghe những ý kiến đóng góp của người khác…

Khi muốn góp ý cho người khác, cần hết sức cụ thể thì họ mới dễ dàng tiếp thu. Sai lầm của cấp dưới cũng chính là sai lầm của lãnh đạo. Không trách móc nhưng cũng không dung túng lỗi lầm của cấp dưới. Người lãnh đạo có thể dùng những hình thức trách móc không lời, từ đó khiến cấp dưới tự kiểm điểm. Vậy phê bình làm sao cho đối phương tâm phục khẩu phục? Các bạn hãy đọc chương 3 “Phê bình” để có những bí quyết và nghệ thuật phê bình thông minh và dễ nghe nhất.

Sự hài hước là một trong những hình thức quan trọng trong giao tiếp thường ngày. Dùng cách hài hước để khen ngợi hay tán dương ai đó chính là biết cách tạo niềm vui trong giao tiếp. Chương 6 “Hài hước” sẽ giúp bạn đọc có được những bí quyết sử dụng khiếu hài hước, để thêm gia vị cho cuộc trò chuyện của mình.

Những người có thể nói ở mọi lúc, mọi nơi là những người có khả năng ứng khẩu, họ dám tự tin nói trước công chúng trong khi chưa hề có một sự chuẩn bị nào thường nhận được sự hoan nghênh lớn từ phía mọi người. Muốn đạt đến trình độ như vậy thì đương nhiên phải trải qua quá trình rèn luyện kiên trì. Bạn cần chuẩn bị vốn từ vựng phong phú, ngôn ngữ trôi chảy, không ngừng học hỏi những kiến thức văn hóa, nâng cao tố chất tổng hợp của bản thân và luôn tự tin đối với cuộc sống. Bạn hãy giở trang 271 của cuốn sách để đọc chương 12 “Ứng khẩu, bạn sẽ nắm được  những bí quyết hữu ích, giúp bạn có thể nói lưu loát mọi lúc mọi nơi.

Trong giao tiếp, muốn dành được thiện cảm và sự tin tưởng của người nghe, bạn không những phải dựa vào mưu trí mà còn phải biết dùng những từ ngữ khéo léo. Chương 14 “Dùng từ” tại trang 323 sẽ cung cấp cho bạn đọc những phương thức biểu đạt tốt nhất để lời nói đi vào lòng người. Tác giả mang đến cho bạn những kỹ xảo ngôn ngữ tự thuật trong đàm phán; cách khéo léo sử dụng từ ngữ khi từ chối; cách thể hiện ngôn ngữ rõ ràng, làm nổi bật nội dung trọng điểm; nói những chuyện tích cực; nói lời nói kính trọng…

Thật vậy, tài ăn nói không phải do trời sinh, chỉ cần bạn nghe nhiều, nói nhiều, chăm chỉ luyện tập, dần dần chắc chắn bạn sẽ ăn nói linh hoạt. Tài ăn nói của một người lãnh đạo là tiêu chuẩn cơ bản nhất, trực tiếp nhất mà người khác nghĩ đến khi đánh giá năng lực và tố chất của họ. Nó cũng thể hiện khả năng giao tiếp, phong thái khi nói chuyện với một người nào đó. Một người lãnh đạo không thể tách rời khả năng ăn nói; khi mới gặp một người bạn mới quen cần có tài ăn nói xã giao; khi giáp mặt với đối thủ cần tài hùng biện sắc sảo; khi hợp tác phải cần đến thương lượng đàm phán; khi khích lệ cấp dưới cần biết cách cổ vũ, động viên. Tài ăn nói có thể là vũ khí bách chiến bách thắng, vì vậy rèn luyện khả năng ăn nói là một việc vô cùng cần thiết đối với bất cứ người lãnh đạo nào.

Cuốn sách “Thuật dụng ngôn”  đang được phục vụ tại Phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc sẽ mang đến cho các bạn những kiến thức bổ ích về cách sử dụng ngôn ngữ trong mọi hoạt động, giúp thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc trân trọng giới thiệu. Ký hiệu sách: 201004062; 202006023-4.

Hải Hà